Tiếng Việt | English

31/10/2017 - 13:49

Châu Thành đang tiến rất gần đến huyện nông thôn mới!

Xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) tiếp tục giữ vững và nâng chất các tiêu chí (TC) để đạt điểm tuyệt đối; xã chưa đạt đang nỗ lực từng ngày thực hiện các TC với yêu cầu cao nhất - Châu Thành đang tiến rất gần đến huyện NTM!

Nhịp sống một vùng quê

Những ngày này, nông dân huyện Châu Thành, tỉnh Long An đang rộn ràng với niềm vui giá thanh long (cây trồng chủ yếu tại huyện) đạt mức cao. Sự ấm no, trù phú hiển hiện ở mỗi người dân trong nếp sống, sinh hoạt. Dọc các tuyến đường bêtông ở nông thôn, hệ thống đèn đường được lắp đặt. Nhiều tuyến đường được trồng hoa, treo cờ. Camera an ninh “có mặt” tại những ngã ba, ngã tư trong xóm, ấp. Theo chân cán bộ xã, chúng tôi đến ấp Long Bình thăm gia đình ông Lê Đông Phương. Đoạn đường đi không quá dài nhưng có đến hơn 10 lần, anh cán bộ và người dân gật đầu, vẫy tay chào nhau trên đường. Có người còn dừng hẳn lại, bắt tay, hỏi đôi câu chuyện rồi mới tiếp tục hành trình. “Tình nghĩa nhà quê” ấm áp là vậy! Đến nhà ông Phương, nghe văng vẳng bên tai tiếng nhạc sống từ nhà hàng xóm, chúng tôi ngỡ có tiệc tùng gì nhưng hóa ra không phải, chỉ là người dân sinh hoạt văn nghệ cho vui! Cuộc sống thoải mái về kinh tế thì nhu cầu về giải trí, văn hóa cũng nâng lên.

Sau giờ làm đồng, bà Lê Thị Chín (xã Long Trì) chăm sóc cây cảnh, làm đẹp nhà cửaBà Lê Thị Chín - vợ ông Phương, cho biết, ông vừa đi dự tiệc ở nhà hàng xóm. Bà nói: “Ở đây, tiệc tùng gì, bà con lối xóm đều mời nhau qua lại. Mọi người có dịp tập hợp, uống ly rượu rồi trò chuyện, tình làng, nghĩa xóm gắn bó!”. Bà cho biết, ông Phương tham gia sinh hoạt Chi hội Nông dân ấp, lại là thành viên Đội Dân phòng ấp, thường xuyên tham gia tổ vận động ở địa phương nên với ông, đi “đám tiệc” là chuyện thường xuyên vì “người ta quý người ta mới mời”.

Vợ chồng ông Phương và bà Chín là gia đình văn hóa tiêu biểu ở địa phương. Ở độ tuổi xấp xỉ 60, ông bà vẫn cùng nhau chăm sóc thanh long như một cách rèn luyện sức khỏe. Con cháu đều có gia đình và cuộc sống ổn định nên niềm vui của ông bà bây giờ là làm vườn và tham gia công tác xã hội. Tâm nguyện vậy, nên khi địa phương có phong trào gì, vợ chồng ông bà đều tham gia rất nhiệt tình, còn vận động người dân xung quanh cùng tham gia. Bà nói: “Cuộc sống bây giờ thay đổi rất nhiều rồi! Có điện, nước và cả Internet để dùng. Đường bêtông, đèn đường tới tận nhà. Bởi vậy ở đây, hàng xóm thường nhắc nhở nhau chí thú làm ăn để có cuộc sống sung túc hơn”. Minh chứng cụ thể nhất cho lời nói của bà Chín là người con trai thứ 2 của ông bà, sau khi lập gia đình riêng, chí thú làm ăn, năng nổ tham gia công tác địa phương và vừa được xem xét kết nạp Đảng.

Phó Chủ tịch UBND xã Long Trì - Nguyễn Ngọc Qui nhận xét: “Từ khi xây dựng thành công xã NTM và xã văn hóa, Long Trì có nhiều thay đổi. Đời sống người dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm, bộ mặt nông thôn đổi mới. Người dân có ý thức hơn trong việc chỉnh trang nhà ở, giữ gìn vệ sinh, mỹ quan chung. Và đặc biệt, tình làng, nghĩa xóm rất gắn bó. Mọi người chung tay xây dựng quê hương”.

