Tiếng Việt | English

29/01/2017 - 15:56

Cần Đước: Văn hóa - động lực thúc đẩy kinh tế phát triển

Đã 2 mùa xuân, Cần Đước được công nhận và giữ vững danh hiệu huyện điểm điển hình về văn hóa của tỉnh Long An. “Trái ngọt” từ huyện điểm điển hình về văn hóa là động lực để Cần Đước phát triển kinh tế, xứng đáng với danh hiệu “Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới”.

Giữ vững danh hiệu huyện điểm điển hình về văn hóa

Chúng tôi đến thăm ông Nguyễn Thành Công, ở ấp Rạch Đào, xã Mỹ Lệ khi ông vừa từ ngoài đồng trở về. Tuổi ngoài 60 nhưng ông vẫn giữ tính “hay lam hay làm” như thế! “Mình còn khỏe thì còn làm để có thu nhập, phát triển kinh tế, từ đó có điều kiện tham gia các hoạt động, phong trào do địa phương phát động” - ông Công chia sẻ.

Nông thôn Cần Đước ngày càng thay đổi, đời sống người dân ngày một ổn định hơn. Ảnh: Kim Khánh

Nghe lời ông Công nói, nhìn mái nhà đơn sơ, nhiều người sẽ nghĩ cuộc sống của ông khó khăn, nhưng ngược lại, kinh tế gia đình ông thuộc hàng khá giả ở địa phương. Ông hay giúp đỡ những hội viên Hội Cựu chiến binh khó khăn ở xã.

Theo quan niệm của ông, “hạnh phúc không phải là nhà cao cửa rộng mà là các con lớn khôn, khỏe mạnh, ổn định và sống có ích cho xã hội. Để làm được điều này, cha mẹ phải luôn gương mẫu trong mọi việc để các con noi theo”. Các con của ông bây giờ đều chăm chỉ làm ăn, có kinh tế ổn định và tích cực tham gia các phong trào, đóng góp các quỹ do địa phương phát động. Gia đình ông là một trong những gia đình văn hóa tiêu biểu nhiều năm liền ở địa phương.

Còn ông Nguyễn Kim Hoàng, ở xã Tân Lân bộc bạch: “Gia đình là tế bào xã hội. Nếu gia đình văn hóa thì xã hội sẽ lành mạnh. Vì vậy, gia đình tôi tiếp tục phấn đấu, duy trì gia đình văn hóa góp phần giữ vững và nâng chất huyện văn hóa, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.

Cùng với gia đình ông Công, ông Hoàng, 42.340/43.142 (98,2%) gia đình văn hóa khác trong toàn huyện là những “hạt nhân” giữ vững danh hiệu văn hóa của 118/118 ấp, khu phố và 15/17 xã, thị trấn văn hóa. Đây cũng là những nhân tố tích cực góp phần giữ vững, nâng chất danh hiệu huyện điểm điển hình về văn hóa của tỉnh.

Danh hiệu trên sẽ trường tồn, bền vững khi có những gia đình, những con người văn hóa như thế! “Ngoài chủ thể là nhân dân, để giữ vững danh hiệu huyện điểm điển hình về văn hóa của tỉnh và huyện Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, huyện xây dựng, triển khai kế hoạch nâng chất các tiêu chí huyện văn hóa giai đoạn 2016-2020 trong toàn huyện. Trong đó, tập trung vào công tác tuyên truyền và thực hiện theo lộ trình để đạt hiệu quả” - Bí thư Huyện ủy - Nguyễn Việt Cường cho biết.

Nền tảng phát triển kinh tế

Về Cần Đước hôm nay, ngoài những nét văn hóa truyền thống được gìn giữ, phát huy, dáng dấp của một “đô thị” miền hạ hiện đại, văn minh cũng dần hiện ra. Từ sự đầu tư của tỉnh, huyện cho chương trình xây dựng huyện điểm điển hình về văn hóa và sự chung tay, góp sức của người dân, diện mạo Cần Đước dần thay đổi. Đường sá, nhà cửa đều thông thoáng, khang trang. Điện, đường, trường, trạm, chợ được đầu tư hoàn chỉnh, phục vụ đời sống người dân tốt hơn. Khi hệ thống hạ tầng đồng bộ, thuận lợi sẽ tạo đà để Cần Đước thu hút đầu tư, phát triển kinh tế.

Năm 2016, huyện thu hút 26 nhà đầu tư thứ cấp vào xây dựng nhà máy tại Khu công nghiệp Cầu Tràm, Thuận Đạo mở rộng và Cụm công nghiệp Long Sơn với tổng diện tích 78ha.

Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại - Dịch vụ và Xuất nhập khẩu Trung Thành - Hồ Văn Lợi: “Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, Khu công nghiệp Cầu Tràm hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng, thu hút nhiều nhà đầu tư, hứa hẹn phát triển kinh tế công nghiệp, thương mại - dịch vụ mạnh mẽ trên địa bàn huyện”.

Huyện đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới

Cơ cấu kinh tế của huyện cũng chuyển dịch mạnh theo hướng công nghiệp - nông nghiệp - thương mại và dịch vụ. Công nghiệp - xây dựng tăng trưởng bình quân 23%/năm, chiếm tỷ trọng 66%. Tiểu thủ công nghiệp phát triển khá, các ngành nghề truyền thống được giữ vững và hoạt động ổn định; tiếp nhận 22 cơ sở sản xuất nhỏ, lẻ đầu tư trên địa bàn, góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho lao động địa phương. Giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ước đạt trên 8.792 tỉ đồng, tăng 25,2% so với năm 2015.

Cũng theo ông Nguyễn Việt Cường, cùng với kinh tế công nghiệp, nông nghiệp cũng mang lại hiệu quả. Nhiều mô hình mới trong sản xuất lúa, rau màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản được triển khai thực hiện, góp phần giải quyết nhiều việc làm, nâng cao mức sống của người dân. Nhìn chung, khi kinh tế phát triển, thu nhập bình quân đầu người của huyện tăng và năm 2016 ước đạt 53 triệu đồng/người. Tổng số hộ nghèo của huyện cũng giảm, còn 2,05%.

Chính con người, gia đình văn hóa ở huyện văn hóa là nhân tố quan trọng, môi trường tốt để Cần Đước đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân.

Ngoài sự đầu tư của các cấp, các ngành, chính con người, gia đình văn hóa ở huyện văn hóa là nhân tố quan trọng, môi trường tốt để Cần Đước đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lân - Trần Thị Yến Nga, môi trường văn hóa lành mạnh góp phần vào việc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng, của huyện nói chung. Vì vậy, xã tập trung vận động người dân tích cực tham gia phát triển kinh tế, tạo việc làm cho lao động nông thôn nhằm nâng tỷ lệ hộ khá, giàu; kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 1,65%. Và, việc vận động các phong trào, đóng góp quỹ sẽ dễ dàng hơn khi con người có ý thức chung tay, góp sức xây dựng quê hương.

Tết đến, người dân Cần Đước rộn ràng, náo nức đón xuân - những mùa xuân no ấm, vui vẻ, hạnh phúc khi kinh tế phát triển trên nền tảng của huyện văn hóa. Và, niềm vui năm mới dường như nhân đôi khi người dân, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh luôn được chính quyền quan tâm tạo điều kiện phát triển kinh tế, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện và tỉnh nhà./.

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết