Tiếng Việt | English

29/07/2015 - 15:21

Cần Đước: Đi lên từ các chương trình đột phá

Nhờ phát huy tốt nội lực, nhất là tinh thần đoàn kết nội bộ, sự đồng thuận xã hội và sử dụng hiệu quả nguồn lực bên ngoài,… Cần Đước đã vượt qua khó khăn thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng bộ (NQĐHĐB) huyện lần thứ X (nhiệm kỳ 2010-2015). Hiện kết cấu hạ tầng ở huyện ngày càng hoàn chỉnh, đời sống nhân dân tăng cao, hộ nghèo giảm. Đặc biệt, huyện đã hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện điểm điển hình về văn hóa.

Một góc của thị trấn Cần Đước

Thu nhập tăng cao

Trong 22 chỉ tiêu NQĐHĐB huyện lần thứ X (nhiệm kỳ 2010-2015) đề ra, huyện Cần Đước, tỉnh Long An đã hoàn thành 19 chỉ tiêu. Theo đánh giá, có nhiều chỉ tiêu vượt và vượt cao so với kế hoạch: Thu nhập bình quân đầu người 46 triệu đồng/32 triệu đồng/năm; Sản lượng lúa đạt 87.000 tấn/70.000 tấn/năm; Sản lượng tôm 3.000 tấn/1.000 tấn/năm; Xã đạt chuẩn văn hóa 15 xã/12 xã; Tỷ lệ lao động qua đào tạo 63% đề ra là 55%; phát triển 763 đảng viên/500 đảng viên;…

Ngoài các chỉ tiêu trên, huyện đã có 4 xã: Long Trạch, Phước Vân, Tân Lân, Mỹ Lệ đạt chuẩn xã nông thôn mới, các xã còn lại đạt từ 12-17 tiêu chí.

Qua 5 năm tập trung thực hiện NQĐHĐB huyện, giá trị sản xuất tăng bình quân hàng năm 15,3%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực và đúng hướng, hình thành rõ nét cơ cấu công nghiệp - thương mại, dịch vụ - nông nghiệp. Với nông nghiệp chiếm 18%, công nghiệp xây dựng chiếm 62% và thương mại-dịch vụ chiếm 20% trong cơ cấu kinh tế của huyện.

Đột phá từ các chương trình

Thực hiện NQĐH X đảng bộ huyện, những năm qua, huyện chú trọng thực hiện 4 chương trình đột phá. Với chương trình “đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ” đã gặt hái được nhiều kết quả quan trọng. Diện tích quy hoạch công nghiệp của huyện hơn 1.380ha, đã san lấp mặt bằng 566ha. Hiện có hơn 50 nhà máy, xí nghiệp sản xuất ổn định. Ngoài ra, huyện có 105 cơ sở sản xuất ngoài khu, cụm công nghiệp đi vào hoạt động, chủ yếu là các ngành ít ô nhiễm. Sản xuất tiểu thủ công nghiệp, gia công gia đình phát triển mạnh, đều khắp các xã.

Chương trình đột phá về “đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật” được triển khai thực hiện gắn kết với chương trình điều hành đầu tư xây dựng cơ bản hàng năm từ nguồn vốn ngân sách và các nguồn lực khác để tập trung xây dựng xã văn hóa, xã nông thôn mới và huyện điểm điển hình về văn hóa.

5 năm qua, huyện đã đầu tư trên 3.400 tỉ đồng xây dựng, cải tạo, nâng cấp nhiều công trình quan trọng trên lĩnh vực giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế, điện, trụ sở cơ quan hành chính, các thiết chế văn hóa, xây dựng thị trấn Cần đước đạt đô thị loại IV và xã Long Hòa phấn đấu trở thành đô thị loại V.

