Tiếng Việt | English

05/10/2015 - 10:01

Bộ Y tế giải đáp trực tuyến về dịch sốt xuất huyết

Cuộc giao lưu sẽ diễn ra từ 9-11g sáng nay 5-10, với hai điểm cầu tại Hà Nội và TPHCM với khách mời đến từ Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế và các bệnh viện lớn ở Hà Nội và TP.HCM.

>> Đặt câu hỏi TẠI ĐÂY

NỘI DUNG GIAO LƯU

* Mùa dịch sốt xuất huyết năm nay xuất hiện đồng thời với nhiều loại bệnh khác cũng có sốt, vậy phân biệt thế nào là sốt xuất huyết? Thế nào là các loại bệnh cùng có biểu hiện sốt khác? (Trần Triều, TP.HCM)

- Ông Nguyễn Văn Kính, Giám đốc bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương: Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm có những đặc điểm riêng về dịch tễ, lâm sàng và xét nghiệm.

Người ta thường nghĩ đến bệnh nhân bị mắc bệnh sốt xuất huyết khi người đó đang sống trong vùng có dịch và xuất hiện các triệu chứng như: sốt cao đột ngột, liên tục, kéo dài từ 2 -7 ngày.

Từ ngày thứ ba, bắt đầu xuất hiện các biểu hiện xuất huyết như xuất huyết dạng chấm trên da, chảy máu chân răng, chảy máu cam, chảy máu củng mạc mắt.

Một số trường hợp có thể có rong kinh hoặc hành kinh sớm trước kì kinh. Nặng hơn có thể xuất huyết ở các nội tạng như: xuất huyết tiêu hóa.

Một số trường hợp có thể xuất hiện tràn dịch ở màng bụng, màng phổi do thoát quản dịch khỏi lòng mạch có thể dẫn tới sốc nếu không được điều trị kịp thời có thể bị tử vong.

Xét nghiệm có thể thấy tiểu cầu hạ, men gan tăng hoặc các biểu hiện xét nghiệm liên quan đến sốc.

Trong ba ngày đầu, người ta có thể làm xét nghiệm tìm kháng nguyên NS1, sau đó có thể làm xét nghiệm tìm IgM để khẳng định bị sốt xuất huyết Dengue hay không. 

* Đốt hương muỗi liệu có xua được muỗi gây dịch sốt xuất huyết? (Trúc Đào, daotrucanh11@)

- Ông Nguyễn Văn Kính: Đốt hương trừ muỗi có thể xua đuổi được muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết nhưng khi hết mùi hương thì muỗi lại quay trở lại.

* Có vắc xin phòng sốt xuất huyết hay chưa? Nếu chưa có thì cách phòng bệnh đặc hiệu nhất là gì? (Metamvong@)

- Ông Nguyễn Văn Kính, Giám đốc bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương: Cho đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết. Vì vậy, chúng ta sử dụng các biện pháp dự phòng không đặc hiệu để ngăn chặn bệnh:

 + Thứ nhất, đối với mỗi cá nhân tìm mọi cách để tránh muỗi đốt như: xoa kem chống muỗi vào chỗ da hở, đi ủng khi vào vùng có muỗi, mặc quần áo dài tay, ngủ phải mắc màn...

+ Thứ hai, đối với gia đình và cộng đồng tìm mọi cách để loại bỏ nơi muỗi có thể đẻ trứng. Muỗi vằn thường đẻ trứng vào chỗ nước sạch như những ổ chứa nước mưa (vỏ lốp xe, bát đỉa bị vỡ, gáo dừa, lọ đựng bình hoa, nước thải từ tủ lạnh, nước đựng ở những chân chạn...). Thực hiện khẩu hiệu "không có loăng quăng (bọ gậy) thì không có sốt xuất huyết). Có thể thả cá vào những bể chứa nước để cá ăn bọ gậy, đậy kín chum vại chứa nước ăn...

+ Thứ ba, ngành y tế dự phòng tiếp tục phun thuốc diệt muỗi nhất là phun thuốc trước khi có dịch dựa theo chu kỳ xuất hiện bệnh hằng năm.

+ Thứ tư, khi có triệu chứng nghi ngờ sốt xuất huyết phải đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. 

* Từ lứa tuổi nào có thể mắc sốt xuất huyết, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ có thể mắc căn bệnh này không? (Mebaubi@)

- Ông Nguyễn Văn Kính, Giám đốc bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương: Ai cũng có thể bị mắc sốt xuất huyết nếu muỗi truyền bệnh từ người mắc bệnh sang.

* Đối tượng nào dễ bị biến chứng nguy hiểm nhất khi mắc sốt xuất huyết? (Lương Hòa, Bình Thạnh, TP.HCM)

- Ông Nguyễn Văn Kính, Giám đốc bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương:Những bệnh nhân bị sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo như: sốt cao liên tục từ 39 độ C trở lên, li bì, mệt mỏi nhiều, xuất huyết niêm mạc, tiểu cầu hạ, đau tức vùng gan là những dấu hiệu báo hiệu dễ đi vào sốc Dengue dẫn tới tử vong. 

* Tôi được biết là muỗi gây bệnh có thể ẩn nấp ở lọ hoa, vậy làm sao để tránh muỗi hay là không được để các lọ hoa có nước trong gia đình? (Hoa Hồng, honghoa88@)

 - Ông Nguyễn Văn Kính, Giám đốc bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương: Phải thay đổi nước trong lọ hoa thường xuyên, hằng ngày để muỗi không còn chỗ đẻ trứng. 

* Ở khu vực tôi sống đang có người bệnh mắc sốt xuất huyết, như vậy có phải tôi cũng có nguy cơ mắc bệnh nếu bị muỗi đốt hay không?  (Công Bình, binhan33@)

- PGS.TS. Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM: Khi có người mắc bệnh sốt xuất huyết, nghĩa là muỗi khu vực đó đã có vi rút gây bệnh, người sống ở khu vực đó sẽ có nguy cơ mắc bệnh.

Do vậy, phải diệt hết muỗi tại nơi có bệnh nhân và diệt sạch lăng quăng tại nơi đó để không có muỗi mới xuất hiện.

Thời gian đầu của biểu hiện bệnh, đặc biệt là 5 ngày đầu, là lúc vi rút dengue phát triển trong cơ thể người bệnh, tạo cơ hội cho muỗi đốt và làm lây lan sang người khác, do đó cần bảo vệ người mắc bệnh trong thời gian này như ngủ mùng..., không để tác nhân truyền bệnh có cơ hội lây lan cho người khác. Điều cơ bản là phải diệt sạch lăng quăng ở khu vực đó.

Ông Phan trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM (trái), trả lời câu hỏi của bạn đọc tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ - Ảnh Thanh Đạm

* Muỗi gây dịch sốt xuất huyết thường xuất hiện vào thời điểm nào, phòng chống muỗi gây bệnh thế nào cho hiệu quả? (Ngọc Huy, huy99@)

- Ông Nguyễn Đức Khoa, Phó Trưởng phỏng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng: Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát trển mạnh ở nhiệt độ 25-35 độ C và vào mùa mưa. Muỗi thường đẻ ở các dụng cụ chứa nước sạch như bể nước, chum vại lu khạp, lọ hoa, bát kê chân chạn, bình trồng cây thủy sinh, bể cảnh, vật liệu phế thải như mảnh sành vỡ, chai lọ, vỏ dừa, lốp xe, các máng nước nuôi gia súc gia cầm, khay nước điều hòa, tủ lạnh.

Trứng muỗi có thể bám vào thành các dụng cụ này và sống được trong 6 tháng khi mưa xuống, trứng ngập nước sẽ nở thành lăng quăng và phát triển thành muỗi. Virus truyền bệnh có thể truyền từ muỗi mẹ sang đời sau qua trứng.

Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết có đặc tính là xuất hiện và đốt người vào ban ngày, nhất là lúc chập choạng (sáng sớm hay chiều tối).

