Tiếng Việt | English

13/08/2017 - 08:19

Cần có những quyết sách chính trị mạnh mẽ

“Tinh gọn tổ chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị ở các tỉnh Nam bộ” là chủ đề của cuộc hội thảo khoa học có quy mô lớn, tầm quan trọng cao, do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp Tỉnh ủy Long An vừa được tổ chức tại Long An.

Chủ đề trên là vấn đề đang thu hút sự quan tâm của xã hội, của hàng triệu cán bộ, công chức, viên chức, bởi nó không những là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng của đất nước, của Đảng mà còn gắn liền với cuộc sống của hàng triệu con người. Vì vậy, qua hội thảo nhằm nghiên cứu, làm rõ hơn cơ sở lý luận chính trị - pháp lý, thực tiễn của việc đưa ra chủ trương, đề xuất phương hướng và những giải pháp phù hợp, có tính khả thi trong việc khắc phục tình trạng trùng lắp, chồng chéo, kém hiệu quả của các cơ quan, đơn vị. Từ đó, tìm ra một mô hình về bộ máy hoạt động tinh gọn, hiệu quả có thể vận hành một cách tối ưu của cả hệ thống chính trị trong tình hình mới.

Việc xây dựng mô hình bộ máy chính quyền tinh gọn, tinh giản biên chế được Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm quan tâm; chủ trương tinh giản biên chế được Bác chính thức đặt ra từ năm 1951. Thế nhưng, nhiều năm qua, chúng ta vẫn loay hoay với vấn đề này. Ở nhiều diễn đàn, trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong dư luận xã hội thường xuyên bàn bạc, thảo luận về tổ chức, bộ máy quản lý, điều hành đất nước từ Trung ương đến địa phương, cơ sở ngày càng phình to, cồng kềnh nhưng chất lượng, hiệu quả chưa cao. Thậm chí, khi chúng ta quyết tâm tinh giản biên chế thì biên chế không những không giảm mà còn liên tục tăng,...

Tình trạng bộ máy cồng kềnh, chồng chéo, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả là một trong những rào cản lớn kìm hãm quá trình cải cách nền hành chính nhà nước nói riêng, kìm hãm việc tăng cường và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng cũng như toàn bộ hệ thống chính trị nói chung. Đây là “vấn đề của mọi vấn đề”, là nhiệm vụ cơ bản mà việc giải quyết nhiệm vụ ấy thành công sẽ trở thành điều kiện, động lực cho việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của Đảng và Nhà nước từ Trung ương đến các địa phương trong giai đoạn hiện nay và sắp tới.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do không ít cán bộ lãnh đạo chưa nhận thức đúng, đầy đủ chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; vẫn còn tâm lý nể nang “một người làm quan, cả họ được nhờ”,... Giải quyết vấn đề trên là một khoa học, nhạy cảm bởi không chỉ liên quan đến tư tưởng, cuộc sống của nhiều người mà còn để giảm chi ngân sách, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, sự tín nhiệm của nhân dân. Vì vậy, phải nâng cao nhận thức của toàn hệ thống chính trị, nhất là ở người đứng đầu về sự cần thiết phải tinh giản biên chế nhằm tạo sự đồng thuận và quyết tâm hành động; đẩy lùi căn bệnh bè phái, địa phương chủ nghĩa, nể nang của một số cán bộ có chức, có quyền;...

Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, hết sức khó khăn, phức tạp, nhạy cảm, cần có những quyết sách chính trị mạnh mẽ và nhất quán với nhiều giải pháp khoa học, đồng bộ, hiệu quả và thực hiện một cách kiên trì, thận trọng, có lộ trình./.

Kim Quy

Chia sẻ bài viết