Tiếng Việt | English

01/03/2021 - 09:07

Cần Giuộc: Tập trung phát triển rau ứng dụng công nghệ cao

Với mục tiêu khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai, nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập cho nông dân, thời gian qua, huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An) tập trung ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) vào sản xuất rau. Đến nay, phương pháp canh tác này đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, được người dân ủng hộ và tự nhân rộng thêm.

Mang lại hiệu quả cao

Thời gian qua, huyện Cần Giuộc triển khai thực hiện Đề án Phát triển sản xuất nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đạt nhiều kết quả phấn khởi. Cụ thể, người dân đã dần thay đổi được tập quán canh tác, có ý thức trong việc phát triển nông nghiệp sạch, mạnh dạn đầu tư xây dựng hệ thống nhà màng, nhà lưới, tưới tự động. Từ đó, sản phẩm làm ra ngày càng có chất lượng cao hơn, đáp ứng nhu cầu của thị trường ngày càng khó tính. Tính đến nay, toàn huyện có khoảng 1.030ha trồng rau ƯDCNC, trong đó có 112,67ha rau được trồng trong nhà lưới, nhà màng, 1.030ha rau sử dụng phân hữu cơ vi sinh, thuốc trừ sâu sinh học và 303,6ha rau áp dụng hệ thống tưới thông minh, tiết kiệm.

Trồng rau mang lại thu nhập cao cho người dân

Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Phước Thịnh (xã Phước Hậu) - Đặng Duy Dũng cho biết: “HTX hoạt động theo hướng đa năng, đa nghề, trực tiếp cung cấp các dịch vụ nông nghiệp, trang thiết bị, tổ chức sản xuất cho thành viên. Đồng thời, HTX cũng là nơi tập kết các sản phẩm rau sau thu hoạch, tiến hành sơ chế, làm sạch rau và đóng gói. Qua gần 8 năm đi vào hoạt động, HTX đang có trên 60 thành viên, sản xuất rau theo hướng an toàn, trong đó có 7,2ha rau đạt chuẩn VietGAP với các tiêu chuẩn cao về an toàn thực phẩm”.

Ngoài ra, HTX Phước Thịnh còn là nơi hỗ trợ tiêu thụ cho hơn 80 hộ dân liên kết trên địa bàn. Bên cạnh hỗ trợ về kỹ thuật, tổ chức sản xuất, HTX còn cung cấp phân bón, trang thiết bị phục vụ sản xuất với giá thành hợp lý, có hỗ trợ trả chậm cho các hộ dân.

Bà Lê Thị Hồng - thành viên HTX Phước Thịnh, chia sẻ: “Sản xuất rau ƯDCNC, nông dân không phải lo về đầu ra, cũng không sợ bị thương lái ép giá vì được bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn bên ngoài từ 2.000-3.000 đồng/kg (tùy vào thời điểm). Trung bình, 1ha rau, sau khi trừ chi phí, nông dân lãi trên 500 triệu đồng/năm”.

Cùng với HTX Phước Thịnh, trên địa bàn huyện Cần Giuộc đang hình thành hàng loạt HTX, tổ hợp tác phát triển trong lĩnh vực trồng rau an toàn. Theo số liệu thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Cần Giuộc, toàn huyện hiện có 26 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, 17 HTX, 1 tổ hợp tác chuyên sản xuất rau an toàn. Thực hiện Chương trình nông nghiệp ƯDCNC, huyện có 7 HTX được cấp giấy chứng nhận VietGAP, 3 HTX đạt chuỗi giá trị an toàn vệ sinh thực phẩm là Phước Hiệp, Phước Thịnh và Mê-Kông.

Ông Đặng Văn Tổng, ngụ xã Phước Hậu, bộc bạch: “Mặc dù không tham gia vào HTX nhưng mỗi khi khó khăn về đầu ra, nông dân chúng tôi vẫn có thể tìm đến các HTX để nhờ hỗ trợ tiêu thụ. Hiện nay, gia đình tôi có 0,1ha rau trồng trong nhà lưới và 0,2ha rau trồng bên ngoài, tất cả đều sử dụng hệ thống tưới tự động. Theo tôi đánh giá, trồng trong nhà lưới lúc nào cũng ít sâu, bệnh hơn, năng suất cao hơn bên ngoài từ 0,5-1,5 tấn/0,1ha. Ước tính trung bình mỗi năm, gia đình tôi có thu nhập từ 150-200 triệu đồng từ việc trồng rau. Trong năm nay, gia đình tôi sẽ tiếp tục xây nhà lưới cho 0,2ha rau còn lại”.