Để phòng tránh muỗi hiệu quả cần diệt muỗi, diệt lăng quăng bọ gậy, phòng tránh muỗi đốt bằng cách ngủ màn, mặc quần áo dài, dùng kem xua muỗi...

* Việc quá tải ở các bệnh viện được nói từ năm này qua năm khác. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương có xảy ra tình trạng quá tải không? Theo bác sĩ, cần có chiến lược chung nào? Riêng bệnh viện có những biện pháp gì trước những mùa quá tải, như mùa dịch sốt xuất huyết chẳng hạn? Cảm ơn bác sĩ (Nguyễn Đình Lộc, Hà Nội)

- Ông Nguyễn Văn Kính, Giám đốc bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương: Hiện nay, bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương là tuyến đầu ngành để điều trị bệnh sốt xuất huyết nên chỉ có những ca bị mắc bệnh nặng mới được chuyển đến còn hầu hết các cơ sở y tế khác đều có thể chữa được bệnh sốt xuất huyết.

Bệnh viện đã kết hợp với hệ thống các bệnh viện vệ tinh để giảm tải cho nên đến nay bệnh viện không bị quá tải. Về chiến lược chung để giảm quá tải bệnh viện cần nhiều biện pháp đồng bộ.

- Thứ nhất: Chúng ta thực hiện phòng bệnh hơn chữa bệnh, không có bệnh nhân thì bệnh viện không quá tải.

- Thứ hai: Triển khai các biện pháp đồng bộ, gắn kết giữa các cơ sở điều trị trong hệ thống y tế đặc biệt là kết hợp với hệ thống bệnh viện vệ tinh, chuyển giao kĩ thuật cho các tuyến để đảm bảo các bác sĩ đều có thể chẩn đoán và điều trị có hiệu quả bệnh sốt xuất huyết.

- Thứ ba: Có thể xây dựng thêm các bệnh viện để có thêm giường tiếp nhận điều trị các bệnh nhân nhất là khi có dịch.

* Có nên sử dụng các loại hóa chất bán ngoài thị trường để tự phun trừ muỗi không, thưa bác sĩ? (Trọng Khương, khuongtrong@)

- Ông Nguyễn Đức Khoa: Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết không đậu trên tường, nên muốn diệt muỗi sốt xuất huyết thì phải phun khí dung, hóa chất lơ lửng trong không gian với các hạt hóa chất cực nhỏ bằng máy phun ULV chuyên dụng.

Việc sử dụng hóa chất diệt muỗi nên theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn để đảm bảo hiệu quả, an toàn, đúng kỹ thuật và không gây hại cho người, vật nuôi và môi trường.

Trong thời gian có dịch, người dân cần tích cực phối hợp với cơ quan y tế để phun hóa chất bằng máy phun có động cơ, không nên tự ý mua hóa chất và phun trừ muỗi tại nhà.

* Vì sao có hiện tượng sốt xuất huyết ở người lớn lại tăng mạnh trong thời gian qua? Có phải do nguyên nhân tác nhân gây bệnh có biến đổi? (lamanh@)

- Ông Nguyễn Văn Kính: Cho đến nay tác nhân gây bệnh sốt xuất huyết không có gì thay đổi. Tuy nhiên, do thay đổi về môi sinh, thay đổi về lối sống và đặc biệt thay đổi về vi khí hậu làm cho trái đất nóng lên, vệ sinh môi trường không được đảm bảo, tạo nhiều cơ hội cho muỗi vằn sinh sôi và phát triển.

Trong khi đó, bệnh sốt xuất huyết lại chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên cơ hội để muỗi truyền bệnh từ người mắc bệnh sang người lành rất dễ dàng làm thay đổi diện mạo dịch tễ của bệnh.

Hơn nữa, sốt xuất huyết không gây ra miễn dịch bền vững, bệnh lại có nhiều thứ nhóm khác nhau. Vì vậy, dịch sốt xuất huyết xuất hiện ở tất cả mọi lứa tuổi và có xu hướng tăng lên ở người lớn.

