Tiếng Việt | English

25/12/2015 - 17:59

Cầu nối đoàn kết lương-giáo

“Anh ấy vui tính, nhiệt tình và rất uy tín. Không phân biệt lương-giáo, việc gì mang lại lợi ích, chia sẻ khó khăn với người nghèo, anh đều tích cực tham gia”. Đó là lời nhận xét của Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Long Hựu Tây, huyện Cần Đước, tỉnh Long An – Trần Văn Cường khi nói về Phó Chủ tịch Hội đồng Mục vụ Giáo xứ Mỹ Điền – Phạm Văn Nhung, 58 tuổi.

 

Ông Phạm Văn Nhung (người đứng giữa) vận động các giáo dân sống tốt đời đẹp đạo, tham gia các phong trào ở địa phương

Ngôi nhà nhỏ bên đường đê Mỹ Điền của ông Nhung thường then cài cửa đóng, bởi hiếm khi ông ở nhà, mà ban ngày, ông thường đi làm công tác xã hội, có khi làm thợ hồ để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. 

Những việc giáo xứ Mỹ Điền làm, trong đó, có sự đóng góp của ông Nhung đều hướng đến người nghèo, quan tâm người đau bệnh và người già neo đơn.

Mới đây, căn nhà của bà Nguyễn Thị Nguy, ở ấp Mỹ Điền đổ sập vì mưa gió, ông Nhung cùng các thành viên trong Hội đồng Giáo xứ Mỹ Điền vận động đồng bào giáo dân đóng góp hỗ trợ bà Nguy xây lại căn nhà mới. Số tiền 20 triệu đồng vận động được tuy không đủ cho một mái nhà khang trang nhưng đó là tình làng nghĩa xóm giúp nhau trong lúc khó khăn, hoạn nạn.

Năm 2015, ông cùng các thành viên trong giáo xứ vận động tặng 80 phần quà cho người nghèo ở địa phương, mỗi phần trị giá 300.000 đồng. Tết Trung thu, các cháu thiếu nhi được giáo xứ Mỹ Điền tặng quà với kinh phí vận động gần 20 triệu đồng; năm học mới 2015-2016, ông Nhung tham gia vận động kinh phí để mua sách, vở tặng học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Đặc biệt, hơn 10 năm nay, Giáo xứ Mỹ Điền vẫn duy trì thực hiện chương trình hỗ trợ học bổng từ cấp tiểu học đến THPT cho 22 học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ông Nhung cho biết: “Chương trình này trích một phần từ kinh phí của Giáo xứ và vận động thêm từ các hội, các tổ chức, nhà hảo tâm. Hằng năm, cấp 3-4 lần cho các em, mỗi đợt cấp 1 triệu đồng. Từ nguồn hỗ trợ này, các em được học hành đến nơi đến chốn, có em đã vào đại học”.

Tuy nhiên, ông Nhung cũng gặp lắm khó khăn khi vận động. Ông phải đi bộ đến từng nhà, gõ cửa từng đồng bào giáo dân để tuyên truyền, vận động mọi người sống tốt đời đẹp đạo, tích cực tham gia các phong trào ở địa phương. Khó khăn nào cũng qua, chỉ cần làm được một việc tốt cho đời, ông lại thấy vui. Từ những việc đã làm, ông Nhung chính là “cầu nối” để tình đoàn kết lương-giáo ngày càng thắt chặt hơn./.

Thùy Hương

Chia sẻ bài viết