Tiếng Việt | English

23/02/2021 - 15:00

Cần Đước: Nỗ lực “về đích” huyện nông thôn mới

Sau gần 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM), đến nay, diện mạo nông thôn ở huyện Cần Đước, tỉnh Long An có nhiều khởi sắc. Kết cấu hạ tầng giao thông được nâng cấp, mở rộng, khang trang; đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được cải thiện.

Diện mạo khởi sắc

Sau gần 7 năm được công nhận đạt chuẩn xã NTM, diện mạo xã Tân Lân, huyện Cần Đước tiếp tục có nhiều đổi thay. Trong đó, thay đổi rõ nét nhất chính là kết cấu hạ tầng nông thôn, các công trình phục vụ sản xuất và dân sinh không ngừng được đầu tư, xây dựng. An ninh, trật tự được bảo đảm. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.

Diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc

Tổng kinh phí thực hiện chương trình XDNTM và NTM nâng cao ở xã Tân Lân thời gian qua trên 113 tỉ đồng. Từ nguồn lực đó, hệ thống kết cấu hạ tầng của xã không ngừng được đầu tư, nâng cấp. Điện, đường, trường, trạm được mở rộng, khang trang. Hộ dân sử dụng nước sạch đạt trên 80%. Kinh tế phát triển, người dân có công việc ổn định, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 65 triệu đồng/năm. Toàn xã chỉ còn 33 hộ nghèo, chiếm 1,05%.

Với sự quyết tâm, nỗ lực của cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể và nhân dân, đến nay, Tân Lân cơ bản hoàn thành 5/5 tiêu chí của Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao và đang chờ cấp tỉnh xét duyệt. Ông Cao Hoài Cuộc, ngụ ấp Ao Gòn, xã Tân Lân, chia sẻ: “Trước đây, việc đi lại của người dân trong ấp gặp nhiều khó khăn do đường nhỏ, mỗi lần mưa là lầy lội. Nhờ chương trình XDNTM mà hệ thống giao thông được nâng cấp, mở rộng. Đường vào ấp hiện nay đã được trải nhựa, có điểm tránh xe, có hệ thống chiếu sáng, người dân rất mừng và phấn khởi”.

Theo Chủ tịch UBND xã Tân Lân - Nguyễn Nhựt Luân, để tạo sự đồng thuận, xã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc; tập trung công tác tuyên truyền, vận động, từng bước đưa nhiệm vụ xây dựng xã NTM nâng cao trở thành nhiệm vụ chung và thường xuyên của nhân dân trong xã. Qua đó, phát huy được nhiều cách làm hay, sáng tạo góp phần XDNTM ở địa phương.

“Thời gian qua, xã tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng xã NTM nâng cao, xem đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Đồng thời, địa phương thường xuyên kiểm tra, duy trì, nâng chất các tiêu chí NTM; tiếp tục nâng cấp hạ tầng KT-XH phù hợp với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là hệ thống giao thông” - ông Luân thông tin thêm.

Về xã Long Khê hôm nay, diện mạo vùng quê ngày nào đã có nhiều thay đổi. Hệ thống giao thông nông thôn được đầu tư nâng cấp, mở rộng, tạo đà cho sự phát triển kinh tế của địa phương, đặc biệt là vùng rau ứng dụng công nghệ cao.

Trên địa bàn xã Long Khê hiện có trên 160ha rau màu các loại. Đây được xem là loại cây trồng mang lại thu nhập cao và ổn định cho người dân trong xã. Các công trình giao thông phục vụ sản xuất và phát triển vùng rau luôn được xã và huyện quan tâm. Hầu hết các tuyến đường đều đã được mở rộng lên 4 mét và trải đá xanh để thuận tiện cho người dân đi lại và giao thương.

Ông Lê Hùng Cường, ngụ ấp 4, xã Long Khê, phấn khởi: “Khi bắt tay vào xây dựng các tuyến đường giao thông, người dân mừng lắm. Người thì hiến đất, người thì phụ ngày công. Đến nay, khi các tuyến đường được hoàn thành, góp phần giúp người dân đi lại, giao thương hàng hóa, nông sản dễ dàng và thuận tiện hơn”.

Cùng chung tâm trạng phấn khởi như ông Cường, ông Lê Minh Chánh, ngụ cùng địa phương, bộc bạch: “Từ khi có đường sá thuận lợi, nông dân chúng tôi bán rau được giá hơn, không còn tình trạng bị thương lái ép giá do khó vận chuyển như trước”.

Phó Chủ tịch UBND xã Long Khê - Nguyễn Thị Nhỉ cho biết, đến nay, 100% tuyến đường trục xã, liên xã được cứng hóa, nhựa hóa đạt chuẩn của Bộ Giao thông Vận tải. Nhờ đó, giúp địa phương phát triển về KT-XH. Người dân mạnh dạn mở rộng sản xuất và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 57 triệu đồng/năm.