* Nhà tôi ở khu vực khô ráo, không có rãnh nước lộ thiên mà vẫn bị sốt xuất huyết thì muỗi ẩn nấp ở đâu, làm sao để phòng trừ? (Cúc Đại Đóa, Gò Vấp, TP.HCM)

- PGS.TS.Phan Trọng Lân: Bệnh sốt xuất huyết là do muỗi vằn truyền bệnh. Bạn đã mắc bệnh sốt xuất huyết có nghĩa là khu vực bạn đang sống (trong nhà hoặc xung quanh nhà) có lăng quăng, có muỗi vằn và muỗi vằn đã nhiễm vi rút sốt xuất huyết.

Các ổ chứa lăng quăng chủ yếu là:

- Dụng cụ chứa nước sinh hoạt: lu, khạp, hồ chứa nước.

- Các vật dụng linh tinh trong nhà: bình bông, đĩa kê chậu kiểng, chậu kiểng đọng nước, chỗ đọng nước thoát của máy lạnh, xô, thùng ngoài vườn…

- Vật phế thải xung quanh nhà: vỏ xe, lon nước ngọt, vỏ dừa, vỏ cơm hộp, máng xối…

Có thể lăng quăng nằm trong nhà, ngoài nhà, hoặc khu vực xung quanh nhà mà bạn chưa phát hiện được. Bạn cần kiểm tra quanh nhà từ tầng thượng nơi để hồ nước đến từng phòng và nhà tắm; từ trong nhà ra ngoài sân, phía sau hè nhà.

Bạn có thể mở rộng khu vực kiểm tra rộng ra xung quanh, và vận động hàng xóm tham gia cùng để kiểm tra, phát hiện và loại trừ ổ lăng quăng ở khu vực, kể cả khu công cộng, công trường xây dựng, nếu có.

Bản thân bạn đang bị mắc sốt xuất huyết, trong vòng 5 ngày đầu, cần tự bảo vệ tránh để muỗi chích, tạo cơ hội cho muỗi lây truyền bệnh thêm. Đồng thời diệt sạch lăng quăng, để không tạo muỗi mới, cắt đứt đường lây truyền bệnh sang người khác.

* Ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, bệnh nhân có "nằm xếp lớp" (hai ba người một giường, nằm ngoài hành lang) như các bệnh viện khác không? Nếu không đến bệnh viện của ông khi bị sốt xuất huyết thì đến đâu cũng được điều trị tốt, thưa ông? (Loan Nghi, loan8990@)

- Ông Nguyễn Văn Kính: Hiện nay, bệnh viện đã kết hợp tốt với hệ thống các bệnh viện vệ tinh nên chỉ các ca nặng mới chuyển đến bệnh viện Nhiệt đới Trung ương để giảm quá tải.

Nếu bị sốt xuất huyết bình thường, bạn có thể đến bất kì cơ sở, bệnh viện nào để được điều trị bởi vì Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sốt xuất huyết Dengue áp dụng cho tất cả các bệnh viện.

* Nếu không có bảo hiểm y tế thì việc điều trị sốt xuất huyết có chi phí khoảng bao nhiêu? (Mỹ Tiên, Hà Nội)

- Ông Nguyễn Văn Kính: Chi phí sốt xuất huyết tùy thuộc vào tình trạng bệnh nặng hay nhẹ, nằm điều trị ngắn ngày hay dài ngày. Tùy vào từng trường hợp, các bệnh viện sẽ tính chi phí phù hợp cho từng người bệnh.

* Sau khi bị bệnh, cần có chế độ dinh dưỡng như thế nào để nhanh hồi phục sức khỏe? Nếu phát hiện trễ thì có để lại di chứng gì sau bệnh không? (Ngọc Hiền, Cà Mau)

- Ông Nguyễn Văn Kính: Bệnh sốt xuất huyết không có kiêng khem gì về ăn uống nên sau khi hết sốt bạn có thể ăn thỏa thích các thứ mình muốn nhưng tập trung ăn những thức ăn nhiều chất bổ dưỡng như thịt, cá, trứng... Bệnh khỏi không để lại di chứng gì dù được phát hiện muộn hay sớm.

