Tiếng Việt | English

19/12/2019 - 16:35

Chiêu lừa cũ nhưng nhiều người vẫn sập bẫy

Với thủ đoạn gọi vào số điện thoại cố định, giả danh là người làm việc tại công an, viện kiểm sát, tòa án,… thông báo chủ thuê bao có liên quan đến một vụ án về ma túy, rồi yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản của chúng, nếu không sẽ bị bắt giữ. Sau khi điều tra, nếu không có liên quan thì chúng sẽ chuyển tiền trả lại.Nhiều người tin là thật, đến ngân hàng chuyển tiền cho các đối tượng lừa đảo, sau đó mới biết mình bị lừa.

Khoảng 09 giờ, ngày 02/7/2019, chị T. (phường 5, TP.Tân An, tỉnh Long An) nhận được điện thoại từ một người tự xưng là Trần Bảo An, nhân viên Bưu điện Hà Nội báo chị có thư của Tòa án TP.Hà Nội. Do thư chuyển nhiều lần mà không có người nhận nên hỏi ý kiến chị T. mở thư ra xem và đọc cho nghe nội dung chị có khoản nợ từ một ngân hàng chi nhánh ở Hà Nội. Do trước đây, chị T. có đánh rơi chứng minh nhân dân nên bị mạo danh vay nợ tại một ngân hàng. Số tiền nợ quá hạn trên 45 triệu đồng. Sau đó, người tự xưng tên Bảo An báo sẽ chuyển vụ này qua Bộ Công an. Chị T. chưa biết xử lý như thế nào thì tiếp tục có một người tự xưng tên Hoàng Trung Kiên, làm việc tại Công an Hà Nội, nói về khoản nợ quá hạn của chị và thông báo chị có liên quan đến đường dây mua bán trái phép chất ma túy, yêu cầu chị chuyển tiền vào số tài khoản tại một ngân hàng có chi nhánh tại Hà Nội. Sau khi chị T chuyển 85 triệu đồng, đến khoảng 12 giờ 44 phút, ngày 03/7/2019, thì không liên lạc được với các đối tượng.

Cảnh giác với chiêu lừa qua điện thoại cố định

Một trường hợp khác, có người gọi điện cho chị K. (phường 5, TP.Tân An) thông báo nợ cước phí VNPT 8 triệu đồng do phát sinh phí gọi đi nước ngoài. Sau đó, có một người tự xưng tên Tuấn Anh, là trung tá thuộc Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM đang xác minh vụ việc. Ngoài việc nợ cước phí, chị còn mở tài khoản tại một số ngân hàng.Các tài khoản này có liên quan đến đường dây rửa tiền, buôn bán ma túy và yêu cầu chị K. muốn chứng minh mình không liên quan thì chuyển hết số tiền trong tài khoản của chị vào một tài khoản tên Nguyễn Công Đông.Các đối tượng yêu cầu chị K. giữ bí mật và không được tắt điện thoại di động.Sau đó, chị K. còn nhận được hình ảnh quyết định phê chuẩn lệnh bắt tạm giam và phong tỏa tài sản qua Zalo.Quá lo lắng, chị đến ngân hàng chuyển 100 triệu đồng vào tài khoản của Nguyễn Công Đông. Sau đó, chị tiếp tục nhận được điện thoại của người tự xưng là Nguyễn Thị Thủy Khiêm, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM báo là ông Đông đã nhận được số tiền trên, chờ xác minh làm rõ. Nếu không có liên quan đến đường dây phạm tội thì chị K. sẽ nhanh chóng được trả lại số tiền trên. Nghi ngờ bị lừa đảo, chị đến cơ quan công an trình báo.

Khoảng đầu năm 2019, bà P. (huyện Cần Giuộc) có người tự xưng là đại tá làm việc ở Công an tỉnh, thông báo công an bắt được 1 tên cướp và đối tượng này khai có liên quan đến và P. Vị đại tá giả danh yêu cầu bà P. chuyển 200 triệu đồng vào tài khoản của Lê Minh Dũng để phục vụ công tác điều tra. Sau khi điều tra xong, sẽ hoàn trả lại số tiền trên và phải giữ bí mật. Do hoảng sợ nên bà đến ngân hàng vay 200 triệu đồng chuyển cho đối tượng. Trong lúc bà vào Ngân hàng làm thủ tục chuyển tiền thì liên tiếp có 16 số điện thoại gọi đến thúc giục bà chuyển tiền.Sau đó, bà P. không liên lạc được với các đối tượng nên trình báo cơ quan công an.

Còn trường hợp của bà T. (TP.HCM) bị lừa gần 1 tỉ đồng khi nhận được điện thoại của 1 người tự xưng là nhân viên bưu điện.Người này nói bà mở thẻ tín dụng ở một ngân hàng, chi nhánh Hà Nội và nợ trong tài khoản trên 36 triệu đồng.Sau đó, nối máy cho 1 người khác tự xưng là cảnh sát hình sự, tên Phạm Tuấn Anh. Người này cho hay bà P. có liên quan đến đường dây ma túy lớn hơn 6 tỉ đồng và yêu cầu bà phải giữ bí mật. Khi bà P. trả lời không liên quan đến vụ việc thì được tiếp tục nối máy với một người tự xưng là Quách Văn Dũng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP.Hà Nội. Người này đọc cho bà P. nghe lệnh tạm giam và yêu cầu ra Hà Nội gấp để thi hành quyết định tạm giam 4 tháng điều tra, nếu không đi được thì phải chuyển tiền để được bảo lãnh. Các đối tượng trên cho số tài khoản của người tên Nguyễn Văn Thượng, yêu cầu chuyển 100 triệu đồng nhưng bà không đủ tiền nên chỉ chuyển 33 triệu đồng. 2 ngày sau khi chuyển tiền, có một tài khoản Zalo liên tục điện thoại thông báo bà P. liên quan đến đường dây ma túy lớn nên yêu cầu bà chuyển toàn bộ tài sản vào tài khoản tên Bùi Đình Đương để xác minh nguồn tiền. Bà P. lo sợ nên tiếp tục đến ngân hàng chuyển hơn 877 triệu đồng.Sau khi chuyển tiền, bà P. không liên lạc được với nhóm đối tượng lừa đảo nên đến trình báo công an.

Với chiêu thức cũ nhưng nhiều người lại sập sập bẫy của các đối tượng lừa đảo. Nếu gặp phải những trường hợp tương tự, người dân hãy thông báo đến cơ quan công an để được giải quyết, tránh “tiền mất, tật mang”./.

Thúy Phượng

Chia sẻ bài viết