Tiếng Việt | English

08/12/2022 - 10:05

Bút chiến giữa thời bình (Bài cuối)

Lợi dụng không gian mạng, các thế lực thù địch đẩy mạnh thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình” với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi nhằm tấn công, phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng ta. Cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận trên không gian mạng thực sự là một cuộc chiến giữa thời bình nhằm bảo vệ vững chắc trận địa chính trị, tư tưởng của Đảng ta hiện nay.

Bài cuối: Cán bộ, đảng viên phải tiên phong, gương mẫu

Để cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ta đạt hiệu quả, cần nhận diện rõ âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trên không gian mạng (KGM), đánh giá đúng thực trạng sử dụng mạng xã hội (MXH) hiện nay, đặc biệt phát huy sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội, trước hết là sự tiên phong, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên (CBĐV).

Nhận diện đúng các trang, nhóm phản động trên KGM, các quan điểm sai trái, thù địch, làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn, xác định giải pháp đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ta là nhiệm vụ trọng yếu, có ý nghĩa sống còn trong bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Điều này đòi hỏi trách nhiệm của cả cộng đồng. Qua nghiên cứu từ thực tiễn, cộng đồng sử dụng MXH hiện nay gồm nhiều thành phần và mục đích khác nhau. Xét về yếu tố chính trị, có thể phân chia thành 3 thành phần chính. Thứ nhất là lực lượng tin tưởng tuyệt đối với Đảng, luôn có bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, có cách nhìn nhận, đánh giá khách quan, trung thực, thẳng thắn khẳng định quan điểm, lập trường trước các luồng thông tin, tạo ra dư luận tích cực, góp phần định hướng tư tưởng, dư luận đúng đắn trên KGM.

Thành phần thứ hai là số đối tượng đối lập, chống đối, thường đối lập về ý thức hệ, sử dụng MXH với mục đích chống phá sự nghiệp cách mạng, triệt để tận dụng, xoáy sâu vào các điểm nóng, nhạy cảm để xuyên tạc, kích động gây diễn biến, tạo dư luận xấu, một số phần tử bất mãn phụ họa, ăn theo rất đáng lên án. Thành phần cộng đồng mạng đông đảo còn lại là lực lượng trung lập, thường tiếp cận thông tin từ nhiều phía, ít đưa ra chính kiến, trong số đó, có những cư dân mạng nhận thức còn mơ hồ, thường bị kẻ xấu dẫn dắt, hay có tâm lý đám đông, nhẹ dạ, cả tin, dễ bị lợi dụng. Đây là lực lượng mà CBĐV cần tăng cường tuyên truyền, định hướng góp phần tạo sự đồng thuận, thống nhất trong xã hội.

Khi tiếp cận thông tin trên mạng xã hội, cán bộ, đảng viên phải chủ động, tích cực nghiên cứu, nắm bắt các nguồn thông tin chính thống để nhận thức đúng đắn

Trước yêu cầu, đòi hỏi cấp bách của thực tiễn, đa số CBĐV hiện nay đều xác định rõ trách nhiệm, tham gia nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, góp phần quan trọng trong tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội tích cực, đúng đắn trên KGM. Tuy nhiên, với những đặc trưng có khả năng đánh giá nhu cầu, sở thích của người dùng, trong nhiều trường hợp, MXH có tính gây nghiện dẫn đến tình trạng sa đà vào những giá trị ảo. Xu hướng hiện tượng “ăn phây” (Facebook), “ngủ phây”, đi đâu cũng “phây” có thời điểm trở nên khá phổ biến, một bộ phận đắm chìm vào thế giới ảo, vô tình xao nhãng, lãng quên bao điều thực tế xảy ra xung quanh. Trước những thông tin “thượng vàng hạ cám” trên MXH, một bộ phận cư dân mạng, trong đó có cả CBĐV có lúc trở nên mụ mị, lạc lối, để kẻ xấu lợi dụng.

