Thời đại ngày nay, nhu cầu thông tin xã hội ngày càng tăng nhanh. Trong đó, viễn thông trở thành một ngành quan trọng đóng vai trò để trao đổi thông tin, quảng bá các dịch vụ đến các tổ chức xã hội và người tiêu dùng.
Tuy nhiên, thực trạng đáng quan tâm hiện nay là quyền lợi, sự an toàn và bảo mật thông tin của người sử dụng điện thoại bị xâm hại một cách nghiêm trọng. Các đơn vị viễn thông đã và đang đưa nhiều chiến dịch khuyến mại, quảng cáo nhằm thu hút nhiều khách hàng tham gia sử dụng viễn thông; nạn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo ngày càng phổ biến; chất lượng sử dụng dịch vụ truy cập mạng rất kém nhưng lại mất nhiều cước phí. Hơn nữa, các thông tin cá nhân người sử dụng điện thoại cung cấp khi đăng ký thuê bao đã không được bảo quản một cách nghiêm ngặt, bị phát tán tới nhiều cá nhân và doanh nghiệp quảng cáo khác nhau; thậm chí có trường hợp người sử dụng điện thoại bị mất tiền hàng chục triệu đồng từ những trò lừa đảo trúng thưởng, khuyến mại. Vì vậy, việc ngăn chặn những hành vi vi phạm và bảo vệ người sử dụng điện thoại đã trở nên cấp thiết, điều này đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ của toàn xã hội. Trước hết, các ngành tiếp tục tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhằm nâng cao nhận thức cho người sử dụng điện thoại về quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật; đồng thời, nâng cao trách nhiệm của các đơn vị viễn thông trong việc kinh doanh dịch vụ điện thoại và hướng dẫn cho người dân lựa chọn sử dụng dịch vụ đảm bảo chất lượng, an toàn. Ngoài ra, cần có quy định về tiêu chuẩn chất lượng mạng viễn thông; xây dựng, phát triển giải pháp kỹ thuật ngăn chặn việc phương tiện, dịch vụ do mình quản lý bị sử dụng vào mục đích quấy rối người sử dụng điện thoại. Tiếp tục xây dựng hệ thống đăng ký thuê bao theo đúng quy định và phải bảo mật thông tin khách hàng một cách chặt chẽ; tăng cường quản lý hoạt động cung cấp dịch vụ, ngăn chặn kịp thời các tin nhắn rác, thông tin quảng cáo mà người sử dụng không mong muốn; có các chế tài xử phạt thích đáng đối với hành vi xâm phạm quyền lợi, phải đền bù thỏa đáng những thiệt hại nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người sử dụng điện thoại.
Như vậy, sự phối hợp đồng bộ và vào cuộc quyết liệt của toàn xã hội chính là giải pháp khả thi bảo vệ người sử dụng điện thoại, đảm bảo cung cấp các dịch vụ viễn thông an toàn, chất lượng và lành mạnh./.
Nhã Uyên