Tiếng Việt | English

15/04/2021 - 12:55

Cán bộ trẻ trình độ đại học, cao đẳng về hợp tác xã làm việc giờ ra sao?

Thời gian qua, tỉnh Long An có kế hoạch, chính sách để đưa các trí thức trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn ở một số hợp tác xã (HTX) nông nghiệp. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp các HTX hoạt động hiệu quả hơn. Tuy nhiên, đến nay, việc thực hiện vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, nhiều HTX vẫn đang hoạt động trong tình cảnh thiếu hụt nhân lực có trình độ, nhạy bén kinh doanh, thị trường và lập phương án sản xuất,...

Phát triển sản xuất theo mô hình hợp tác xã kiểu mới là một hướng đi tất yếu nhưng để hiệu quả cao hơn, cần quan tâm giải quyết những hạn chế, trong đó có chất lượng nhân lực

Chất lượng nhân lực còn nhiều hạn chế

Kinh tế tập thể nói chung và HTX nói riêng hoạt động kiểu mới là một hướng đi tất yếu hiện nay. Theo đó, số lượng HTX được thành lập mới ngày một tăng, hiện nay, toàn tỉnh có 200 HTX nông nghiệp, trong đó có 147 HTX được đánh giá hoạt động hiệu quả. Hoạt động chính của các HTX là dịch vụ hỗ trợ, kỹ thuật, giống và tiêu thụ sản phẩm cho thành viên; ngoài ra, HTX còn làm dịch vụ bơm tưới, vật tư, thu hoạch. Hoạt động của một số HTX có dịch vụ cung ứng đầu vào đến tiêu thụ đầu ra.

Mặt khác, trên địa bàn tỉnh, HTX thực hiện sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) ngày càng nhiều (62 HTX) và xây dựng chuỗi liên kết sản xuất cũng tăng lên. Với hướng đi phát triển HTX góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa.

Bên cạnh những hiệu quả bước đầu và tạo sự lan tỏa nhất định thì trong nội tại của các HTX vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại, khó khăn cần được khắc phục trong thời gian tới. Nhìn chung, quy mô vốn và thành viên của nhiều HTX nông nghiệp hiện nay còn nhỏ, dẫn đến thiếu nguồn vốn nên hoạt động cầm chừng. Nhiều HTX hoạt động còn đơn điệu, chủ yếu cung ứng dịch vụ đầu vào, thiếu liên kết tiêu thụ đầu ra; tham gia vào chuỗi liên kết giá trị không nhiều. Thậm chí, trong thực tế vẫn có tình trạng địa phương chạy theo thành tích nên thành lập HTX để hoàn thành theo “chỉ tiêu” xây dựng nông thôn mới. Từ đó, HTX được thành lập cho có nhưng không hoạt động. Rõ ràng, việc này cần xem xét đến trách nhiệm của địa phương để xảy ra thực tế này như thế nào?

Ngoài ra, một vấn đề mà phóng viên muốn đề cập, nhấn mạnh trong bài viết này là chất lượng điều hành, quản lý của các HTX. Thực tế, hiện nay, ở nội tại nhiều HTX trên địa bàn tỉnh cho thấy, trình độ, năng lực quản lý, điều hành, tổ chức sản xuất của cán bộ quản lý còn rất yếu, phần lớn chưa qua đào tạo. HTX ở nhiều nơi cho thấy một thực tế là cán bộ quản lý tuổi cao, chủ yếu hoạt động bằng kinh nghiệm và sự nhiệt tình nhưng lại rất hạn chế và gặp khó về khả năng tiếp thu khoa học - công nghệ, kế toán, nắm bắt thị trường và lập phương án kinh doanh.

“Khi yếu tố con người còn hạn chế thì việc chèo lái HTX sẽ thế nào? Nếu nhìn vào đội ngũ quản lý HTX hiện nay ở một số nơi thì nhiều người sẽ rất trăn trở, băn khoăn, lo lắng” - ông Nguyễn Văn Tâm, ngụ xã Bình Hòa Bắc, huyện Đức Huệ, nhìn nhận.

Không riêng HTX bình thường mà qua tìm hiểu thời gian qua, tỉnh triển khai, thực hiện 16 HTX điểm và 4 HTX điển hình về nông nghiệp sản xuất ƯDCNC. Đây là những HTX nhìn chung được đánh giá là có tiềm lực và mặt khác cũng nhận được nhiều sự hỗ trợ nhưng nhân lực quản lý, điều hành HTX vẫn còn những hạn chế tương tự.

Như HTX Chăn nuôi bò thịt xã Hòa Khánh Đông, huyện Đức Hòa là 1 trong 16 HTX điểm của tỉnh hiện nay. Được biết, HTX này được thành lập từ tháng 7-2017 gắn thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới của xã và chương trình phát triển nông nghiệp ƯDCNC. Qua thời gian hoạt động, HTX nhìn chung đã đạt những kết quả nhất định, điều đó là không thể phủ nhận có vai trò của những người điều hành, quản lý.

Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, theo tìm hiểu của phóng viên, bộ máy quản lý HTX gồm giám đốc, 1 phó giám đốc, kế toán và ban kiểm soát, chủ yếu là nông dân, chưa qua hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh dạng tập thể nên gặp nhiều khó khăn trong xây dựng phương án hoạt động sản xuất, kinh doanh và nắm bắt thị trường.

