Tiếng Việt | English

26/04/2021 - 09:12

Cần xử lý nghiêm hành vi đi ngược chiều khi tham gia giao thông

Những ai từng điều khiển xe môtô trên Quốc lộ (QL) 1, hoặc những đoạn đường đông đúc gần trường học, khu công nghiệp thì không khó để bắt gặp cảnh người lái xe môtô thản nhiên đi ngược chiều. Trong số này, có không ít thanh niên tỏ ra thách thức, bất cần, đi ngược chiều nhưng vẫn chạy xe với tốc độ cao, không bật đèn xi nhan và thậm chí không thèm nhìn phương tiện đi đối diện.

Tại nạn giao thông do không đi đúng phần đường, làn đường

Tại nạn giao thông do không đi đúng phần đường, làn đường

Vì sao đi ngược chiều?

Anh Nguyễn H., ngụ phường 5, TP.Tân An, tỉnh Long An chia sẻ: “Tôi cũng biết đi ngược chiều là nguy hiểm và vi phạm quy định về trật tự, an toàn giao thông (TTATGT). Tuy nhiên, nếu chấp hành đúng quy định thì phải đi một đoạn khá xa nên nhiều lúc tôi cũng phạm luật”.

Theo quan sát của phóng viên, đoạn QL1 giáp ranh phường 5, TP.Tân An và xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa (Km1944-1945) có rất nhiều người điều khiển phương tiện đi ngược chiều ra quãng hở Km1945 (gần cây xăng ngã ba Thủ Thừa) để băng qua đường.

Tại Km1936 - QL1, ấp 3, xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, quãng hở phía đối diện Trường Tiểu học Thạnh Đức, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức cũng thường xuyên bắt gặp cảnh người điều khiển xe môtô đi ngược chiều băng qua lộ hoặc từ phía xã Nhựt Chánh băng qua quãng hở để qua xã Thạnh Đức.

Tại ngã ba QL1 - Nguyễn Văn Tuôi, thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, vào giờ cao điểm, hàng trăm xe môtô của công nhân, người lao động khi tan ca thản nhiên đi ngược chiều để băng qua QL1 ra chợ Bến Lức hoặc Co.opMart Bến Lức. Khu vực này, thường xuyên có xe tuần tra của cảnh sát giao thông đứng chặn để ngăn ngừa tình trạng đi ngược chiều và giao thông hỗn loạn vào giờ cao điểm. Tuy nhiên, tình trạng đi ngược chiều vẫn diễn ra khi không có cảnh sát giao thông.

Chị N. (công nhân một doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Thuận Đạo) chia sẻ: “Do nhà tôi ở bên xã Thạnh Đức, đi vòng ra QL1 theo đường Nguyễn Trung Trực khá xa nên tôi thường đi đường Nguyễn Văn Tuôi rồi đi ngược QL1 băng qua quãng hở (Co.opMart Bến Lức) để về nhà; đồng thời, khi đi qua đây cũng tiện ghé chợ hay siêu thị để mua đồ ăn về nhà nấu cơm tối”.

Tại khu vực ngã ba Gò Đen - QL1, giáp ranh xã Long Hiệp và Phước Lợi, huyện Bến Lức, tình trạng đi ngược chiều diễn biến hết sức phức tạp. Khu vực này cũng thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông. Tuy nhiên, bức xúc nhất vẫn là tình trạng nhiều thanh niên điều khiển xe môtô với tốc độ khá cao, đi ngược chiều nhưng không bật đèn xi nhan. Đây là nguyên nhân chính của nhiều vụ tai nạn giao thông.

Cần cẩn trọng khi cho mở đường đấu nối

Qua những vụ việc trên có thể thấy, nguyên nhân trực tiếp khiến nhiều người bất chấp vẫn đi ngược chiều dù biết rằng có thể nguy hiểm đến tính mạng và có thể bị xử phạt khá nặng, đó là vì đi ngược chiều sẽ rút ngắn được quãng đường mà người đi đường nhắm đến. Chính vì vậy, tại một số điểm đấu nối từ tuyến đường nhánh vào QL và đường tỉnh lại bố trí khá xa những quãng hở trên dải phân cách.

Chẳng hạn như tại điểm đấu nối QL1 (đoạn giữa Km1944-1945) hướng Tân An - TP.HCM, tuyến đường giao thông nông thôn thuộc xã Bình Thạnh khi đấu nối với QL1 nằm rất gần quãng hở cây xăng ngã ba Thủ Thừa và khá xa quãng hở Trung tâm Đào tạo lái xe, vì vậy, người đi xe môtô khi từ đường giao thông nông thôn băng ra QL1 không vòng lên quãng hở Trung tâm Đào tạo lái xe (thuận chiều) mà lại đi ngược chiều để băng qua quãng hở phía cây xăng ngã ba Thủ Thừa.

Như vậy, trước khi mở hồ sơ xin phép đấu nối từ đường nhánh vào các tuyến đường chính (QL và ĐT) thì cơ quan chuyên môn và chính quyền cấp cơ sở cần điều tra nhu cầu đi lại thực tế của người dân để tìm điểm mở đấu nối phù hợp. Từ đó, hạn chế tình trạng người tham gia giao thông điều khiển phương tiện cố tình đi ngược chiều, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông và ý thức chấp hành pháp luật về giao thông ngày càng xói mòn.

Đi ngược đường khu vực ngã ba Nguyễn Văn Tuôi - Quốc lộ 1, thị trấn Bến Lức

Anh P., một cựu chiến binh, cho biết: “Ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của một bộ phận thanh, thiếu niên ngày càng đi xuống. Trong đó, vai trò của người lớn là hết sức quan trọng, cha mẹ phải làm gương thì mới giáo dục được con trẻ và các thế hệ sau noi theo. Nếu người cha chở con đi học mà vô tư đi ngược chiều thì cháu bé lớn lên sẽ nhận thức như thế nào về giao thông khi trưởng thành?”./.

Theo quy định của Nghị định 100/2019/NĐ-CP, (điểm g, khoản 3, Điều 6), nếu người điều khiển phương tiện xe môtô, xe gắn máy, xe máy điện mà đi không đúng phần đường, làn đường theo quy định (làn cùng chiều hoặc làn ngược chiều) thì có thể bị xử phạt từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng.

Nếu đi vào đường ngược chiều của đường một chiều hoặc đi ngược chiều khi đã có biển báo “cấm đi ngược chiều” thì có thể bị xử phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng (khoản 5, Điều 6). Đồng thời, có thể bị tước giấy phép lái xe từ 1-3 tháng (điểm b, khoản 10, Điều 6).

Nếu gây tai nạn giao thông sẽ bị phạt từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng (điểm b, khoản 7, Điều 6). Đồng thời, tước giấy phép lái xe từ 2-4 tháng (khoản c, điểm 10, Điều 6). Trường hợp tái phạm sẽ bị xử phạt nặng hơn.

Đại Lâm

Chia sẻ bài viết