Tiếng Việt | English

31/07/2020 - 10:42

Chăm lo đời sống nữ công nhân

Làm theo lời Bác dạy, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPNVN) huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An chủ động triển khai nhiều hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, thiết thực cho phụ nữ (PN), nhất là nữ công nhân (CN), lao động làm việc trong các khu, cụm công nghiệp.

Câu lạc bộ (CLB) Ba giúp nữ CN nhà trọ là một trong những mô hình tiêu biểu được Hội LHPNVN huyện triển khai, thực hiện mang lại hiệu quả. CLB được thành lập với 3 mục đích chính: Giúp nữ CN nhà trọ nâng cao kiến thức, giúp về chỗ ở cũng như giúp tập thói quen tiết kiệm chi tiêu hàng ngày. 3 năm qua, Hội đã phối hợp ngành Công an tập trung tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho chị em về Luật Hôn nhân Gia đình; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Cư trú,… thông qua các hình thức như biên soạn tài liệu dán tại các khu nhà trọ, sinh hoạt CLB, phát tờ rơi, thi hái hoa dân chủ,…

Tham gia câu lạc bộ, nhiều nữ công nhân có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ

Về chỗ ở, Hội vận động sự đồng thuận của 3 chủ nhà trọ không tăng giá trong thời gian từ 1-2 năm trở lên (giảm hoặc không tính tiền nhà trọ do điều kiện khách quan như mất việc chờ tìm việc mới, thiên tai, dịch bệnh). Chủ nhiệm CLB Ba giúp nữ CN nhà trọ - Đặng Thị Chính chia sẻ, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên chị em CN gặp nhiều khó khăn. Ngày trước, họ đi làm 6 ngày/tuần nhưng hiện tại, công ty cắt giảm thêm 2 ngày công vào thứ sáu và thứ bảy, vì vậy, thu nhập của CN bấp bênh. Trước tình hình này, các thành viên trong CLB hiểu được những nhọc nhằn của nữ CN nên tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, động viên cũng như hỗ trợ nhu yếu phẩm, giúp họ phần nào vơi bớt khó khăn.

“Tham gia CLB, chúng tôi được sinh hoạt 3 tháng 1 lần. Tại đây, chị em PN được trao đổi cũng như được bổ sung thêm kiến thức về những quy định của pháp luật, quan tâm hỗ trợ nhiều mặt trong cuộc sống” - chị Nguyễn Thị Thúy Hằng - CN sinh hoạt trong CLB, thổ lộ.

Được biết, hiện nay, mô hình CLB Ba giúp nữ CN nhà trọ được triển khai đến hầu hết các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Trong đó, thị trấn Cần Giuộc được chọn làm điểm, xã Long Hậu làm diện (đây là những địa bàn có trên 100 khu nhà trọ) với hơn 80 thành viên. Mô hình này góp phần làm tốt công tác nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của CN, tập hợp CN tham gia sinh hoạt và giúp họ có kiến thức và kỹ năng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong CN, lao động; đồng thời, tạo được sự đồng thuận hưởng ứng của chị em CN; bảo đảm an ninh, trật tự, không bạo lực gia đình; ý thức của CN về phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội nâng lên.

Chủ tịch Hội LHPNVN huyện Cần Giuộc - Huỳnh Thị Tuyết Hồng cho biết, quá trình tổ chức, thực hiện có sự phối hợp của Hội với công an, chính quyền địa phương, các cấp Hội cơ sở đến khu phố, ấp, tổ dân cư. Từ đó, kịp thời động viên, khen thưởng tập thể, cá nhân có đóng góp tích cực vào phong trào. Hiện tại, CLB cố gắng tập trung hỗ trợ các thành viên khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 ổn định cuộc sống.

Huyện Cần Giuộc với địa bàn tiếp giáp TP.HCM, có nhiều khu, cụm công nghiệp thu hút nhiều CN, nhất là CN từ địa phương khác đến. Điều này cũng đặt ra nhiều vấn đề về an sinh xã hội, an ninh, trật tự,… Có thể nói, CLB Ba giúp nữ CN nhà trọ ra đời kịp thời cải thiện phần nào đời sống cho các chị em cũng như góp phần bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn./.

Qua 3 năm hoạt động, mô hình CLB Ba giúp nữ CN nhà trọ đã hỗ trợ tích cực cùng chính quyền quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, góp phần giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Thông qua hoạt động, CLB đã nâng cao vai trò, trách nhiệm của chị em nữ CN nói chung, các nữ chủ nhà trọ nói riêng trong việc giữ gìn an ninh, trật tự ở địa phương cũng như tạo sự gắn kết trong cộng đồng dân cư giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

Trần Thoa

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích