Tiếng Việt | English

14/02/2020 - 10:39

Buồn, vui tiếng vó ngựa

Đường đua không còn, những chú tuấn mã ở Đức Hòa (tỉnh Long An) đành chùn chân. Người nuôi ngựa đua cũng vì thế mà buồn lòng, nén nước mắt bán đi đàn ngựa từng gắn bó. Thời “vàng son” của nghề nuôi ngựa đua và đua ngựa ở Đức Hòa bây giờ chỉ còn trong ký ức.

Anh Phan Văn Tú hy vọng đường đua được mở lại để tiếng vó ngựa được cất lên

Nhớ thời “vàng son”

Mấy tháng nay, anh Phan Văn Tú, ngụ ấp Đức Ngãi 1, xã Đức Lập Thượng, đã tháo bộ móng sắt của 3 chú ngựa đua tên Kim Anh, Giang Bảo Anh và Hồng Anh. Anh Tú giải thích: “Ngựa đua thì đóng móng, đưa đi quần giò mỗi sớm. Còn bây giờ, đường đua không còn, bộ móng phải tháo ra, mỗi sáng, chiều chỉ dẫn ngựa ra ruộng gặm cỏ mà thôi!”. Tháo những bộ móng, đem cất vào một góc nhà, anh Tú buồn lòng khi nghĩ về những ngày tháng đưa ngựa đến trường đua thi đấu. “Đó là 4 lần thi đấu ở Khu du lịch Đại Nam đều “rinh” về giải thưởng. Nuôi ngựa chỉ mong có đường đua, vậy mà…” - lời nói đứt quãng như niềm nuối tiếc, xót xa cho nghề nuôi ngựa đua mà anh gắn bó suốt 10 năm qua.

So với anh Tú, ông Dương Văn Đương, ngụ ấp Hậu Hòa, xã Đức Hòa Thượng, có thâm niên nuôi ngựa đua nhiều hơn, có thể gọi là “lão làng” trong nghề này. Năm 23 tuổi, thấy ông mê ngựa nhưng chẳng có tiền để mua nên cha vợ cho một con ngựa nái về nuôi. Sau một thời gian, nó sinh được một chú ngựa con, đặt tên Long Sơn Hiệp. Tham gia vài trận ở trường đua Đức Hòa Thượng, ông Đương quyết định bán Long Sơn Hiệp và “rước” về tuấn mã Phi Long. Phi Long được chăm sóc cẩn thận và sinh ra nhiều con ngựa khác: Phụng Hoàng, Phương Dung, Xuân Loan, Thuận Thành,... Tất cả những con ngựa đua ấy đều mang về cho ông nhiều giải thưởng. “Đua ngựa có giải thưởng thì vui nhưng vui nhất là lúc dẫn ngựa giới thiệu cùng khán giả trước khi bắt đầu vào trận đấu. Nhìn khán giả vỗ tay, trầm trồ ngợi khen bộ lông con ngựa bóng mướt mà lòng sung sướng, hãnh diện. Hơn nữa, lúc trước, cả gia đình tôi đều sống bằng nghề này. Mảnh đất 1ha cặp con đường nhựa trước nhà cũng mua từ tiền nuôi ngựa đua và đua ngựa” - ông Đương như đang nói với quá khứ của một thời “vàng son”.

Thời ấy là năm 1983, cứ đến cuối tuần, trường đua Đức Hòa Thượng lại vui như trẩy hội khi gái, trai, già, trẻ rủ nhau đến xem đua ngựa. “Nhưng sau 3 năm hoạt động, trường đua Đức Hòa Thượng rộng 45ha không còn hoạt động” - ông Đương buồn bã nói khi đứng trên khu đất ngày nào từng là trường đua ngựa Đức Hòa Thượng.