Tập trung đẩy mạnh phát triển

Sản xuất rau ƯDCNC ở Cần Giuộc thời gian qua luôn được tỉnh quan tâm. Theo đó, kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp, nhất là hệ thống giao thông, điện, thủy lợi nội đồng ở những vùng quy hoạch trồng rau ƯDCNC được quan tâm, đầu tư.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT, đến nay, toàn tỉnh có trên 4.025ha rau, đạt 97,7% kế hoạch, bằng 116,8% so cùng kỳ năm 2020. Tại huyện Cần Giuộc, Cần Đước, ngoài việc mở rộng thêm diện tích trồng rau, 2 huyện này còn tập trung đẩy mạnh ƯDCNC vào sản xuất, hình thành các vùng rau sử dụng giống sạch bệnh, năng suất cao và chất lượng tốt. Trong đó, ưu tiên sử dụng phân hữu cơ vi sinh; sử dụng thuốc trừ sâu sinh học, bảo vệ môi trường, giữ cân bằng hệ sinh thái; ứng dụng hệ thống tưới tự động, tiết kiệm; sản xuất trong nhà lưới để hạn chế ảnh hưởng của thời tiết và dịch hại, đạt tiêu chuẩn rau an toàn tiến tới đạt chuẩn VietGAP và được công nhận chuỗi vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cần Giuộc - Ngô Bảo Quốc, việc người dân dần chuyển đổi phương thức canh tác từ truyền thống sang ƯDCNC đã góp phần giúp cây rau phát triển tốt, ít sâu, bệnh, giảm được lượng phân vô cơ, giảm số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tăng chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường nông nghiệp. Đặc biệt, năng suất rau tăng 10-20%, lợi nhuận cao hơn từ 30-50 triệu đồng/ha so với trồng theo kiểu truyền thống.

Ngoài ra, đến nay, huyện xây dựng được 3 chuỗi giá trị an toàn vệ sinh thực phẩm tại các HTX: Phước Hiệp, Phước Thịnh, Mê-Kông. Hiện nay, rau được tiêu thụ chủ yếu tại các siêu thị, chợ đầu mối, bếp ăn tập thể, công ty, doanh nghiệp ở TP.HCM và trong tỉnh. Nhìn chung, việc triển khai ƯDCNC trong sản xuất rau hiện nay được người dân đồng tình ủng hộ. Người dân đã tự nhân rộng thêm nhiều diện tích rau ƯDCNC vì vừa hạn chế sâu, bệnh, vừa tăng năng suất và đáp ứng yêu cầu thị trường.

“Thời gian tới, để giúp nông dân tiếp tục giảm giá thành sản xuất, tăng năng suất và thu nhập, các ngành chức năng của huyện tiếp tục nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để phát triển vùng rau ƯDCNC, tìm đầu ra cho nông sản của nông dân. Cụ thể, phấn đấu mỗi năm bố trí kinh phí ngân sách xây dựng thêm từ 2-3 điểm trình diễn mô hình nhà lưới trồng rau để nhân rộng, bên cạnh đó, vận động xã hội hóa và người dân mở rộng thêm từ 12-28ha nhà lưới trồng rau. Mỗi năm, huyện có thêm từ 1-2 HTX đạt chuẩn VietGAP, có thêm 3 HTX đạt chuỗi giá trị an toàn vệ sinh thực phẩm; tăng diện tích áp dụng hệ thống tưới thông minh, tưới tiết kiệm. Song song đó, huyện phấn đấu mỗi năm đưa từ 2-3 sản phẩm đặc trưng của huyện, nhất là các sản phẩm nông sản đi xét công nhận đạt chuẩn OCOP để góp phần nâng cao giá trị thương mại.

Ngoài ra, huyện còn tập trung các giải pháp kỹ thuật để hướng dẫn người dân tự ủ phân hữu cơ từ nguồn phế phẩm nông nghiệp, thường xuyên sử dụng phân hữu cơ sinh học, phân hữu cơ vi sinh công nghệ mới trong sản xuất; từng bước đa dạng các loại hình công nghệ được áp dụng vào sản xuất như: Cơ giới hóa khâu chuẩn bị, cải tạo đất; bước đầu ứng dụng công nghệ thông tin trong tưới, làm đất, tìm hiểu, kết nối thị trường,…” - ông Quốc cho biết./.

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết