Tiếng Việt | English

12/05/2017 - 10:44

Chăm lo việc làm, đời sống hội viên

Hiệu quả từ các mô hình của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPNVN) xã Hòa Khánh Đông, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An trong thời gian qua góp phần cùng chính quyền địa phương mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho hội viên, PN trong xã.

Từ những tổ góp vốn xoay vòng

Cách đây 3 năm, khi con còn nhỏ, chị Trần Thị Hồng Thắm, ngụ ấp Giồng Ngang, phải ở nhà chăm sóc con. Không đi làm nên hàng tháng, chị Thắm tiết kiệm 100.000 đồng từ chi phí sinh hoạt gia đình, tham gia góp vốn xoay vòng tại Chi hội PN ấp Giồng Ngang. Đến đầu năm 2016, chị được các chị trong chi hội xét cho vay lãi suất thấp với số tiền 25 triệu đồng để mua bò sinh sản.

Nhờ số tiền góp vốn xoay vòng, một số chị em PN Hòa Khánh Đông có thêm thu nhập Chị chia sẻ: “Nhờ có số tiền dành dụm được khi tham gia tổ góp vốn xoay vòng, tôi nuôi bò sinh sản. Hy vọng khi bò mẹ đẻ bò con, gia đình sẽ có thêm chút vốn. Hiện tại, tôi nhờ mẹ trông con nhỏ, còn mình đi làm công nhân kiếm thêm thu nhập”.

Chi hội PN ấp Giồng Ngang là chi hội quản lý tốt nhất nguồn vốn từ số tiền đóng góp của hội viên, PN trong ấp. Mô hình được thành lập từ năm 2006, với số vốn góp ban đầu 30.000 đồng/người/tháng. Sau đó, chi hội nhận được yêu cầu của chị em tăng lên 100.000 đồng/người/tháng.

Hiện tại, chi hội không chỉ có số tổ góp vốn nhiều mà số tiền cũng cao hơn so với các ấp khác (61 triệu đồng). Mỗi một đợt xoay vòng, chi hội xem xét tùy theo điều kiện và nhu cầu sẽ ưu tiên cho thành viên nào được vay trước. Số tiền này giúp các chị có vốn để chăn nuôi, mua sắm hoặc đóng học phí cho con,...

Đến nay, toàn xã Hòa Khánh Đông có 80 tổ góp vốn xoay vòng, hơn 1.000 thành viên với số tiền lên đến trên 500 triệu đồng. Mặc dù, số tiền các chị đóng góp mỗi tháng không nhiều nhưng từ nguồn vốn huy động của tổ góp vốn xoay vòng, góp phần khắc phục khó khăn, thiếu vốn của hội viên, PN, tạo điều kiện cho hội viên, PN trong xã phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Đến may gia công

Từng có thời gian làm công nhân rồi quản lý tại một công ty, nhưng vì gia cảnh nên chị Nguyễn Thị Cẩm Nhung nghỉ làm. Năm 2016, chị Nhung thành lập tổ may gia công, chuyên may các loại balô, túi xách,... tại xã Hòa Khánh Đông. Lúc đầu, tổ có 10 máy may với 10 công nhân; đến nay tăng lên 20 máy, giải quyết việc làm cho hơn 20 nữ lao động. Trung bình mỗi tháng, chị cho ra thị trường 4.000-4.500 sản phẩm với doanh thu gần 100 triệu đồng.

Tổ may gia công của chị Nguyễn Thị Cẩm Nhung

Chị Nhung nói: “Lúc trước, khi còn làm trong Công ty TNHH Haiyang Vina tại xã Hòa Khánh Nam, thu nhập của tôi cũng khá. Tuy nhiên, tôi luôn ấp ủ ước mơ được làm chủ công việc và tạo việc làm cho PN nông thôn. Vì vậy, tôi tích góp tiền sau mấy năm làm việc, thành lập tổ may gia công. Với những người chưa biết may máy công nghiệp, lúc đầu, tôi sẽ đào tạo. Nhờ những mối quan hệ lúc trước, tôi ký hợp đồng với khách hàng. Từ đó đến nay, công việc thuận lợi, người lao động có việc làm thường xuyên. Tôi dự tính mua thêm một số máy may nữa để mở rộng cơ sở”.

Chị Phạm Như Ý, ngụ xã Hòa Khánh Nam, một trong những công nhân tại tổ may gia công của chị Nhung, cho biết, chị làm việc tại đây được gần 1 năm. Lúc đầu, chị được chị Nhung hướng dẫn cách sử dụng máy may công nghiệp và sau 1 tuần, chị thành thạo. Hiện nay, chị Như Ý là một trong những người may giỏi với thu nhập hàng tháng gần 5 triệu đồng.

Chủ tịch Hội LHPNVN xã Hòa Khánh Đông - Nguyễn Thị Thương cho biết, điểm nổi bật trong công tác hội và phong trào PN tại địa phương chính là những mô hình giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Có thu nhập, đời sống ổn định, các chị tích cực tham gia sinh hoạt hội dù là vào buổi tối hay các ngày nghỉ./.

Nguyệt Nhi

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích