Tiếng Việt | English

12/07/2015 - 21:07

Cảnh sát đi xe đạp

Cả tháng qua cư dân TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) không chỉ bắt gặp một cảnh sát khu vực đi xe đạp mà có hơn 50 người cứ sáng sáng đạp xe ra dân theo dõi tình hình an ninh trật tự.

 

Các cảnh sát khu vực ở Cao Lãnh đi xe đạp xuống cơ sở - Ảnh: Ngọc Tài

Đó cũng là chủ trương mới của Công an TP Cao Lãnh nhằm “hồi sinh” hình ảnh người cảnh sát khu vực vừa gần gũi vừa thân thương của nhiều năm trước đây.

“Ô kìa, cảnh sát... đi xe đạp”

Sáng thứ hai, Công an phường 4 bắt đầu ngày làm việc bằng cuộc họp giao ban ngày. Vừa gấp lại cuốn sổ họp, sáu chiến sĩ cảnh sát khu vực đi một mạch xuống nhà kho dẫn ra sáu chiếc xe đạp rồi leo lên hì hục đạp, tỏa đi khắp các con đường của phường.

Đại úy Nguyễn Tấn Hùng - cảnh sát khu vực khóm 4, phường 4 - chọn rạch Ba Khía để bắt đầu chuyến thị sát. Vừa đạp xe, ông Hùng vừa nói: “Rạch Ba Khía là địa bàn phức tạp nhất của phường. Thanh thiếu niên lêu lổng hay tụ tập quậy phá, đánh nhau nên mình phải tới lui thường xuyên để nắm địa bàn”.

Len lỏi qua những con đường đá sỏi mấp mô và chiếc cầu ván lắt lẻo bắc qua con rạch, đại úy Hùng trở thành tâm điểm chọc ghẹo của mấy đứa nhỏ: “Ô kìa, cảnh sát đi xe đạp”.

Ông Hùng chỉ nhoẻn miệng cười rồi tiếp tục đi về cuối con đường. “Không chỉ mấy đứa nhỏ đâu, nhiều người quen cũng hay trêu chúng tôi bộ hết tiền đổ xăng hay sao mà đi xe đạp” - ông Hùng kể.

Vòng lại đường Cao Văn Lầu, chiếc xe đạp của ông Hùng bất ngờ bị một phụ nữ níu lại để... hỏi thăm hồ sơ đăng ký tạm trú gửi hôm trước.

“Cảnh sát đi xe đạp vừa gần gũi mà người dân cũng nhờ dữ lắm. Có cần thì ngoắt lại hỏi thăm chứ chạy xe máy vèo một cái là mất tiêu thì làm sao hỏi han, phản ảnh gì được” - bà Lê Thị Tuyết cười lý giải hành động đường đột của mình.

Cố gắng gần dân

Ý tưởng sử dụng xe đạp đi cơ sở xuất phát từ đại tá Trần Văn Đoàn, Trưởng Công an TP Cao Lãnh. Ông Đoàn đã công tác trong ngành công an hơn nửa đời người. Trong chừng ấy năm, ông vẫn nhớ và ấn tượng mãi với hình ảnh người cảnh sát khu vực thời kỳ thập niên 1980.

“Cảnh sát khu vực lúc ấy đi bộ rồi chuyển sang đi xe đạp. Giữa người dân và cảnh sát gần như không có bất kỳ khoảng cách nào. Vừa đi nắm tình hình vừa chào hỏi người dân để tạo mối thân tình và gắn kết. Có như vậy dân mới tin” - ông Đoàn nói.

Mặc dù được nhiều người đồng tình ủng hộ nhưng vẫn có những ý kiến trái chiều. Có người chất vấn rằng cảnh sát khu vực tình tang trên chiếc xe đạp mà gặp cướp thì làm sao đuổi theo chúng?

“Họ nghĩ vậy cũng không có gì sai. Nếu gặp trường hợp như vậy thì cảnh sát khu vực phải trấn áp ngay, còn như đối tượng bỏ chạy thì cảnh sát có thể sử dụng phương tiện của người dân để hỗ trợ hoặc thông báo qua bộ đàm để cảnh sát hình sự phối hợp truy bắt. Anh em đã quyết hồi sinh hình ảnh người cảnh sát khu vực thập niên 1980 thì khó khăn nào cũng ráng vượt qua” - ông Đoàn nói.

Hiện kế hoạch đi xe đạp của cảnh sát khu vực được triển khai lần lượt tại các phường. Tám phường nội ô TP Cao Lãnh đã có xe đạp cung cấp cho cảnh sát khu vực. Thành viên mới nhất của đội xe đạp cảnh sát khu vực là Công an phường 1. Dù “sinh sau đẻ muộn” nhưng họ may mắn hơn là được cấp xe đạp mới.

Trung tá Tạ Phương Kiều, Trưởng Công an phường 1, chia sẻ: “Bản thân tôi là nữ nhưng khi nào có việc đến dân tôi cũng đi xe đạp như các anh em.

Ngày đầu đi xe đạp cũng oải chân lắm nhưng tôi động viên anh em cố gắng tạo thành thói quen. Hơn nữa đi xe đạp vừa tốt cho sức khỏe vừa thân thiện với môi trường lại không sợ xăng tăng giá!”./.

NGỌC TÀI/Theo Tuổi trẻ online

Chia sẻ bài viết