Tiếng Việt | English

18/11/2015 - 15:25

Chiến lược phát triển bóng đá: giậm chân tại chỗ

Gần ba năm trôi qua kể từ khi Chính phủ phê duyệt, công tác triển khai chiến lược phát triển bóng đá đến năm 2020, tầm nhìn 2030 gần như vẫn giậm chân tại chỗ.

Với việc chậm trễ trong thực hiện chiến lược, người hâm mộ VN sẽ còn chứng kiến những hình ảnh thất bại như thế này tại đấu trường SEA Games - Ảnh: N.K.

Ông Vương Bích Thắng, tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, cho biết trong thời gian tới khi tổ chức hội nghị sơ kết ba năm đầu triển khai chiến lược nói trên sẽ phải bàn tới việc điều chỉnh mục tiêu không thực hiện được để xin ý 
kiến Chính phủ.

Theo ông Vương Bích Thắng, đến thời điểm này vẫn chưa được cấp kinh phí để triển khai chiến lược. Tuy nhiên theo ông Thắng, không phải vì chưa có tiền mà chiến lược không được triển khai, thực tế vẫn có nhiều công việc phát triển bóng đá đang được tiến hành như phát triển bóng đá phong trào, bóng đá trẻ.

Ông Thắng nói: “Chiến lược phát triển bóng đá do Chính phủ ban hành, vì thế Bộ VH-TT&DL, Tổng cục TDTT, VFF không phải là những đơn vị duy nhất thực hiện chiến lược. Đây là trách nhiệm của tất cả địa phương trên cả nước, các CLB bóng đá, doanh nghiệp tham gia bóng đá. Tổng cục TDTT với vai trò của cơ quan quản lý nhà nước sẽ định hướng, tạo hành lang pháp lý để xã hội tham gia thực hiện các mục tiêu phát triển bóng đá. Trong số các mục tiêu trong chiến lược thì mục tiêu thành tích đội tuyển quốc gia, xây dựng các giải bóng đá chuyên nghiệp, học viện bóng đá... do Tổng cục TDTT và VFF đảm nhiệm.

Thực tế đến thời điểm này các công việc của chiến lược vẫn được triển khai dù có chậm tiến độ so với kế hoạch. Khi chiến lược được viết, thời điểm đó kinh tế VN có nhiều khởi sắc, bóng đá đang rất phát triển và các doanh nghiệp rất muốn tham gia hoạt động này. Hiện nay điều kiện kinh tế - xã hội đã thay đổi, doanh nghiệp không mặn mà với bóng đá, quỹ đất đai ở nhiều địa phương vốn trước kia nằm trong quy hoạch cho bóng đá không còn. Vì thế trong thời gian tới một số mục tiêu của chiến lược sẽ phải bàn bạc để điều chỉnh xin ý kiến Chính phủ vì không thực hiện được như việc thành lập ba học viện bóng đá, 
nâng số CLB ở V-League”.

Ông Phạm Ngọc Viễn - phó chủ tịch HĐQT Công ty VPF, người đã chấp bút chính trong chiến lược - cho rằng gần ba năm qua chiến lược chưa làm được gì. Ông Viễn nói: “Tôi là trưởng ban chiến lược của VFF, tuy nhiên mọi việc của đề án phải do lãnh đạo VFF chỉ đạo phân công triển khai. Nhưng thời gian qua, do VFF bận nhiều việc bên lề nên không có thời gian, con người để tập trung 
triển khai chiến lược”.

Không chỉ có chỉ tiêu phải giành 1 - 2 HCV AFF Cup hoặc SEA Games đến năm 2020 khó thực hiện, chỉ tiêu có 10 - 15 cán bộ thuộc VFF đến năm 2020 tham gia ban chấp hành, ban chuyên môn của LĐBĐ Đông Nam Á (AFF), LĐBĐ châu Á (AFC), LĐBĐ Thế giới (FIFA) cũng khó hoàn thành bởi đến thời điểm hiện tại mới chỉ có năm thành viên của LĐBĐ VN (VFF) và Tổng cục TDTT có tên trong các tổ chức bóng đá này. Nguyên nhân là do công tác đào tạo và phát triển cán bộ của VFF, Tổng cục TDTT rất hạn chế, không đủ trình độ để tham gia các tổ chức quốc tế, nhất là 
khả năng ngoại ngữ. 

Chỉ tiêu về trọng tài khả thi nhất

Đánh giá về chỉ tiêu có từ 10 trọng tài chính, 20 trợ lý trọng tài đạt tiêu chuẩn FIFA đến năm 2020, ông Nguyễn Văn Mùi, trưởng ban trọng tài VFF, cho rằng đây là mục tiêu có cơ hội thực hiện nhất. Theo ông Mùi, năm 2015 nếu tính trọng tài môn bóng đá nam, futsal, bóng đá nữ, bóng đá bãi biển thì VN có 11 trọng tài FIFA (bóng đá nam: 5, bóng đá nữ: 3)”.

Khương Xuân/tuoitre online

Chia sẻ bài viết