* Hóa chất phun trừ muỗi có ảnh hưởng gì đến sức khỏe người sống trong khu vực bị phun hóa chất hay không? (Trần Thị Thục, Cần Thơ)

- Ông Nguyễn Đức Khoa: Hóa chất diệt muỗi được Bộ Y tế cấp phép lưu hành đều là những hóa chất đã được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo an toàn với người, gia súc, gia cầm và đang được nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng.

Những hóa chất này cũng đã được các cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế đánh giá, khảo nghiệm đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Tuy vậy khi phun hóa chất diệt muỗi người dân cần che đậy, thu dọn thực phẩm, nước uống, di chuyển người, vật nuôi ra khỏi khu vực phun, đóng cửa sổ, cửa ra vào để muỗi không bay ra ngoài. Người trong gia đình chỉ vào nhà sau 60 phút kể từ khi phun hóa chất.

* Sốt xuất huyết có phải căn bệnh có thể lây lan hay không? Nếu là bệnh lây thì làm sao để tránh khỏi bị lây? (Tuyết Mai, Hà Nội)

- Ông Nguyễn Văn Kính: Bệnh sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm có thể lây từ người này sang người khác do muỗi truyền. Để tránh bị lây thì phải điều trị khỏi những người mắc bệnh và tiêu diệt muỗi truyền bệnh bằng các cách đã nêu ở trên.

* Bà mẹ mang thai khi bị sốt xuất huyết có những nguy cơ gì thưa ông? (Lieenquynh@)

- Ông Nguyễn Văn Kính: Bệnh sốt xuất huyết ở phụ nữ mang thai không có gì khác biệt so với những người khác bị bệnh trừ khi bệnh nhân bị sốt cao liên tục, có xuất huyết ở trong tử cung có thể dẫn tới sẩy thai hoặc đẻ non.

>>Tiếp tục cập nhật

Dịch sốt xuất huyết đang vào giai đoạn đỉnh dịch của năm 2015, với rất nhiều thay đổi so với các mùa dịch trước: Bùng phát tại nhiều TP lớn ở miền bắc, đặc biệt là ở Hà Nội, đồng thời gia tăng mạnh tại TPHCM và nhiều tỉnh miền Nam, miền Trung.

Tổng số ca mắc sốt xuất huyết cho đến thời điểm này là khoảng 40 ngàn ca, trong đó có 25 ca tử vong. Không phải là căn bệnh lạ, nhưng sốt xuất huyết khá dai dẳng gây những tác hại không nhỏ đến sức khỏe và đời sống người dân. Tại một số bệnh viện ở Hà Nội và TPHCM đang có tình trạng quá tải bệnh nhân sốt xuất huyết.

Vì lý do này, bắt đầu từ 9g sáng ngày 5-9, Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Bộ Y tế tổ chức cuộc giao lưu trực tuyến  "Phòng chống sốt xuất huyết như thế nào là hiệu quả?".

Nội dung xoay quanh cách phòng chống dịch sốt xuất huyết, đặc biệt là ở đô thị trong giai đoạn dịch bùng phát mạnh hiện nay: Ổ chứa sốt xuất huyết mới là những vật dụng thường gặp trong các gia đình đô thị như bình hoa, bình trồng cây thủy sinh... thì chống dịch như thế nào? Dấu hiệu nào đặc trưng của bệnh sốt xuất huyết? Vì sao người trưởng thành mắc sốt xuất huyết lại gia tăng mạnh trong 5 năm gần đây...

Cuộc giao lưu sẽ diễn ra từ 9-11g sáng ngày 5-10, với hai điểm cầu tại Hà Nội và TP.HCM.

* Các khách mời Hà Nội:

1, Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

2, Ông Nguyễn Văn Kính, GĐ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư

3, Ông Nguyễn Đức Khoa, Phó trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng

* Khách mời tại TPHCM:

1, Ông Phan trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM

* Bắt đầu từ bây giờ, bạn đọc quan tâm có thể gửi câu hỏi tới các khách mời TẠI ĐÂY

Theo Tuoitre online

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích