Tiếng Việt | English

25/01/2022 - 09:44

Chủ động phòng, chống hạn, xâm nhập mặn

Nhằm chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn, xâm nhập mặn, bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh trên địa bàn Long An trong những tháng mùa khô năm 2021 - 2022, UBND tỉnh đề nghị các cấp, các ngành tập trung tổ chức thực hiện các giải pháp nhằm chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của hạn, xâm nhập mặn.

Hạn, mặn đến sớm

Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, dự báo dòng chảy về Đồng bằng sông Cửu Long mùa khô 2021 - 2022 hiện nay, tiềm năng nguồn nước có thuận lợi hơn do ảnh hưởng của mưa cuối mùa. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của biến đổi lòng dẫn, vận hành tích nước bất thường, năm nay, xâm nhập mặn sẽ đến sớm, sâu, diễn biến không theo quy luật và nhiều khả năng ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, ảnh hưởng đến việc vận hành lấy nước của các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh.

Hơn 27.100ha cây trồng có nguy cơ bị hạn, xâm nhập mặn gây ảnh hưởng (Ảnh minh họa)

Trước tình hình đó, UBND tỉnh đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động theo dõi diễn biến, thông tin cảnh báo khí tượng - thủy văn để xây dựng, triển khai các kịch bản ứng phó với hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn phù hợp tình hình thực tế, bao gồm cả các kịch bản ứng phó với xâm nhập mặn cực đoan như các năm 2015 - 2016, 2019 - 2020; khoanh vùng khu vực có khả năng bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn, tập trung ưu tiên nguồn nước để cấp nước sinh hoạt cho người dân, chăn nuôi gia súc và tưới cho cây trồng có giá trị kinh tế cao; quán triệt phương châm không để hộ dân nào thiếu nước sinh hoạt.

Qua rà soát, toàn tỉnh có hơn 27.100ha cây trồng, gồm: Lúa, thanh long, chanh, rau màu,... có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô 2021 - 2022, tập trung chủ yếu ở các huyện phía Nam của tỉnh như Bến Lức, Thủ Thừa, Châu Thành, Thạnh Hóa, Tân Thạnh và TP.Tân An.

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh - Võ Kim Thuần cho biết: “Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn các địa phương cần tăng cường tuyên truyền đến người dân về tầm quan trọng của công tác phòng, chống thiên tai, xác định đây là nhiệm vụ, trách nhiệm của người đứng đầu địa phương và của toàn dân, toàn xã hội. Đồng thời, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng” nhằm bảo đảm cung cấp đủ nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt cho người dân trong các tháng mùa khô 2021 - 2022, giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất do thiên tai, hạn, xâm nhập mặn gây ra, giúp ổn định sản xuất và đời sống nhân dân”.

Chủ động phòng, chống

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Đước - Nguyễn Hồng Chương, trên địa bàn huyện có gần 10.000ha đất sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là lúa, rau và con tôm. Hàng năm, xâm nhập mặn luôn gây ảnh hưởng đến việc sản xuất của người dân. “Để phòng, chống hạn, xâm nhập mặn, ngành Nông nghiệp huyện tập trung duy tu, bảo dưỡng hệ thống thủy lợi; tăng cường kiểm tra, chống rò rỉ tại các cống đầu mối, đê ngăn mặn.

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ nạo vét cải tạo các tuyến kênh nội đồng để tăng khả năng dự trữ nước ngọt, ước tính tổng kinh phí thực hiện trong năm 2021 khoảng 40 tỉ đồng” - ông Chương cho biết. Ông Đỗ Văn Sĩ (xã Long Hòa, huyện Cần Đước) chia sẻ: “Do đặc điểm khí hậu địa phương nên chúng tôi luôn chủ động trong việc trữ nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong những tháng mùa khô.

Bên cạnh đó, địa phương còn tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho nông dân ứng dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm tiết kiệm nước trong sản xuất, tránh tình trạng thiếu nước vào cuối vụ. Nhờ vậy, những năm gần đây, tình trạng thiệt hại bởi hạn, xâm nhập mặn không còn nghiêm trọng như trước”.

Chủ động nạo vét các tuyến kênh để tăng khả năng trữ nước ngọt trong mùa khô

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện cho biết: “Sở đề nghị các đơn vị liên quan phối hợp các địa phương thường xuyên kiểm tra các công trình thủy lợi, thực hiện các giải pháp sử dụng nước tiết kiệm ngay từ đầu mùa khô, có kế hoạch phân phối nước hợp lý để bảo đảm sử dụng hiệu quả. Khi xảy ra hạn, thiếu hụt nước, phải ưu tiên cung cấp đầy đủ nước cho dân sinh, chăn nuôi và cây trồng lâu năm.

Tiếp tục chú trọng bố trí cơ cấu mùa vụ phù hợp, đặc biệt ở các khu vực vùng hạ nhằm hạn chế ảnh hưởng của xâm nhập mặn; ưu tiên sử dụng các giống lúa thơm, đặc sản, chất lượng cao, thời gian sinh trưởng ngắn, các nhóm giống chịu mặn, chịu phèn hoặc chuyển sang cây trồng có khả năng chịu hạn tốt.

Các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hộ gia đình chủ động trang bị các túi trữ nước, bồn, lu, bể và các hình thức khác, bơm tích nước ngọt khi nguồn nước còn tốt nhằm dự trữ đủ nước tưới cho cây trồng và phục vụ sinh hoạt trong các tháng mùa khô. Đồng thời, bố trí ngân sách địa phương và các nguồn vốn xã hội hóa để triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn”./.

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết