Tiếng Việt | English

12/01/2016 - 15:04

Cẩn trọng khi dùng kháng sinh

Hiện nay, chúng ta rất dễ dàng mua một vài liều thuốc kháng sinh tại các quầy thuốc mà không cần phải có toa của bác sĩ. Kháng thuốc không phải là vấn đề mới mà đã được đề cập rất nhiều trên các diễn đàn. Tuy nhiên, đến nay vẫn là vấn đề còn nan giải.

Nhiều người dân vẫn mua và sử dụng kháng sinh không theo toa, liều lượng của bác sĩ

Hiểu thêm về kháng sinh

Có một thực tế thường gặp là mỗi khi mắc các bệnh thông thường như: Ho, đau họng, sổ mũi,… người dân thường đến nhà thuốc tự mua và uống kháng sinh theo ý chủ quan – không có chỉ định của bác sĩ. Điều này có thể gây ra những hậu quả khôn lường, đặc biệt là gây ra tình trạng kháng thuốc. Vậy, kháng sinh là gì, vì sao phải thận trọng khi dùng kháng sinh?

Theo sách y học, "kháng sinh là loại thuốc có khả năng đặc hiệu kiềm hãm sự phát triển hoặc diệt được vi khuẩn. Nó có tác dụng lên vi khuẩn ở cấp độ phân tử, thường là một vị trí quan trọng của vi khuẩn hay một phản ứng trong quá trình phát triển của vi khuẩn".

Dựa vào khả năng tác dụng của thuốc, người ta chia thuốc kháng sinh thành 2 loại: Tác dụng diệt khuẩn và tác dụng kiềm khuẩn. Kháng sinh diệt khuẩn có tác dụng giết chết vi khuẩn; kháng sinh kiềm khuẩn chỉ làm cho vi khuẩn ngưng phát triển, không sinh sản chứ không bị tiêu diệt. Chỉ có thầy thuốc mới biết kháng sinh nào là diệt khuẩn, kháng sinh nào là kiềm khuẩn và cách dùng kháng sinh trong các trường hợp cụ thể.

Không nên lạm dụng kháng sinh

Phó Giám đốc Sở Y tế - Tiến sĩ Võ Thị Dễ cho biết: "Chúng ta phải xem kháng sinh chẳng những là thuốc đặc biệt, mà còn là đặc biệt quý, chỉ dùng khi bị nhiễm trùng. Ví dụ như bị viêm xoang, viêm phổi, viêm phế quản do vi trùng, nhiễm trùng đường tiểu, nhiễm trùng phụ khoa, nhiễm trùng đường ruột, viêm màng não do vi trùng,…Trong các trường hợp này, bác sĩ sẽ là người chẩn đoán bệnh và kê đơn điều trị cho bệnh nhân. Trường hợp chúng ta mới bị cảm cúm một vài ngày, ớn lạnh, nhức đầu, mệt mỏi,… thường do siêu vi gây ra nên chưa cần dùng kháng sinh.

Dùng kháng sinh không đúng sẽ dẫn đến kháng thuốc. Vi khuẩn gây bệnh sẽ đề kháng với nhiều loại kháng sinh. Đến một lúc nào đó, chúng ta bị bệnh do loại vi khuẩn đó gây ra thì trị loại kháng sinh nào cũng không hết hoặc phải dùng phối hợp nhiều loại kháng sinh, tăng chi phí mà chưa chắc diệt được vi khuẩn và khỏi bệnh.

Vào trung tuần tháng 11-2015, cùng với cả nước, tỉnh Long An tổ chức mít-tinh “Hưởng ứng tuần lễ truyền thông phòng, chống kháng thuốc năm 2015” với chủ đề “Không hành động hôm nay ngày mai không thuốc chữa”. Sự kiện này có ý nghĩa rất lớn trong việc nâng cao nhận thức thực hiện các biện pháp phòng, chống kháng thuốc trong cộng đồng, trong lĩnh vực y tế, quản lý thức ăn chăn nuôi và chất lượng thuốc lưu thông trên thị trường. Mục tiêu quan trọng chính là tuyên truyền, vận động lấy một triệu chữ ký cam kết sử dụng kháng sinh có trách nhiệm. Từ đó, có thể thấy, việc phòng, chống kháng thuốc là việc làm vô cùng quan trọng và cấp bách.

Tiến sĩ Võ Thị Dễ khuyến cáo, mỗi người dân cần lưu ý dùng kháng sinh phải theo đúng toa bác sĩ, đúng so ngày, đúng cử, đúng liệu trình và liều lượng thì bệnh mới nhanh khỏi. Các nhà thuốc tây phải bán thuốc theo toa của bác sĩ đối với các thuốc bắt buộc bán theo toa - trong đó có kháng sinh, góp phần phòng, chống kháng thuốc, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

7 nguyên nhân gây kháng thuốc

- Sử dụng thuốc kháng khuẩn không thích hợp. 
- Sử dụng thuốc kháng khuẩn trong chăn nuôi chưa được kiểm soát hợp lý.
- Do nhận thức của cộng đồng, cán bộ y tế về kháng thuốc còn hạn chế.
- Do các quy định chuyên môn về khám, chữa bệnh chưa được cập nhật thường xuyên, liên tục.
- Việc phòng và kiểm soát các bệnh truyền nhiễm chưa hiệu quả.
- Do công tác kiểm nghiệm, kiểm tra chất lượng thuốc còn hạn chế.
- Do hệ thống giám sát về kháng thuốc vẫn chưa được thiết lập.

 

Không nên sử dụng thường xuyên kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi

Theo Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh-Phan Ngọc Châu, trong chăn nuôi, kháng sinh được sử dụng chủ yếu để điều trị, phòng bệnh trên gia súc, gia cầm. Thế nhưng, việc lạm dụng kháng sinh hoặc sử dụng những kháng sinh bị cấm,... gây tồn dư kháng sinh trên sản phẩm động vật, gián tiếp gây hại đến sức khỏe con người. Khi ăn sản phẩm động vật có kháng sinh tồn dư, người tiêu dùng có thể bị dị ứng, rối loạn các chức năng sống của cơ thể và còn có thể gây ung thư.

Vì thế, ngành Thú y khuyến cáo người chăn nuôi không nên sử dụng thường xuyên kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi, chỉ nên sử dụng kháng sinh cho gia súc, gia cầm theo hướng dẫn của cán bộ thú y. Phải ngưng dùng kháng sinh trước khi giết thịt theo đúng quy định, đồng thời thực hiện các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi nhằm đem lại sức khỏe tốt cho vật nuôi và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Ngọc Mận-Đức Tâm

Chia sẻ bài viết