Hy vọng một ngày nào đó, nghề nuôi ngựa đua và đua ngựa được sống lại

Gắn bó với đua ngựa còn có những tay nài một thời oai phong trên yên ngựa. Anh Nguyễn Văn Hậu, 46 tuổi, ngụ ấp Hậu Hòa, xã Đức Hòa Thượng, làm nài từ năm 14 tuổi. Sau một khóa đào tạo nài ngựa ở trường đua Phú Thọ, anh tập tành với con ngựa Bảo Quốc, sau đó bước vào trận đấu với con Thuận Thành nhưng thất bại. “Khi ấy, tôi nhận ra làm nài ngựa không hề dễ. Thế là, ông Nguyễn Cự Ly - người nuôi ngựa có thâm niên ở Đức Hòa dạy thêm về cách đi cương, thúc hông,... Để thành nài ngựa giỏi phải biết tính tình con ngựa nên sau này, tôi cũng rinh được vài giải” - anh Hậu nhớ lại.

Mỗi khi nhớ về những ngày làm nài ngựa, anh Hậu lại sang nhà ông Bảy Đương, cùng lấy yên ngựa, dây cương ra xem và ôn chuyện cũ. Anh Hậu bộc bạch: “Những thứ ấy giờ trở thành kỷ vật vô giá. Có người từng hỏi mua nhưng bác Bảy Đương không bán. Bác giữ lại tất cả như giữ một ký ức đẹp về nghề nuôi ngựa đua và đua ngựa Đức Hòa”.

Ký ức một thời không chỉ là những phút giây hồi hộp, sôi nổi trên đường đua mà còn là những hình ảnh đặc trưng của vùng nuôi ngựa Đức Hòa. Theo nhiều bác cao niên, thời hoàng kim, Đức Hòa có khoảng 2.000 con ngựa, nhiều nhất là ở các xã: Đức Hòa Thượng, Đức Lập Hạ, Hòa Khánh Đông, Mỹ Hạnh Nam,... Mỗi sớm, đường quê Đức Hòa vang tiếng vó ngựa lộc cộc. Chủ ngựa thong dong trên chiếc xe đạp, một tay dẫn ngựa đi quần giò. Còn bây giờ, tiếng vó ngựa chỉ còn trong ký ức. Từ ngày trường đua Phú Thọ và Khu du lịch Đại Nam không còn tổ chức những trận thi đấu, nghề này dần mai một. Những chuồng ngựa năm nào giờ trống hoác, có chăng một số hộ giữ lại vài con để nuôi như “níu kéo” thời vó ngựa tung hoành. Muốn xoa bóp thuốc, chùi móng, cà lông, ép bụng,... cho ngựa đua như xưa cũng chẳng thể vì vó ngựa đã chùn chân, chỉ còn tiếng hí vang nghe não lòng.

Nuôi “cầm chừng” vì đam mê

10 năm nuôi ngựa đua, anh Tú chưa bao giờ nghĩ đến một ngày vó ngựa chùn chân như hiện tại. Ngày trước, vì đam mê, anh lặn lội đến Vĩnh Lộc, TP.HCM mua con ngựa Tân Hòa và một con khác của người dân địa phương để nuôi. Sau thời gian chăm sóc, đàn ngựa phát triển thành 9 con. Tất cả đều mang những cái tên mỹ miều, có giấy khai sinh được làm ở Nhà thi đấu Phú Thọ, TP.HCM. “Ngựa đua mà không còn đường thi đấu thì khác gì ngựa cỏ, tôi bảo bán đi mà nó chưa chịu, còn nuôi cầm chừng” - bà Tám - mẹ của anh Tú, nói.

Anh Huỳnh Văn Lào giữ lại  đàn ngựa vì đây là nghề cha truyền con nối

Anh Tú trải lòng: “Trước đây, nghề nuôi ngựa đua và đua ngựa còn ăn nên làm ra chứ bây giờ tính ra lỗ vốn. Đàn ngựa 9 con ăn khoảng 4 tấn lúa mỗi năm, chưa kể công chăm sóc vất vả mỗi ngày. Thương lái hỏi mua đàn ngựa nhưng tôi chưa bán vì gắn bó với nghề đã lâu, bỏ giữa chừng cũng cảm thấy nuối tiếc. Đợt rồi, có 2 con bị bệnh nên tôi phải bán với giá hơn 30 triệu đồng”.

