Tiếng Việt | English

04/05/2022 - 08:58

Cần người 'thổi hồn' vào môn Lịch sử

Từ năm học 2022 - 2023, học sinh (HS) lớp 10 trên cả nước sẽ bắt đầu học chương trình phổ thông mới. Theo đó, có 7 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, Giáo dục địa phương. 

Ngoài ra, các em lựa chọn 5 môn khác từ 3 nhóm môn, mỗi nhóm ít nhất 1 môn: Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật - Âm nhạc và Mỹ thuật). Chương trình này đã được phê duyệt từ năm 2018, sẽ triển khai vào năm học 2022 - 2023.

Trước những quy định mới sẽ được áp dụng, nhiều người lo HS sẽ “quay lưng” với môn Lịch sử, bởi đây được cho là môn học khô khan, khó thuộc, khó nhớ và phần lớn HS đều rất sợ mỗi khi đến tiết học Lịch sử. Từ lâu, Lịch sử vẫn được HS xem là môn phụ, không quan trọng nên thời gian dành cho môn học này cũng không nhiều. Bên cạnh đó, môn học với nhiều mốc lịch sử, thời gian, số liệu, bài học kinh nghiệm rút ra từ các trận đánh,... không tạo được hứng thú cho HS. Hầu hết các em học lịch sử chỉ để đối phó, “học vẹt” để kiểm tra, thi rồi sau đó sẽ quên kiến thức lịch sử hoặc có nhớ cũng sẽ dễ nhầm từng sự kiện, từng mốc lịch sử.

Thực tế qua các kỳ thi tuyển chọn HS giỏi, rất ít HS đăng ký thi môn Lịch sử và số HS thực sự yêu thích môn học này chỉ “đếm trên đầu ngón tay”. Theo số liệu thống kê, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, môn Lịch sử có 637.005 thí sinh dự thi. Điểm trung bình môn Lịch sử là 4,97 điểm. Đây là môn duy nhất trong số 9 môn thi tốt nghiệp có điểm trung bình dưới 5. Trong những năm gần đây, số thí sinh lựa chọn môn Lịch sử để xét tuyển đại học chỉ chiếm khoảng 10% tổng số thí sinh. Những số liệu trên cho thấy HS không “mặn mà” lắm với môn Lịch sử, nay, môn học này lại trở thành môn tự chọn, chắc sẽ có rất ít HS chọn học môn Lịch sử.

Lịch sử là hồn cốt của dân tộc. Không có quốc gia, dân tộc nào lại không có lịch sử. Lịch sử mang đến những giá trị truyền thống. Nếu không có lịch sử thì không thể hiểu được vị trí của hiện tại. Lịch sử và cuộc sống là một quá trình phát triển mà hôm nay phải là sự kế thừa, phát triển của hôm qua và chuẩn bị cho ngày mai. Khoa học lịch sử luôn giữ vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, trong kho tàng tri thức của nhân loại. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Lịch sử giáo dục cho thế hệ hôm nay và mai sau về quá khứ hào hùng, truyền thống, bản sắc dân tộc. Qua đó, hun đúc tình yêu nước để mỗi người nhận thấy được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc góp phần xây dựng, bảo vệ đất nước.

Môn Lịch sử có vị trí quan trọng, góp phần hình thành nhân cách, lòng yêu nước và sự hiểu biết, nhận thức về truyền thống dân tộc. Đã có nhiều cuộc hội thảo bàn luận về phương pháp dạy lịch sử hiện nay và tìm ra lý do vì sao HS “ngán” học lịch sử. Nguyên nhân vẫn là do cách dạy, cách hướng dẫn HS tiếp cận với lịch sử một cách máy móc, thụ động. Các em chủ yếu vẫn phải học thuộc lòng, trả bài, kiểm tra, thi và sau đó rất nhanh quên đi những kiến thức đã học. Chương trình học môn Lịch sử vẫn nặng về lý thuyết trải dài từ thời nguyên thủy đến hiện đại, thiếu những dẫn chứng, minh họa bằng phim, ảnh hay tham quan các khu di tích, trò chuyện với những nhân chứng lịch sử. Và trên hết, cách dạy của giáo viên chưa lấy HS làm trung tâm, các em học Lịch sử vẫn theo phương pháp đọc, chép, học thuộc lòng,...

Cần lắm người “thổi hồn” cho môn Lịch sử, giúp khơi gợi niềm đam mê, sự hứng thú tìm hiểu lịch sử của HS. Thực tế, có những thầy, cô rất tâm huyết và áp dụng nhiều phương pháp khác nhau giúp các em tiếp cận lịch sử một cách chủ động nhưng số tiết học dành cho môn học này không nhiều, bên cạnh đó chương trình học khá nặng, HS còn phải dành thời gian đầu tư cho các môn học khác nên chưa thể tìm hiểu sâu hơn về lịch sử. Cũng như tất cả môn học khác, học lịch sử trước hết là phải hiểu, biết và nắm rõ về lịch sử chứ không phải “học vẹt”, học theo kiểu đối phó. Muốn được như thế cần phải có người “thổi hồn” vào môn Lịch sử, giúp HS thêm yêu thích môn học này và thắp lên được tình yêu quê hương, đất nước trong HS qua những bài học lịch sử./.

Tâm An

Chia sẻ bài viết