Tiếng Việt | English

06/05/2020 - 10:45

Chăm sóc và bảo tồn di tích lịch sử - Trách nhiệm của thế hệ hôm nay

Chiến tranh đã qua đi nhưng những vết tích vẫn còn in hằn, ghi dấu sự hy sinh của bao lớp người. Nơi ấy giờ là những di tích lịch sử trang nghiêm vừa mang ý nghĩa tri ân những người ngã xuống vì hòa bình, độc lập, vừa như nhắc nhở trách nhiệm của thế hệ hôm nay - chăm sóc, bảo tồn di tích và phát huy giá trị lịch sử của dân tộc.

Khách tham quan tưởng niệm những chiến sĩ hy sinh tại Khu di tích lịch sử Cách mạng tỉnh
Khách tham quan tưởng niệm những chiến sĩ hy sinh tại Khu di tích lịch sử Cách mạng tỉnh

Hoàn chỉnh và làm đẹp di tích

Là nơi giao nhau giữa 2 con sông Vàm Cỏ Đông và Nhựt Tảo, Vàm Nhựt Tảo được biết đến với chiến công lừng lẫy của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực khi ông đốt cháy tàu L’ Espérance - tàu Hy Vọng của Pháp năm 1861. Chiến công “hỏa hồng Nhựt Tảo” minh chứng cho tinh thần dũng cảm, sự thông minh, mưu trí của nghĩa quân chỉ với vũ khí thô sơ mà đánh bại được tàu to, súng lớn của quân địch. Và năm 1996, Vàm Nhựt Tảo (xã Tân Bình, huyện Tân Trụ) được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng Di tích Quốc gia. Khu di tích (KDT) Vàm Nhựt Tảo được khánh thành năm 2010, diện tích 6,1ha, với các hạng mục chính: Nhà văn bia, đền tưởng niệm, nhà trưng bày, công viên cây xanh,…

Từ ấy đến nay, KDT Vàm Nhựt Tảo luôn được chăm sóc, bảo vệ. Cuối năm 2018, KDT được bổ sung hạng mục Kè bảo vệ ngay vị trí cặp bờ sông - nơi giao nhau giữa sông Vàm Cỏ Đông và Nhựt Tảo. Đây cũng là vị trí nhìn ra nơi Anh hùng Nguyễn Trung Trực đốt cháy tàu Pháp năm xưa. Kè bảo vệ có chiều dài 127m, với tổng kinh phí hơn 11 tỉ đồng, vừa được hoàn thành và dự kiến nghiệm thu, đưa vào sử dụng vào cuối tháng 4/2020.

Trưởng ban Quản lý KDT Vàm Nhựt Tảo - Đặng Thị Thảo Nguyên cho biết: “Kè bảo vệ tạo thêm một không gian mới cho di tích, giúp khách tham quan quan sát vị trí đốt tàu Pháp của Anh hùng Nguyễn Trung Trực thuận tiện hơn”.

Bên cạnh được bổ sung hạng mục, cán bộ quản lý, nhân viên KDT Vàm Nhựt Tảo xem đây là nhà, hết lòng chăm sóc, bảo vệ di tích. Bởi, đó không chỉ là nhiệm vụ mà còn là trách nhiệm của người trẻ. Đền tưởng niệm, nhà trưng bày, nhà văn bia,… thường xuyên được lau chùi, quét sạch sẽ. Từng chậu hoa, cây kiểng được chăm sóc, tưới nước mỗi ngày. Và, dù không có khách tham quan đến viếng, dân hương tại Đền tưởng niệm thì những nén nhang cũng được thắp mỗi ngày để ấm lòng người đã khuất.

Khu vực Nhà trưng bày tại Khu di tích lịch sử Cách mạng tỉnh

Khu vực Nhà trưng bày tại Khu di tích lịch sử Cách mạng tỉnh

Bảo vệ giá trị vùng bưng trấp

Là vùng đất nằm giữa 2 con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây, khu vực Bình Thành trũng thấp có nhiều bưng trấp xen lẫn những giồng đất cao tạo nên địa hình phức tạp. Nơi đây còn là điểm tiếp giáp giữa miền Đông và miền Tây, gần Sài Gòn và dựa lưng nước bạn Campuchia. Với những điều kiện địa hình và vị trí ấy, Bình Thành được Đảng ta xây dựng thành căn cứ bưng biền độc đáo trong 2 cuộc kháng khiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Chiến tranh đã đi qua, khu vực Bình Thành được bảo vệ và xây dựng KDT lịch sử Cách mạng tỉnh Long An (nay thuộc xã Bình Hòa Hưng, huyện Đức Huệ) với các hạng mục: Đền tưởng niệm, Nhà trưng bày, Khu vực Tỉnh ủy, Nhà chờ,… Nơi đây vẫn lưu giữ nhiều vết tích lịch sử với những hầm trú ẩn, vị trí của đìa chuối - nơi để xử tử hay những con rạch, kênh, mương, lối đi trong rừng của bộ đội ta,…

Khu vực Nhà trưng bày tại Khu di tích Vàm Nhựt Tảo

Khu vực Nhà trưng bày tại Khu di tích Vàm Nhựt Tảo

Để những giá trị lịch sử ấy còn mãi, cán bộ, nhân viên KDT lịch sử Cách mạng tỉnh ra sức bảo vệ, giữ gìn và góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, đặc biệt là học sinh đến tham quan. Ngoài việc chăm sóc, vệ sinh các khu vực Đền tưởng niệm, Nhà trưng bày, Khu vực Tỉnh ủy, khuôn viên cây xanh,… cán bộ, nhân viên KDT còn quan tâm bảo vệ rừng thuộc KDT. 

Anh Lê Văn An - chuyên viên tại KDT lịch sử Cách mạng tỉnh, chia sẻ: “KDT có diện tích thực hơn 104ha, trong đó rừng gần 40ha. Cán bộ, nhân viên KDT luôn ý thức rõ trong việc bảo vệ và bảo tồn hệ sinh thái rừng thuộc KDT, để rừng, chim, cá,… được phát triển tự nhiên. Theo đó, các anh em phân công đi tuần cả ngày và đêm, lúc đi bộ, lúc đi bằng xuồng. Nhờ rành địa hình và hiểu rõ quá trình sinh trưởng của cá, chim,… nên tùy mùa, chúng tôi tập trung tuần tra những khu vực phù hợp và kịp thời ngăn chặn người dân khai thác trộm tài nguyên của rừng”.

Nhờ được bảo vệ, chăm sóc, các di tích lịch sử lưu giữ được nhiều giá trị vốn có, góp phần giáo dục thế hệ trẻ và thêm tự hào về những chiến công của những bậc tiền nhân./.

Ngọc Thạch

Chia sẻ bài viết