Tiếng Việt | English

16/06/2021 - 08:33

Cần giải pháp tiêu thụ nông sản

Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 tại nước ta trùng với thời điểm nông dân thu hoạch một số loại nông sản. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, việc xuất khẩu gặp khó khăn, tiêu thụ trong nước không nhiều, bên cạnh đó, một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg, 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nên việc giao thương cũng bị ảnh hưởng. Một lần nữa, trên các diễn đàn, phương tiện truyền thông lại kêu gọi “giải cứu” nông sản. Thế nhưng, để tháo gỡ khó khăn cho nông dân thì việc “giải cứu” không phải là biện pháp lâu dài mà cần có những chính sách hỗ trợ bao tiêu.

Một trong những loại nông sản cần được “giải cứu” gần đây là khoai lang tím ở huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long. Tại các chợ, siêu thị, loại khoai này được bán với giá từ 5.000-8.000 đồng/kg, còn tại ruộng, thời điểm thấp nhất, thương lái chỉ thu mua với giá 1.000 đồng/kg. Để hỗ trợ nông dân, Vĩnh Long kêu gọi các doanh nghiệp vào cuộc, thu mua tại ruộng với giá từ 3.000-5.000 đồng/kg. Hiện, số lượng khoai lang ở huyện Bình Tân khoảng 32.000 tấn, trong đó phần lớn là khoai lang tím. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên khoai lang không xuất khẩu được, thị trường tiêu thụ trong nước ít, lại ngay đợt dịch thứ 4 bùng phát nên việc tiêu thụ khoai lang tím gặp nhiều khó khăn. Trước đó, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cũng có Công văn gửi Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị hỗ trợ thông tin, tuyên truyền tiêu thụ vải thiều. Bắc Giang có hơn 28.000ha vải thiều. Hàng năm, khoảng 2/3 số lượng vải sẽ được xuất khẩu sang Nhật, Mỹ, Trung Quốc,... nhưng năm nay, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn Bắc Giang diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến việc tiêu thụ loại nông sản này. Gần đây, giá thanh long tại Long An cũng xuống thấp, chỉ còn 3.000-5.000 đồng/kg (giảm khoảng 20.000 đồng/kg so với thời điểm trước đó). Giá rẻ nhưng do đa số đã ký hợp đồng tiêu thụ với thương lái từ trước nên nông dân vẫn bán được. Với giá này, nông dân “cầm chắc” phần lỗ.

Để thúc đẩy tiêu thụ nông sản, ngành Nông nghiệp và các địa phương đang khẩn trương thực hiện nhiều biện pháp như kết nối với doanh nghiệp, hỗ trợ các đơn vị trong quá trình thu mua. Các cơ quan chuyên môn hướng dẫn, tạo thuận lợi cho các đơn vị khi đi qua các chốt kiểm soát dịch, thực hiện nghiêm các quy định bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19.

Dịch Covid-19 sẽ còn kéo dài và diễn biến phức tạp. Để ứng phó với tình hình dịch bệnh, ngành Nông nghiệp cần đặt ra những phương án, giải pháp thu hoạch, tiêu thụ nông sản như thế nào nếu dịch bệnh bùng phát cũng giống như việc các doanh nghiệp đang thích ứng với việc duy trì sản xuất, kinh doanh trong tình hình dịch bệnh. Sau hơn 1 năm từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, nền kinh tế đã đi vào giai đoạn “bình thường mới”. Điều này buộc các ngành, địa phương xây dựng những kịch bản ứng phó nếu dịch bệnh bùng phát, cần có những giải pháp cho việc tiêu thụ nông sản.

Những năm qua, Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới nhưng hầu hết là chưa có thương hiệu nên giá trị thấp. Do đó, việc xây dựng thương hiệu sẽ giúp tăng sức cạnh tranh cho nông sản Việt. Muốn như thế, nông dân phải từng bước thay đổi quá trình canh tác, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, xây dựng chỉ dẫn địa lý, mã vùng, mã vạch, mã kho, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của thị trường các nước, bảo đảm thị trường xuất khẩu./.

Tâm Yên

Chia sẻ bài viết