Tiếng Việt | English

19/09/2016 - 09:47

Châu Thành phát huy truyền thống

Thời gian qua, huyện Châu Thành, tỉnh Long An luôn quan tâm đầu tư, cải tạo và bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.


Trung tâm Văn hóa-Thể thao và Học tập cộng đồng xã An Lục Long

Theo bà Nguyễn Thị Yến - phụ trách Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Châu Thành, trên địa bàn huyện có các di tích lịch sử cấp quốc gia như: Đình Tân Xuân (thị trấn Tầm Vu), Khu mộ và nhà lưu niệm cố Giáo sư Trần Văn Giàu (xã Dương Xuân Hội), khu nhà cổ (xã Thanh Phú Long),... được quan tâm đầu tư, cải tạo và bảo tồn.

Đặc biệt, công trình trọng điểm Nhà tri ân Mẹ Việt Nam Anh hùng tại thị trấn Tầm Vu đang được xây dựng, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2016. Đây là công trình có nguồn vốn đầu tư 4,5 tỉ đồng, trong đó, người dân đóng góp 50% tổng giá trị công trình.

Bà Võ Thị Tám - cán bộ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện cho biết: "Công trình hoàn thành góp phần tri ân Mẹ Việt Nam Anh hùng, thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc. Toàn huyện có 465 Mẹ Việt Nam Anh hùng, trong đó có 42 mẹ còn sống, các mẹ còn sống đều được các đơn vị nhận phụng dưỡng và hưởng các chế độ theo quy định của Nhà nước".

Bên cạnh việc bảo tồn, trùng tu các di tích lịch sử văn hóa thì huyện đang đầu tư xây dựng nhà văn hóa các xã và các ấp. Theo số liệu của Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Châu Thành, trong số 91 ấp trên địa bàn huyện, có 30 nhà văn hóa ấp được xây dựng mới, 10 ấp sinh hoạt văn hóa tại các đình, 3 ấp sinh hoạt văn hóa tại các nhà dân và 47 ấp còn lại sinh hoạt tại các địa điểm như: Lớp mẫu giáo, trường học.


Lễ hội Làm chay năm 2015 ở thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành

Lễ hội Làm chay là nét văn hóa truyền thống của huyện Châu Thành, năm 2015, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch chính thức quyết định công nhận Lễ hội Làm chay đình Tân Xuân, thị trấn Tầm Vu là một trong những Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Phó Bí thư Đảng ủy thị trấn Tầm Vu - Đoàn Phan Thanh Thủy cho biết: "Số lượng người tham gia Lễ hội Làm chay năm sau luôn cao hơn năm trước, chứng tỏ lễ hội có sức thu hút rất lớn đối với nhu cầu thưởng thức văn hóa của người dân".

Được biết, địa phương có chủ trương nâng cấp đình Tân Xuân (Di tích lịch sử cấp Quốc gia). Theo dự toán ước tính công trình nâng cấp đình Tân Xuân có tổng giá trị trên 7 tỉ đồng, trong đó, xã hội hóa 3,5 tỉ đồng. Ngoài việc phục vụ Lễ hội Làm chay, đình Tân Xuân còn là nơi nhân dân thờ phụng 2 vị anh hùng yêu nước trong kháng chiến chống Pháp là hai anh em ông Đỗ Tường Phong và Đỗ Tường Tự./.

Đ.Lâm

Chia sẻ bài viết