“Đường” lên huyện nông thôn mới không xa!

Ông Qui cũng khẳng định, nhờ sự đồng lòng của người dân mà xã xây dựng thành công xã văn hóa, NTM. Được biết, trước đây, Long Trì có nhiều “điểm đen” đá gà không giải quyết được. Nhưng khi xã quyết tâm tập hợp sức mạnh toàn dân để triệt phá thì tệ nạn này bị đẩy lùi. Tình trạng đá gà, tụ tập chạy xe nẹt pô vào giữa đêm được xử lý triệt để. Mặc dù, Long Trì được công nhận xã văn hóa, NTM từ năm 2015 nhưng hiện xã vẫn tiếp tục nâng chất các TC để đạt chuẩn bộ TC mới vừa được áp dụng. Đó cũng là quyết tâm chung của tất cả địa phương trong huyện chứ không riêng gì với Long Trì.

Những tuyến đường giao thông nông thôn được bêtông hóa, có đèn đường thắp sáng là hình ảnh quen thuộc với người dân Châu Thành hiện nay (Trong ảnh: Một tuyến đường ở xã Long Trì)

Tại xã Hòa Phú, một trong những xã đạt chuẩn NTM sớm nhất tỉnh, cán bộ và người dân vẫn tiếp tục nâng chất các công trình. Đường bêtông rộng 2m được nâng cấp lên 3m, hệ thống đài nước qua lắng lọc được xây mới tại tất cả các ấp nhằm giúp người dân có nước đạt QCVN 02:2009/BYT (chuẩn 02) sử dụng. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hòa Phú - Bùi Văn Hòn cho biết: “Mục tiêu của xã là XDNTM nhằm mang lại quyền lợi cho người dân về đời sống vật chất và tinh thần. Ngoài việc nâng cao chất lượng cuộc sống, xã hướng tới xây dựng tình làng, nghĩa xóm, bảo vệ môi trường và sản xuất nông nghiệp sạch”. Đó cũng là mục tiêu chung mà toàn huyện Châu Thành đang hướng tới trên đường xây dựng huyện NTM. Chủ tịch UBND huyện - Nguyễn Văn Thình cho biết, huyện quyết tâm thực hiện hoàn tất mục tiêu xây dựng thành công huyện NTM trong năm 2018. Để hoàn thành kế hoạch, huyện rà soát hiện trạng XDNTM tất cả các xã so với bộ TC mới để có biện pháp tiếp tục phấn đấu xây dựng.

Tính đến thời điểm này, Châu Thành còn 4 xã: An Lục Long, Vĩnh Công, Thanh Phú Long và Thanh Vĩnh Đông chưa được công nhận xã NTM và đều đang chạy “nước rút”. Tại xã Vĩnh Công, môi trường là TC khó vì ý thức người dân chưa cao trong việc giữ gìn vệ sinh chung. Gần trụ sở UBND xã, một bãi rác tự phát tồn tại suốt nhiều năm đang được dọn dẹp ráo riết. Một mặt tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức người dân, mặt khác, xã tổ chức xe lấy rác tại nhà, giảm đến mức thấp nhất việc đọng rác trong chợ hoặc nhà dân (vì nếu rác đọng, theo thói quen, người dân lại mang đến bãi rác tự phát đổ). Ngoài ra, các cán bộ, hội, đoàn thể xã thường xuyên tổ chức thu gom, dọn bãi rác và cắm bảng “cấm đổ rác” tại đó. Với những nỗ lực trên, tình trạng bãi rác tự phát được cải thiện nhưng bước chuyển biến chưa cao. Có lẽ, để đạt hiệu quả tuyệt đối, chính quyền và người dân Vĩnh Công phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa.

XDNTM - mục tiêu cuối cùng vẫn là giúp người dân có cuộc sống thoải mái, sung túc hơn, đồng thời gìn giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống của địa phương. Với mục tiêu, kết quả và những nỗ lực, hiện tại, Châu Thành đang bước rất gần đến huyện NTM trong năm 2018./.

Phương Phương

Chia sẻ bài viết