Không ít CBĐV khi sử dụng MXH có biểu hiện hiếu kỳ, tò mò, thường xuyên nghiên cứu thông tin xuyên tạc, trái chiều mà lười tiếp cận thông tin chính thống, tích cực dẫn đến "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", lập trường thiếu kiên định, vững vàng, hoang mang, dao động trước các luồng dư luận trái chiều. Một số ít chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân, sử dụng MXH chia sẻ những tin nóng, tin chưa được kiểm chứng; có người còn cố tình tạo ra thông tin mập mờ, hình ảnh dị biệt gây sự chú ý để câu like, câu view phục vụ mục đích cá nhân. Một số thờ ơ, vô cảm, dửng dưng im lặng, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; lẳng lặng vào mạng, dò đọc rồi lẳng lặng, âm thầm trở ra như chiếc bóng, đối với những bài viết hay, tích cực, nguồn dẫn từ báo, đài chính thống rầm rộ đưa tin nhưng cũng không thấy tham gia chia sẻ, bình luận với phương châm “im lặng là vàng”. Vì thế, cái tiêu cực cứ thế có điều kiện lan truyền, lấn át cái đúng, tích cực.

Một số CBĐV vì nhận thức chính trị và kỹ năng công nghệ còn hạn chế đã vô tình trực tiếp bình luận, bày tỏ cảm xúc ngay trên những thông tin, tài khoản, trang, nhóm độc hại. Thực tế trong một thời gian dài, nhiều cá nhân trực tiếp tìm các trang, nhóm như Việt Tân, Chân trời mới Media,... để bình luận, phản đối các nội dung xuyên tạc, phản động nhưng phương pháp này vô tình làm tăng tương tác để các trang, nhóm phản động có điều kiện phát tán rộng hơn. Những hành động đó đã vô tình lan truyền, tạo ra dư luận lệch lạc, làm suy giảm niềm tin vào những giá trị tích cực, tốt đẹp trong thực tế. Cũng có những CBĐV bị xử lý kỷ luật cách chức, khai trừ đảng vì có hành vi cổ xúy thông tin lệch lạc, phát ngôn sai sự thật, bôi nhọ uy tín người khác và đăng tải bài viết có nội dung trái quan điểm, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Phát huy vai trò nòng cốt trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ta hiện nay, CBĐV phải có lập trường, tư tưởng, quan điểm rõ ràng ở mọi lúc, mọi nơi, đặc biệt trên KGM lại rất cần thể hiện vai trò đó; phải thực sự là những nhân tố nòng cốt, tích cực trong xây dựng mặt trận đoàn kết toàn dân; phải thực hiện tốt công tác tuyên truyền, định hướng dư luận. Để góp phần giảm thiểu sự nhiễu loạn thông tin và làm trong sạch môi trường mạng, cần đề cao và thực hiện những quy tắc, chuẩn mực khi sử dụng MXH và chấp hành nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước và cơ quan, đơn vị về kỷ luật phát ngôn, thực hiện nghiêm Luật An ninh mạng năm 2018 và Quy định 37-QĐ/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) quy định về những điều ĐV không được làm.

Khi tiếp cận thông tin trên MXH, CBĐV phải chủ động, tích cực nghiên cứu, nắm bắt các nguồn thông tin chính thống để nhận thức đúng đắn trước các luồng dư luận trái chiều, tránh trường hợp hiếu kỳ, tò mò, chỉ xem tin xấu, độc hay sử dụng mạng theo cảm tính; phải luôn ý thức được trách nhiệm, nghĩa vụ của bản thân trong "cuộc chiến" trên "mặt trận" mới; tránh việc dửng dưng vô cảm, thờ ơ với những thực tế trái chiều dư luận đang diễn ra. Cần có quan điểm, thái độ rõ ràng trước các luồng thông tin, góp phần định hướng tư tưởng, dư luận trên MXH. Với phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, CBĐV nên và cần cổ vũ, khích lệ, lan tỏa những điều tốt đẹp, những giá trị nhân văn để góp phần làm giàu giá trị văn hóa trên môi trường mạng.

Việc tuyên truyền trên KGM của CBĐV có thể được thực hiện bằng nhiều phương pháp, phổ biến hiện nay: Tập trung xây dựng các trang, nhóm, tăng cường viết bài (cả bài tuyên truyền và bài phản biện, đối với bài viết đấu tranh, phản biện khi sử dụng hình ảnh trích xuất từ bài viết xuyên tạc phải gạch chéo, có chú thích rõ ràng, tránh gây hiểu nhầm,...), chia sẻ, lan tỏa các bài viết từ các trang, nhóm chính thống; tăng cường tương tác (thích, bình luận) để cổ vũ những ý kiến đúng, góp phần đưa thông tin tích cực lên KGM, giảm độ lan tỏa của những thông tin xấu, độc. Cách làm này sẽ thu hút số đông cư dân mạng tương tác trên các nguồn thông tin đúng đắn, khắc phục tình trạng cư dân mạng bị kẻ xấu dẫn dắt, lôi kéo vào luồng thông tin sai lệch, xuyên tạc, phản động.

Khi tiếp xúc với một bài viết bất kỳ, nếu thấy hay, đúng, nguồn đăng rõ ràng thì cũng nên thể hiện cảm xúc của mình, tăng cường bình luận động viên, cổ vũ; nếu nhận thấy thông tin sai trái, lệch lạc hoặc còn nghi ngờ độ chính xác, phải có biện pháp phản biện phù hợp; xem, đọc xong mà vô cảm đến mức lặng lẽ cho qua khác nào đã đồng tình. Đặc biệt, phải kiểm chứng thông tin trước khi chia sẻ, kiên quyết nói không với những thông tin sai sự thật. Trước các vấn đề nhạy cảm, CBĐV cần tăng cường viết bài trên trang cá nhân để bằng hình ảnh, uy tín của mình góp phần định hướng dư luận. Thực tế cho thấy, khi có những luồng dư luận trái chiều, đa số cư dân mạng rất quan tâm những bài viết từ trang cá nhân của đội ngũ CBĐV. Đây là phương pháp hiệu quả nhất để định hướng tư tưởng, nhận thức trên MXH; đặc biệt, khi dùng tài khoản chính danh (sử dụng thông tin, hình ảnh đại diện của bản thân) sẽ mang lại hiệu quả cao trong công tác tuyên truyền, định hướng dư luận.

CBĐV tuyệt đối không tương tác (thích, bình luận, chia sẻ) với các trang, nhóm có nội dung xấu, độc, phản động. Nếu thể hiện quan điểm của mình (trực tiếp bình luận) trên những trang, nhóm phản động thì vô tình tiếp tay lan truyền các nội dung xấu, độc. Với các trang, nhóm, tài khoản, bài viết có nội dung xấu, độc thì dùng biện pháp đấu tranh kỹ thuật bằng việc sử dụng tính năng “gửi báo cáo” trên Facebook để hạn chế độ tương tác và khi có nhiều “báo cáo” thì nhà mạng có thể gỡ, dừng hoạt động, giảm tương tác với các tài khoản, bài viết xấu, độc đó. Một người ngoài tài khoản chính danh có thể lập thêm tài khoản không chính danh phục vụ việc đấu tranh kỹ thuật; đây là phương pháp phổ biến trong đấu tranh, ngăn chặn các tài khoản, bài viết xấu, độc hiện nay mà CBĐV cần tiên phong, tích cực thực hiện thường xuyên.

Lan tỏa những điều tốt đẹp trên KGM; đẩy lùi cái xấu xa, tiêu cực là trách nhiệm của cộng đồng mạng nhưng trước hết là vai trò xung kích, tiên phong “xông pha trận mạc” của mỗi CBĐV. Đây là cách để tự bảo vệ mình và góp phần xây dựng môi trường thông tin mạng thực sự an toàn, văn minh, góp phần thực hiện hiệu quả cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ta hiện nay./.

Sáu Lượng

Bài 2: Nhận diện phương thức, thủ đoạn chống phá

Về phương thức và thủ đoạn chống phá, các thế lực thù địch đang thay đổi theo hướng manh động, liều lĩnh kết hợp giữa phá hoại tư tưởng, phá hoại nội bộ, kích động xu hướng ly khai Đảng, bỏ Đảng gắn với thành lập các tổ chức chính trị đối lập để kêu gọi biểu tình, bạo loạn, khủng bố.

Chia sẻ bài viết