Tiếng Việt | English

27/09/2021 - 09:33

Chiến thắng đại dịch là chiến thắng của nhân dân

Với biến chủng Delta (tải lượng virút gấp 1.000 lần chủng cũ, độc lực mạnh hơn, với người bệnh thì ít có biểu hiện nhưng chuyển nặng rất nhanh), tình hình đại dịch Covid-19 trên thế giới đã và đang diễn biến phức tạp. Ngay cả ở những quốc gia tiên tiến đã “phủ vắc-xin” đến phần đông nhân dân, số ca bệnh và tử vong vẫn không dừng lại.

Trong “làn sóng” càn quét của dịch bệnh, Long An là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nghiêm trọng với gần 32.000 ca nhiễm. Thế nhưng, nhờ sự đoàn kết, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, đến nay chúng ta cơ bản kiểm soát được dịch bệnh.

Đây là thành quả trí tuệ của người Việt Nam trong ứng phó dịch bệnh phù hợp hoàn cảnh Việt Nam, “cái khó ló cái khôn”, lấy khó khăn, thách thức làm động lực phấn đấu, đoàn kết vượt qua, khẳng định và trưởng thành. Thành quả đó có sự đóng góp rất to lớn, quý báu của các tầng lớp nhân dân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần khẳng định: “Chống dịch như chống giặc”, “mỗi xã, phường là một pháo đài”, “mỗi người dân là một chiến sĩ”, Chính phủ Việt Nam luôn thống nhất quan điểm “Người dân là trung tâm phục vụ, là chủ thể trong phòng, chống dịch. Chiến thắng đại dịch là chiến thắng của nhân dân”.

Qua đó, khẳng định vị trí, tầm quan trọng của nhân dân trong công tác phòng, chống dịch. Công tác phòng, chống dịch của nước ta trong suốt thời gian qua bám sát mục tiêu “sức khỏe của nhân dân là trên hết, trước hết”; luôn lấy an dân làm mục đích phấn đấu, xem ý thức của người dân là liều “vắc-xin tinh thần” quan trọng nhất.

Đánh giá về thành công bước đầu trong kiểm soát đại dịch, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương - Nguyễn Trọng Nghĩa nhận định nhân dân theo nghĩa hẹp hơn chính là gia đình, đây là môi trường tốt nhất để phòng, chống dịch. Khi các thành viên trong gia đình động viên nhau chấp hành các quy định chống dịch, “ở yên trong nhà” là đã tham gia chống dịch; đời sống khó khăn, sự hỗ trợ của các thành viên gia đình là quan trọng nhất; gia đình chia sẻ nhau kiến thức, kỹ năng, chăm sóc, động viên nhau khi nhiễm bệnh (điều trị F0 tại nhà); cùng nhau chăm sóc tốt cho người già và trẻ em;...

Do vậy, khi trở lại trạng thái “bình thường mới”, cần phải phát huy vai trò của nhân dân - gia đình trong phòng, chống dịch; mỗi gia đình sẽ trở thành “lô cốt” chống dịch. Điều này cũng phù hợp với quan điểm chuyển hướng từ Nhà nước bao cấp toàn bộ chi phí phòng, chống dịch sang doanh nghiệp, gia đình chủ động y tế tại chỗ chăm lo cho công nhân, lao động và thành viên trong gia đình mình. Lúc đó, Nhà nước sẽ tập trung chăm lo đầu tư máy móc, trang thiết bị để điều trị những bệnh nhân nặng.

Thực tế, trong lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp, bên cạnh sự chăm lo của Nhà nước, thì nhân dân - gia đình đã phát huy tốt vai trò ở cộng đồng, tình làng, nghĩa xóm “tối lửa tắt đèn có nhau” hỗ trợ, giúp nhau về thông tin, kinh nghiệm, đời sống,... Một số người dân còn tham gia làm tình nguyện viên giúp đỡ cộng đồng, đóng góp kinh phí cùng chính quyền chăm lo cho những gia đình khó khăn,... Họ đã góp phần quan trọng cùng khống chế dịch bệnh. Đúng là chiến thắng đại dịch là chiến thắng của nhân dân!

Hiện nay, chúng ta đang chuyển sang giai đoạn "bình thường mới", thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19, nỗ lực phục hồi sản xuất, phát triển KT-XH. Do vậy, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể cần phát huy mạnh mẽ vai trò “mỗi người dân là một chiến sĩ”; thực hiện tốt phương châm “Dân biết - Dân hiểu - Dân tin - Dân theo - Dân làm”, để mỗi người dân yên tâm và tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, cùng chính quyền thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phục hồi sản xuất, vừa chống dịch phù hợp.

Mỗi người dân cần thực hiện nghiêm thông điệp “5K + vắc-xin”, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, nỗ lực lao động, sản xuất để bảo đảm cuộc sống; đồng thời, phát huy tinh thần “tương thân, tương ái” hỗ trợ nhau khắc phục hậu quả của dịch bệnh. Tiếp tục phát huy vai trò tổ Covid cộng đồng nhắc nhở nhau thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch, bảo đảm an ninh, trật tự để xây dựng cuộc sống "bình thường mới".

Để chủ động, thích ứng linh hoạt trong giai đoạn "bình thường mới", Thủ tướng Chính phủ yêu cầu quán triệt 6 nguyên tắc chống dịch: Y tế là trụ cột, trung tâm; kinh tế là cơ sở, nền tảng; dữ liệu khoa học - công nghệ là then chốt; ổn định chính trị - xã hội là trọng yếu và thường xuyên; vắc-xin, thuốc chữa bệnh và ý thức người dân là điều kiện tiên quyết; an toàn để sản xuất - sản xuất phải an toàn. 6 nguyên tắc đó luôn gắn liền với chủ thể nhân dân, bởi vì chiến thắng đại dịch là chiến thắng của nhân dân./.

Kim Quy

Chia sẻ bài viết