Tiếng Việt | English

25/11/2016 - 19:17

Cả nước có gần 8.000 người làm công tác giám định tư pháp

Trong đó, tổng số giám định viên tư pháp trên các lĩnh vực 6.154 người, một số lĩnh vực đặc thù là 1.630 người...

 

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 258 - Trương Hòa Bình chủ trì hội nghị.

Chiều ngày 25/11/2016, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến Tổng kết thực hiện Đề án "Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp".

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Đề án-Trương Hòa Bình chủ trì hội nghị. Phó Chủ tịch UBND tỉnh-Hoàng Văn Liên chủ trì hội nghị phía đầu cầu Long An.

5 năm qua, việc thực hiện Đề án "Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp" gọi tắt Đề án 258 đạt kết quả khả quan. Đề án đã tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của hoạt động giám định tư pháp (GĐTP) trước đây. Hệ thống tổ chức GĐTP được củng cố, cơ sở vật chất ngày càng hoàn thiện.

Đội ngũ giám định viên tư pháp, người GĐTP ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Tổng số giám định viên tư pháp trên các lĩnh vực 6.154 người, một số lĩnh vực đặc thù là 1.630 người. Chế độ đối với giám định viên tư pháp cũng được cải thiện đáng kể.


Toàn cảnh hội nghị trực tuyến tại đầu cầu Long An.

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp-Nguyễn Khánh Ngọc, thể chế hoạt động GĐTP cơ bản hoàn thiện sau khi Luật GĐTP ban hành năm 2012. Đề án 258 thực hiện trong 5 năm qua đã tạo ra sự phát triển có tính bước ngoặt về tổ chức, hoạt động và quản lý GĐTP, nâng cao chất lượng hoạt động GĐTP, phục vụ đắc lực cho hoạt động điều tra, truy tố và xét xử trước yêu cầu ngày càng cao của cải cách tư pháp. Đề án đáp ứng yêu cầu GĐTP của cá nhân trong các quan hệ dân sự, hành chính.

Bên cạnh đó, hoạt động GĐTP còn một số hạn chế: Cơ sở vật chất một số lĩnh vực vẫn chưa đáp ứng, một vài địa phương vẫn còn 2 cơ quan thực hiện giám định pháp y (công an và y tế). Một số nơi bổ nhiệm giám định viên chưa đảm bảo chất lượng. Các cơ quan tố tụng còn lúng túng trong việc lựa chọn cá nhân, tổ chức để trưng cầu giám định. Thời gian giám định một số lĩnh vực còn kéo dài...

Từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn tỉnh Long An có 2 tổ chức giám định pháp y thuộc Sở Y tế và Công an tỉnh. Ngoài ra, một số ngành, lĩnh vực đặc thù đã có tổ chức GĐTP. Tổng số giám định viên tư pháp của tỉnh Long An đến nay có 78 người, đa số có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu công việc. Được biết, trong thời gian tới Long An sẽ phát triển thêm 2 lĩnh vực GĐTP mới là dấu vết súng đạn và sinh học.

Tại hội nghị, nhiều địa phương phát biểu ý kiến đóng góp, trong đó đa số đều kiến nghị sớm có giải pháp xã hội hóa hoạt động GĐTP một số lĩnh vực, có cơ chế khuyến khích cá nhân, tổ chức tham gia, nhất là lĩnh vực ma túy, an toàn thực phẩm.

Bộ Tư pháp cũng công bố Quyết định khen thưởng của Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho cá nhân, tổ chức có thành tích trong công tác GĐTP. Sở Tư pháp Long An được Bộ Tư pháp tặng Bằng khen về thực hiện Đề án 258.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Xác định công tác GĐTP là nhiệm vụ quan trọng trong cải cách tư pháp. Trong thời gian tới các ngành, các cấp, cơ quan hữu quan tổng kết, tiếp tục thực hiện Đề án 258. Thực hiện tốt tuyên truyền trong hệ thống chính trị. Đảm bảo công tác GĐTP chính xác, khách quan, phục vụ tốt nhất cho công tác điều tra, xét xử và đáp ứng yêu cầu của xã hội. Tiếp tục xã hội hóa giám định trên một số lĩnh vực được phép. Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu các ngành hữu quan tháo gỡ ngay những vướng mắc về giám định trong vụ án tham nhũng./.

Hải Đăng

Chia sẻ bài viết