“Hiện tại, xã Long Khê đạt 16/19 tiêu chí NTM. Xã phấn đấu hoàn thành các tiêu chí còn lại: Cơ sở vật chất văn hóa, trường học đạt chuẩn và môi trường vào cuối năm 2021. Muốn hoàn thành mục tiêu này rất cần sự nỗ lực, đồng lòng, chung sức thực hiện của cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương” - bà Nhỉ cho biết thêm.

Trồng rau màu mang lại thu nhập cao cho nông dân

Phấn đấu về đích nông thôn mới

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, huyện Cần Đước tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng, tự nguyện hiến đất, hoa màu và tự tháo dỡ nhiều công trình, tài sản trên đất để tạo mặt bằng sạch cho các dự án, đặc biệt là các dự án chương trình mục tiêu quốc gia do các xã làm chủ đầu tư và chỉnh trang đô thị. Vì vậy, tiến độ thi công các công trình cơ bản được hoàn thành theo kế hoạch.

Đến nay, Cần Đước có 12/16 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, 2 xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí và 1 xã đã hoàn thành 5/5 tiêu chí xã NTM nâng cao. Cùng với hoàn thiện tiêu chí quy hoạch xây dựng vùng của huyện NTM, địa phương tập trung chỉ đạo, hỗ trợ xây dựng hoàn thiện 2 xã còn lại là Long Khê và Long Hựu Tây để huyện kịp về đích huyện NTM vào cuối năm 2021.

Chủ tịch UBND huyện Cần Đước - Huỳnh Văn Quang Hùng cho biết, thời gian qua, Cần Đước phấn đấu đưa tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu kinh tế, vì vậy mà nhu cầu xây dựng kết cấu hạ tầng rất được chú trọng và quan tâm thực hiện. Với những giải pháp đồng bộ, quyết liệt, công tác đầu tư xây dựng cơ bản trong thời gian qua trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần giúp địa phương hoàn thành các tiêu chí NTM.

“Theo lộ trình, huyện Cần Đước sẽ hoàn thành XDNTM trong giai đoạn 2021-2022. Tuy nhiên, hiện nay, huyện quyết tâm tập trung mọi nguồn lực đầu tư để về đích NTM ngay trong năm 2021. Không chỉ 2 xã còn lại phấn đấu đạt chuẩn mà những xã được công nhận trước đó cũng phải tiếp tục nỗ lực nâng chất từng tiêu chí, bảo đảm đạt theo bộ tiêu chí mới. Các xã không chỉ đạt theo bộ tiêu chí mới mà còn đạt với mức tối đa của từng tiêu chí để làm nền tảng vững chắc cho huyện NTM. Ngoài ra, bên cạnh mục tiêu hoàn thành đúng kế hoạch các công trình đã và đang triển khai, huyện còn tập trung cho các công trình trọng điểm khác nhằm tạo đà phá thế vùng sâu, thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương" - ông Hùng nói thêm./.

  • Chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương đã góp phần giúp người trồng rau có thêm những cơ sở để mở rộng sản xuất và mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao để nâng cao giá trị sản phẩm rau. Nếu như trước đây, mỗi năm, người dân chỉ trồng được 3-4 vụ rau thì nay nhờ hệ thống điện, đường, thủy lợi mà người dân có thể trồng từ 6-9 vụ rau. Lợi nhuận của người dân cũng vì vậy mà tăng từ 150-200 triệu đồng/ha/năm”.

Ông Lê Văn Giấy - Giám đốc Hợp tác xã Rau an toàn Mười Hai (ấp 4, xã Long Khê)

  • Thông qua công tác tuyên truyền, vận động của xã, huyện về chương trình xây dựng nông thôn mới, hầu hết người dân trên địa bàn xã đều hiểu và đồng lòng hưởng ứng cùng với chính quyền địa phương xây dựng và đổi mới quê hương. Điển hình như các tuyến đường, các nhà văn hóa, cổng văn hóa trên địa bàn ấp Xóm Chùa đều do người dân tự nguyện đóng góp xây dựng”.

Ông Nguyễn Kim Hoàng - cán bộ hưu trí (ấp Xóm Chùa, xã Tân Lân)

  • Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, thời gian tới, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tiếp tục là cơ quan thường trực, chủ trì và phối hợp các ban, ngành liên quan, UBND các xã tổ chức triển khai, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Với những giải pháp cụ thể cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân, huyện Cần Đước quyết tâm phấn đấu đạt huyện nông thôn mới vào cuối năm 2021”.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Đước - Nguyễn Hồng Chương

Minh Tuệ

Chia sẻ bài viết