Tiếng Việt | English

16/02/2017 - 09:12

Cảnh giác với thực phẩm chức năng - Bài 1: Nhập nhằng thị trường thuốc và thực phẩm chức năng

Thị trường thuốc và thực phẩm chức năng (TPCN) trong cả nước nói chung và tại Long An nói riêng tồn tại nhiều bất cập. Công tác quản lý việc sản xuất, phân phối, kinh doanh cũng như quảng bá sản phẩm
khá lỏng lẻo dẫn đến thị trường thuốc và TPCN còn tình trạng tự phát, tràn lan và thiếu minh bạch.


Thực phẩm chức năng và thuốc điều trị bệnh cần được sắp xếp riêng biệt, không được để lẫn lộn

Khó khăn trong phân biệt

Theo định nghĩa của Bộ Y tế: “TPCN là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của các bộ phận trong cơ thể người, có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ gây bệnh...”.

Thế nhưng, thị trường TPCN những năm gần đây có vô số sản phẩm đã và đang được lưu hành theo nhiều kênh phân phối. TPCN không chỉ được kinh doanh tại các nhà thuốc mà còn đến tay người tiêu dùng thông qua mạng lưới bán hàng đa cấp, hàng xách tay, bán hàng qua các trang mạng xã hội: Facebook, Zalo, các website thương mại điện tử,...

Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều cửa hàng dược phẩm trên địa bàn vẫn còn tình trạng sắp xếp lẫn lộn thuốc và TPCN. Từ đó, người tiêu dùng khó phân biệt đâu là thuốc, đâu là TPCN nếu thiếu kiến thức về các mặt hàng này, nhất là tại khu vực nông thôn.

Bà L.T.H.P, 46 tuổi, ngụ xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa chia sẻ: “Mặt tôi bị nám từ lâu nhưng không hết. Khi đến tiệm thuốc Tây, nhân viên tại đây “gợi ý” cho tôi mua sản phẩm trị nám hiệu B.S giá tới hơn 600.000 đồng/hộp, ngoài ra còn dùng kèm thêm kem bôi mới đạt hiệu quả tối đa. Nhà làm nông, thu nhập chẳng bao nhiêu nhưng tôi cũng “bấm bụng” mua. Sử dụng liên tục 2 hộp vẫn không thấy công dụng, tôi đành bỏ ngang vì không đủ tiền để tiếp tục điều trị. Sau này mới được nghe người quen nói rằng, đây không phải là thuốc mà là TPCN, chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị”.


TPCN và thuốc điều trị bệnh cần được sắp xếp riêng biệt, không được để lẫn lộn

Không chỉ ở nông thôn mà ngay tại thành thị, người dân thường xuyên tiếp cận với các phương tiên thông tin đại chúng vẫn lầm tưởng về công dụng của TPCN.

Chị T.T.L, ngụ phường 7, TP.Tân An chia sẻ: “Chồng tôi bị viêm gan lại hay uống rượu, sau khi xem quảng cáo về công dụng của sản phẩm H. trên tivi, nghe quảng cáo rằng có khả năng chống độc, bảo vệ gan khi sử dụng rượu bia, thực phẩm không bảo đảm, vi-rút viêm gan,... nên tôi mua về cho chồng dùng thử với giá trên 200.000 đồng/hộp. Hình dáng sản phẩm tương tự như viên thuốc trị bệnh nên tôi cứ nghĩ sản phẩm còn tốt hơn cả thuốc kê toa thông thường. Dùng hơn nửa năm, tình trạng sức khỏe vẫn không cải thiện. Một lần tình cờ nghe kỹ lại đoạn mở đầu quảng cáo chớp nhoáng: “Đây là TPCN, không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”, tôi cảm thấy thất vọng khi tốn nhiều thời gian và tiền bạc vì đặt lòng tin quá nhiều vào sản phẩm thay vì đến bác sĩ để điều trị dứt điểm”.

Quảng cáo rầm rộ

Sử dụng TPCN để chăm sóc sức khỏe trở thành xu hướng tiêu dùng phổ biến hiện nay của khá nhiều người. Trên địa bàn tỉnh có rất nhiều TPCN được kinh doanh với nhiều hình thức. Tuy nhiên, không phải sản phẩm nào cũng bảo đảm chất lượng như lời quảng cáo. Tình trạng quảng cáo TPCN để làm đẹp từ bên trong, giảm cân, bồi bổ sức khỏe đối với người mắc bệnh hiểm nghèo, điều hòa nội tiết,... trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, thông qua trình dược viên, dược sĩ tại các nhà thuốc, người kinh doanh TPCN tự do (bán hàng đa cấp) theo kiểu “thổi phồng” công dụng cũng thường xuyên xảy ra và giá sản phẩm thì “vô định”.

Thực tế, TPCN khi đến tay người tiêu dùng thì giá cả có khoảng cách khá xa với giá trị thực của sản phẩm. Nhiều người tiêu dùng không phải giàu có nhưng vì “có bệnh phải vái tứ phương”. Đặc biệt, với người bệnh nan y thì không tiếc tiền mua vì tin vào lời giới thiệu “có cánh” của người bán. Trong khi người bán thì đánh vào tâm lý người tiêu dùng và giải thích là do phải chịu thuế cao hoặc sản phẩm được bào chế từ các nguyên liệu quý hiếm nên “tiền nào của nấy”. Nhưng thực chất, TPCN khi đến tay người tiêu dùng qua nhiều tầng nấc trung gian nên bị “đẩy” giá lên, khiến người sử dụng bị thiệt hại về tài chính mà công dụng không như mong muốn.


Hình ảnh quảng cáo về TPCN bảo vệ gan trên phương tiện thông tin đại chúng. Ảnh minh họa

Điển hình như chị P.T.T.L, ngụ xã Mỹ An, huyện Thủ Thừa, thông qua giới thiệu của một người quen, chị đến một cửa hàng bán thuốc Đông y để mua đông trùng hạ thảo cho con của mình dùng, vì nghe nói có tác dụng hỗ trợ rất tốt cho người bệnh ung thư. Dù gia đình rất khó khăn nhưng vì muốn con giảm bớt bệnh tật, chị không tiếc tiền mua sản phẩm được cho là “thần dược”. Tuy nhiên, sau 1 tháng sử dụng mà sức khỏe không tiến triển, không giống với những lời quảng cáo phóng đại như “sau một thời gian sử dụng thì da dẻ hồng hào, đầu óc minh mẫn, bệnh ung thư cũng được thuyên giảm...”.

Đây chỉ là một trong vô số trường hợp “nhầm lẫn” và đặt lòng tin quá nhiều vào TPCN. Thiết nghĩ, để giải quyết sự nhập nhằng giữa thuốc và TPCN, bên cạnh việc siết chặt quản lý của các cơ quan chức năng, rất cần tiêu chí minh bạch từ thông tin sản phẩm, nguyên liệu đến quy trình sản xuất cũng như giá trị thực của sản phẩm. Có như vậy, người tiêu dùng sẽ không còn phải bỏ ra chi phí quá cao cho sức khỏe của bản thân và gia đình./.

(còn tiếp)
An Hòa - Phúc Khang

Bài 2: Đừng để "Tiền mất, tật mang"

Chia sẻ bài viết