Tiếng Việt | English

30/03/2020 - 15:42

Cần quan tâm hơn công tác Đoàn tuyến cơ sở

Sau hơn 2 năm triển khai Đề án số 02-ĐA/TU, ngày 29/12/2017 của Tỉnh ủy Long An về sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị tỉnh Long An theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (gọi tắt là Đề án 02-ĐA/TU của Tỉnh ủy), bên cạnh những thuận lợi, Đoàn Thanh niên (TN) các cấp trong tỉnh hiện còn một số khó khăn trong quá trình hoạt động, nhất là Đoàn cấp xã, phường, thị trấn.

Cấp tỉnh thuận lợi

Thực hiện Đề án 02-ĐA/TU của Tỉnh ủy, kể từ ngày 26/3/2018, Tỉnh đoàn sắp xếp, tinh gọn còn 4 ban và 2 đơn vị trực thuộc, gồm: Ban Tổ chức - Tổng hợp (sáp nhập Văn phòng và Ban Tổ chức Kiểm tra); Ban Công tác TN (sáp nhập Ban TN nông thôn, công nhân, viên chức và đô thị và Ban Đoàn kết, tập hợp TN); Ban Tuyên giáo; Ban Thanh, thiếu nhi trường học; Nhà Thiếu nhi Long An và Trung tâm Hoạt động thanh, thiếu nhi tỉnh Long An. Qua đây, góp phần giảm được 2 ban, một số đầu mối trung gian trong xử lý văn bản; đồng thời tạo sự thống nhất cao trong công tác quản lý và điều hành của Ban Thường vụ; xây dựng và triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch công tác, nhằm bảo đảm nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác tham mưu.

Sắp xếp tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế giúp Tỉnh đoàn nâng cao hiệu quả hoạt động, phát huy khả năng trình độ, năng lực, sở trường làm việc của cán bộ

Trưởng ban Công tác TN Tỉnh đoàn - Trần Quốc Quân chia sẻ: “Trước khi chưa sáp nhập Ban TN nông thôn, công nhân, viên chức và đô thị Tỉnh đoàn và Ban Đoàn kết, tập hợp TN Tỉnh đoàn thành Ban Công tác TN thì mỗi ban quản lý đối tượng riêng, chưa có sự bao quát chung, dẫn đến việc tham mưu, đề xuất với lãnh đạo đôi lúc có nội dung trùng nhau. Từ khi 2 ban hợp nhất, giảm được đầu mối tham mưu văn bản, tạo điều kiện thuận lợi cho lãnh đạo, cán bộ quản lý nắm bắt các vấn đề sâu, nhanh và kịp thời hơn, đồng thời trình độ, năng lực, sở trường của từng cán bộ phụ trách được phát huy hết khả năng”.

Theo Bí thư Tỉnh đoàn - Võ Trần Tuấn Thanh, thời gian đầu sắp xếp lại bộ máy, không tránh khỏi sự lúng túng, bỡ ngỡ trong xử lý công việc của cán bộ, công chức. Tuy nhiên, sau thời gian ngắn, hoạt động của đơn vị được ổn định trở lại, cán bộ trẻ từng bước trưởng thành. Bên cạnh đó, việc tinh giản bộ máy quản lý của các ban chuyên môn giúp sử dụng tối ưu nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện có, từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động của các ban chuyên môn.

Những ngày qua, Tỉnh đoàn tiếp tục rà soát lại vị trí việc làm của từng cán bộ, công chức, viên chức của cả cơ quan, Nhà Thiếu nhi Long An và Trung tâm Hoạt động thanh, thiếu nhi tỉnh để phân công cán bộ, công chức, viên chức đúng với vị trí việc làm, năng lực công tác, tham mưu cho cán bộ lớn tuổi chuyển công tác. Qua đó, đến nay, Tỉnh đoàn bảo đảm các yêu cầu tinh giảm 10% biên chế bộ máy vào năm 2021; từ 30 biên chế (BC) giảm còn 27 BC, trong đó, Nhà Thiếu nhi Long An còn 10 BC (giảm 1 BC) và Trung tâm Hoạt động thanh, thiếu nhi tỉnh còn 12 BC (giảm 2 BC).

Cán bộ Đoàn cấp xã ít có thời gian bám cơ sở

Thực hiện Đề án 02-ĐA/TU của Tỉnh ủy, đến nay, hầu hết Đoàn cấp xã trong tỉnh đều giảm phó bí thư bán chuyên trách. Điều này ảnh hưởng đến hoạt động của công tác Đoàn và phong trào thanh, thiếu niên cấp cơ sở, nhất là chất lượng tham gia sinh hoạt Đoàn định kỳ, công tác tập hợp, đoàn kết TN ở nông thôn.

Từ khi Đoàn cấp xã giảm phó bí thư, mọi hoạt động đều do một tay bí thư đoàn điều hành, ít có thời gian bám cơ sở

Bí thư Đoàn thị trấn Tân Hưng, huyện Tân Hưng - Trương Văn Thùy chia sẻ: “Trước đây, Đoàn thị trấn có phó bí thư, chúng tôi có thể luân phiên nhau thường xuyên bám sát hoạt động ở cơ sở. Còn bây giờ, một mình tôi phụ trách, vừa phải lo giải quyết công việc văn phòng, dự các hội họp, tham gia các hoạt động do đơn vị phát động,... nên ít có thời gian tới lui thăm hỏi, động viên, hỗ trợ nghiệp vụ cho anh em cán bộ Đoàn ở ấp, khu phố”.

Hiện nay, trong tỉnh còn một số địa phương giữ lại chức danh phó bí thư đoàn xã nhưng thật sự cán bộ không chuyên trách này phải đảm nhiệm cùng lúc nhiều nhiệm vụ của cơ quan. “Toàn huyện hiện còn 5 phó bí thư đoàn cấp xã. Tuy nhiên, cái khó hiện nay, phó bí thư không còn thời gian trực tiếp tham mưu, tổ chức các hoạt động phong trào Đoàn. Mọi hoạt động của công tác Đoàn và phong trào thanh, thiếu niên cấp xã bây giờ đều do một tay bí thư đoàn đảm nhận” - Phó Bí thư Huyện đoàn Vĩnh Hưng - Phạm Thị Thúy Nga bày tỏ.

Theo Bí thư Tỉnh đoàn - Võ Trần Tuấn Thanh, thực hiện Đề án 02-ĐA/TU của Tỉnh ủy là nhiệm vụ quan trọng nhưng trong triển khai thực hiện sẽ gặp những khó khăn nhất định, đòi hỏi sự quyết tâm, đồng thuận cao của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và sự vào cuộc của người đứng đầu các ban, đơn vị trực thuộc Tỉnh đoàn cũng như chính quyền các cấp. Thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về nội dung, ý nghĩa Đề án 02-ĐA/TU của Tỉnh ủy; đồng thời, tham mưu với lãnh đạo tỉnh có chế độ trợ cấp hợp lý cho cán bộ Đoàn ấp, khu phố. Qua đó, giúp cán bộ Đoàn cấp cơ sở ổn định tư tưởng, tiếp tục khơi dậy tinh thần nhiệt huyết và “lửa phong trào” của tuổi trẻ, đoàn kết thi đua, hỗ trợ nhau cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao./.

Sông Măng

Chia sẻ bài viết