Ông Nguyễn Văn Minh, ngụ xã Mỹ Lệ đánh giá: “Cần Đước bây giờ đã thay đổi rất nhiều. Nổi bật nhất là hệ thống kết cấu hạ tầng ngày càng khang trang. Các tuyến đường chính đến trung tâm xã, thị trấn phần lớn được nhựa hóa. Trên 95% tuyến đường trọng yếu của xã, liên xã, liên ấp được mở rộng, láng nhựa, bêtông hóa”.

Với chương trình đột phá về “Xây dựng huyện điểm điển hình văn hóa của tỉnh”, đến nay, huyện cơ bản thực hiện đạt 31/31 tiêu chí của đề án. Qua đánh giá, sau 5 năm tập trung thực hiện chương trình này gắn với phát triển KT-XH, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao. Điều đó được chứng minh khi kinh tế liên tục phát triển, chuyển dịch kinh tế đúng hướng, kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng bằng nhiều nguồn lực, các tiềm năng và lợi thế được phát huy. VH-XH được tập trung thực hiện đạt hiệu quả cao, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ổn định.

Theo chị Nguyễn Thị Vân ở xã Long Khê, nhắc đến Cần Đước thì phải nói đến một nền văn hóa đậm đà bản sắc. Bởi ở đây vẫn lưu giữ được những nét đẹp truyền thống khi vẫn còn những đình làng làm nơi sinh hoạt cộng đồng, là nơi phát triển mạnh các phong trào, câu lạc bộ văn hóa, thể dục - thể thao, đờn ca tài tử,…

Nhiệm kỳ qua, huyện chú trọng thực hiện chương trình đột phá về “Phát triển đồng bộ nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, giảm nghèo của tỉnh gắn với Nghị quyết 64-NQ/HU của Huyện ủy khóa IX về đào tạo phổ cập nghề cho người lao động”. Hằng năm, đào tạo phổ cập nghề cho trên 5.000 lao động, nâng tổng số lao động được đào tào, phổ cập nghề đạt 63%. đồng thời, các cấp, các ngành trong huyện còn tranh thủ các nguồn vốn từ các ngân hàng, dự án,… để trợ giúp các hộ khó khăn xây nhà ở, tăng gia sản xuất, thoát nghèo. Nhờ đó, hiện tỷ lệ hộ nghèo ở huyện chỉ còn 2,3%.

Nhiều bài học quý giá

Dù vẫn còn những hạn chế, tồn tại, nhưng nhìn chung, những kết quả thực hiện được từ NQĐHĐB huyện lần thứ X (nhiệm kỳ 2010-2015) là rất quan trọng. Kết quả ấy đã thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm thực hiện của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân. Đó sẽ là động lực, tiền đề để huyện thực hiện thắng lợi các mục tiêu NQĐHĐB huyện lần thứ XI (nhiệm kỳ 2015-2020).

Theo Bí thư Huyện ủy Cần Đước - Nguyễn Việt Cường: Nhiệm kỳ qua, huyện rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm. Đó là, luôn coi trọng, phát huy đoàn kết, sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, đảng viên và sự đồng thuận trong nhân dân. Thường xuyên quan tâm giáo dục chính trị-tư tưởng; chăm lo đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Trong phát triển KT-XH, huyện tập trung huy động nguồn lực tại chỗ, phát huy ý chí tự lực, tự cường của toàn Đảng bộ và nhân dân cũng như tranh thủ sự hỗ trợ của trên. Ngoài ra, trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phải có tính kế thừa, bao quát và toàn diện; biết chọn khâu đột phá, then chốt phù hợp tình hình thực tiễn; thường xuyên thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời xử lý sai phạm và khen thưởng những điển hình.

Cùng với đó, Cần Đước cũng nhìn nhận tầm quan trọng trong công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Từ đó, đã kịp thời ngăn ngừa, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, giữ vững kỷ cương, kỷ luật, nền nếp trong sinh hoạt của tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị. Đồng thời, góp phần thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước trên tất cả các lĩnh vực ngày càng lan tỏa trong đời sống và phát huy được tính gương mẫu, nêu gương của người đứng đầu./.

Lê Đức

 

Chia sẻ bài viết