Ngày trước, mỗi con ngựa đua có giá vài trăm triệu đồng. Còn bây giờ, giá bán ngựa tùy vào cân nặng, hình dáng và “thương lái muốn trả bao nhiêu thì trả”. Biết lỗ nhưng anh Tú vẫn cố gắng giữ lại đàn ngựa vì niềm đam mê. Ngoài nuôi bò sữa và heo, thời gian còn lại, anh Tú vẫn chăm chút cho tuấn mã. “Tôi thức dậy từ lúc 4 giờ sáng để dắt ngựa ra chuồng, cặm cọc trên ruộng cho ăn cỏ. Ngày nào cũng vậy, cứ 2 buổi sáng, chiều đều làm công việc như thế để duy trì cho đàn ngựa phát triển khỏe mạnh”.

Dắt con ngựa Giang Bảo Anh và Tân Hòa ra đám ruộng cỏ gần nhà mà ánh mắt anh Tú đượm buồn. Anh nhớ lại trước đây, mỗi sáng thong dong dẫn ngựa đi dạo trên đường quê để quần giò, còn hiện tại phải ra ruộng gặm cỏ. Thỉnh thoảng, nghe tiếng ngựa hí vang, anh lại thở dài. “Hy vọng một ngày nào đó, nghề nuôi ngựa đua và đua ngựa được sống lại” - anh Tú bộc bạch.

Còn anh Huỳnh Văn Lào, ngụ ấp Hậu Hòa, xã Đức Hòa Thượng, hiện còn giữ lại đàn ngựa 7 con. Trước đây, thời hoàng kim của nghề, anh nuôi hơn 20 con ngựa đua. “Giữ nghề như một sự ghi ơn. Bởi, 3 thế hệ gia đình tôi trước nay đều sống nhờ vào nghề nuôi ngựa đua và đua ngựa. Đua ngựa là để giải trí, còn nuôi và bán ngựa đua để làm kinh tế. Hồi đó, mỗi con có giá vài trăm triệu đồng, giờ chỉ còn vài chục triệu đồng” - anh Lào chia sẻ.

Mỗi khi nhớ thời “ vàng son”, những người nuôi ngựa đua như anh Lào chỉ biết nhìn lại những kỷ vật như dây cương, yên ngựa,...

Yêu nghề và muốn “sống được” với nghề, anh Lào từ người nuôi trở thành người mua bán ngựa. Từ những mối quen biết, anh mua ngựa của người dân địa phương và bán lại cho thương lái ở Ninh Thuận. Theo anh Lào, chuyện tìm mua ngựa hiện nay cũng khó vì từ ngày đường đua không còn, số ngựa còn lại rất ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Anh Lào buồn rầu nói: “Sợ rằng, một thời gian ngắn nữa, nghề này sẽ mai một nếu đường đua không được mở lại”.

Nếu anh Tú, anh Lào cố gắng “níu” nghề thì có những người nén nước mắt bán đi đàn ngựa một thời gắn bó. Ông Phan Văn Phì - anh trai của anh Tú, bày tỏ: “Bây giờ phải bán ngựa để nuôi ngựa. Đàn ngựa 9 con của anh em tôi chắc phải bán bớt con Giang Bảo Anh để lấy tiền mua lúa cho những con còn lại”. Có nhớ, có thương nghề cũ, những người nuôi ngựa đua chỉ biết nhìn những kỷ vật ngày nào. Đó là những bộ móng mà anh Tú cất vào góc nhà; những bộ dây cương, yên ngựa, chiếc cúp, tấm mền từng choàng lên mình tuấn mã khi đoạt giải,... của anh Lào.

“Nuôi ngựa bây giờ chỉ để cân ký, bán thịt” - câu nói nặng nỗi niềm của những người trong nghề nghe thật xót xa. Một thời vàng son bây giờ chỉ còn trong ký ức. Có chăng, vì đam mê, một vài người giữ nghề, nuôi cầm chừng và ấp ôm một hy vọng đường đua được mở để tiếng vó ngựa lại được cất lên như những năm về trước./.

Thùy Vy

Chia sẻ bài viết