Chính sách có nhưng vẫn “bó tay”

Hạn chế về chất lượng nhân lực của các HTX nông nghiệp không phải bây giờ mới chỉ ra như trên mà đã được chỉ rõ và đưa ra chính sách để tháo gỡ. Thời gian qua, các cấp, các ngành phối hợp các viện, trường tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn kỹ năng về xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, quản trị, tài chính - kế toán cho cán bộ quản lý HTX. Thậm chí ngày 08/8/2018, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2708/QĐ-UBND về kế hoạch hỗ trợ lao động có trình độ cao đẳng, đại học về làm việc có thời hạn tại các HTX điểm ƯDCNC và HTX tham gia đề án thí điểm mô hình HTX kiểu mới theo Quyết định số 445/QĐ-TTg, ngày 21/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Vậy, chính sách này thời gian qua được thực hiện và đạt kết quả ra sao? Qua tìm hiểu, việc thực hiện chính sách này trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thậm chí dường như chưa được áp dụng trong thực tế. Đến nay, chỉ có 1/22 HTX đăng ký đủ điều kiện được hỗ trợ chi phí trả lương cho lao động là HTX CNC Tân Thành. Theo đó, HTX được hỗ trợ 1 lao động là kế toán nhưng cũng duy trì được khoảng 8 tháng với tổng kinh phí 29,3 triệu đồng, đến năm 2020 thì không tiếp tục hợp đồng với kế toán.

Lý do lao động này chỉ làm trong thời gian ngắn là HTX hoạt động chưa mạnh, lượng chứng từ phát sinh chưa nhiều nên tạm thời không hợp đồng với nhân viên kế toán. Được biết, thời gian qua, có 6/22 HTX lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ lao động trẻ có trình độ đại học, cao đẳng về làm việc nhưng đến nay chưa được nhận hỗ trợ.

Tại sao đã có chính sách nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được để khắc phục điểm yếu về mặt con người? Về vấn đề này, Chi cục phó Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh - Lê Hồng Sơn cho biết, có rất nhiều nguyên nhân, lý do. Cụ thể, việc đưa lao động trẻ có trình độ cao đẳng, đại học về làm việc chưa thực hiện được là do năng lực của các HTX còn yếu, thiếu tính ổn định. Một số HTX hoạt động và đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn không đầy đủ theo quy định. Môi trường hoạt động của HTX nông nghiệp chưa hấp dẫn để thu hút các tài năng trẻ về làm việc.

“Mặt khác, các HTX không đủ năng lực tài chính cũng như chưa đủ khả năng tích lũy, mở rộng đầu tư, do đó không đáp ứng được các điều kiện, tiêu chí theo quy định. Ngoài ra, chính sách của Nhà nước chỉ hỗ trợ 1 tháng lương tối thiểu vùng, khoảng 3 triệu đồng, với thời gian tối đa 36 tháng. HTX không có tiền trả thêm để tuyển dụng lao động trẻ có trình độ đại học, cao đẳng về làm việc” - ông Lê Hồng Sơn nêu vấn đề. Theo đó, 6 HTX có hồ sơ đề nghị hỗ trợ lao động trẻ trình độ đại học, cao đẳng đến nay chưa được hỗ trợ là vì bản thân của các HTX này không đáp ứng được điều kiện quy định: Vốn điều lệ từ 200 triệu đồng trở lên; hoạt động liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Con người là yếu tố quyết định vấn đề. Tuy nhiên, việc đưa cán bộ trẻ có trình độ về làm việc có thời hạn tại HTX đang gặp nhiều khó khăn như trên thì giải pháp sắp tới là gì? Phải chăng cần đưa nội dung trình độ cán bộ quản lý HTX là một trong những tiêu chí để nhận được sự hỗ trợ từ các dự án của tỉnh nhằm khuyến khích các HTX nâng cao nguồn lực con người. Ngoài ra, có thể là tạo điều kiện liên kết doanh nghiệp với HTX. Từ đó, doanh nghiệp cử cán bộ hỗ trợ về thị trường, về giám đốc, kế toán, còn phía HTX thì tổ chức sản xuất, mở rộng các dịch vụ cho thành viên.

Sở trường của doanh nghiệp là thị trường, còn sở trường của HTX là gắn với các hoạt động sản xuất tại địa bàn, gắn với nông dân nên rất cần liên kết lại để hỗ trợ nhau. Tất nhiên, để nâng cao hiệu quả hoạt động HTX, phải đồng bộ nhiều giải pháp: Tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức, nâng cao năng lực quản lý, điều hành; hỗ trợ chuyển giao khoa học - kỹ thuật; hỗ trợ kết nối sản xuất, tiêu thụ,...

Việc hỗ trợ đưa lao động trẻ có trình độ cao đẳng, đại học về làm việc chưa thực hiện được là do năng lực của các HTX còn yếu, thiếu tính ổn định. Một số HTX hoạt động và đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn không đầy đủ theo quy định. Môi trường hoạt động của HTX nông nghiệp chưa hấp dẫn để thu hút các tài năng trẻ về làm việc. Các HTX không đủ năng lực tài chính cũng như chưa đủ khả năng tích lũy, mở rộng đầu tư, do đó không đáp ứng được các điều kiện, tiêu chí theo quy định. Ngoài ra, chính sách của Nhà nước chỉ hỗ trợ 1 tháng lương tối thiểu vùng, khoảng 3 triệu đồng, với thời gian tối đa 36 tháng nên HTX không có tiền trả thêm để tuyển dụng lao động trẻ có trình độ đại học, cao đẳng về làm việc”./.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết