Tiếng Việt | English

30/12/2020 - 08:55

Chủ động ứng phó hạn, xâm nhập mặn

Dự báo mùa khô năm 2020-2021, Long An xảy ra tình trạng thiếu nước nghiêm trọng, xâm nhập mặn diễn ra sớm và gay gắt. Theo đó, ngành Nông nghiệp tỉnh đã có nhiều biện pháp chủ động ứng phó hạn, xâm nhập mặn, góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người dân.

Nạo vét các tuyến kênh nội đồng để tăng khả năng trữ nước ngọt. Ảnh: Lê Ngọc

Thay đổi tập quán sản xuất

Mùa khô năm 2019-2020, xã Đức Tân, huyện Tân Trụ có trên 200ha đất trồng lúa bị thiệt hại nặng do xâm nhập mặn. Trước tình hình này, mùa khô năm 2020-2021, xã Đức Tân vận động người dân chỉ trồng 2 vụ lúa hoặc 2 vụ lúa xen canh 1 vụ màu; đồng thời, tiến hành nạo vét các kênh, mương nội đồng trữ nước, bố trí sản xuất sớm vụ Thu Đông và Đông Xuân.

Phó Chủ tịch UBND xã Đức Tân - Lê Đoàn Thành Triển thông tin: “Lịch gieo sạ của địa phương từ ngày 20 đến 30/10/2020 và người dân chấp hành nghiêm lịch gieo sạ này. Bên cạnh đó, xã còn khuyến khích người dân gieo sạ các loại giống ngắn ngày, có khả năng chịu hạn, mặn; ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào canh tác để giảm lượng nước tưới, tiêu,... Nhìn chung, người dân rất đồng tình hưởng ứng, chung tay cùng địa phương ứng phó hạn, xâm nhập mặn”.

Mùa khô năm 2019-2020, gia đình bà Trương Thị Nhân, ngụ ấp Bình Lợi, xã Đức Tân, huyện Tân Trụ, canh tác 1ha lúa, nhưng do ảnh hưởng của hạn, xâm nhập mặn nên bị lỗ hơn 10 triệu đồng và công chăm sóc. Bà Nhân cho biết: “Mấy năm trước, tôi không nghe theo khuyến cáo của địa phương nên làm 3 vụ lúa/năm nhưng vụ nào năng suất cũng thấp, thậm chí năm rồi còn lỗ vốn. Năm nay, gia đình tôi quyết định chỉ làm 2 vụ, tranh thủ trữ nước ngọt và thu hoạch lúa trước tết để tránh hạn, xâm nhập mặn”.

Đợt hạn, xâm nhập mặn năm 2019-2020 đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhiều diện tích lúa Đông Xuân

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thủ Thừa - Nguyễn Văn Chót, năm 2020, hạn, xâm nhập mặn diễn ra gay gắt và ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất của người dân trên địa bàn huyện. Mặc dù UBND huyện đã nỗ lực triển khai, thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn và xâm nhập mặn, đặc biệt là tích cực phối hợp UBND huyện Tân Trụ để bơm nước chống hạn cho 3.500ha lúa của 2 địa phương nhưng do thời gian hạn, xâm nhập mặn kéo dài nên hơn 296ha lúa và hoa màu của người dân vẫn bị thiệt hại nghiêm trọng. Năm nay, huyện đã tập trung khuyến cáo người dân gieo sạ sớm, ưu tiên sử dụng các giống lúa ngắn ngày, chống chịu được mặn, hạn, phèn, nhất là những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng khô hạn và nước mặn.

Ông Lê Văn Triệu, ngụ ấp 1, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, chia sẻ: “Vụ Đông Xuân 2019-2020, tôi gieo sạ gần 1ha lúa. Tuy nhiên, do hạn, mặn đến sớm nên bị thiếu nước sản xuất. Mặc dù tôi đã cố gắng bơm nước nhiều chặn để cứu lúa nhưng cũng bằng không. Lúa do thiếu nước nên không làm hạt được, gia đình tôi coi như mất trắng vụ Đông Xuân. Do đó, năm nay, tôi chủ động xuống giống theo lịch thời vụ mà ngành Nông nghiệp huyện khuyến cáo. Hiện diện tích lúa của gia đình tôi trong giai đoạn làm đòng. Hy vọng vụ lúa này sẽ bội thu”.

Nhằm ứng phó với tình hình hạn, xâm nhập mặn, gia đình bà Đỗ Thị Phụng, ngụ xã Lương Hòa, huyện Bến Lức, mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới nước nhỏ giọt và nạo vét kênh, mương tích trữ nước ngọt; đồng thời, tích cực tham gia các lớp tập huấn về biến đổi khí hậu để cập nhật kiến thức. Bà Phụng trải lòng: “Trước đây, khi chưa có kinh nghiệm, gia đình tôi nóng ruột nên bơm nước mặn lên tưới cho chanh. Kết quả, vườn chanh bị ảnh hưởng nặng, thậm chí nhiều cây còn bị chết. Năm nay, gia đình tôi đã có kinh nghiệm và chủ động được nhiều biện pháp ứng phó hạn, xâm nhập mặn. Chắc chắn mùa khô năm 2020-2021, vườn chanh sẽ không bị ảnh hưởng nhiều như trước đây”.

Tập trung thi công các công trình ngăn mặn, trữ ngọt

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự báo tình hình hạn, xâm nhập mặn bắt đầu diễn ra cuối tháng 12/2020 sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và diện tích trồng cây ăn trái của tỉnh. Nguyên nhân, năm 2020 tiếp tục là năm ít nước, dòng chảy lũ về Đồng bằng sông Cửu Long nhỏ; đồng thời, tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, sự gia tăng khai thác nguồn nước ở thượng nguồn sẽ làm tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn diễn ra thường xuyên và khốc liệt hơn. Theo dự báo, diện tích cây trồng có khả năng bị ảnh hưởng hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô 2020-2021 khoảng 26.642ha; gần 1.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, trong đó tập trung ở huyện Cần Giuộc và các xã vùng sâu, vùng xa.

Cống ngăn mặn Trị Yên, huyện Cần Giuộc đã được đóng

Để ứng phó với tình hình hạn, xâm nhập mặn, đến nay, huyện Cần Giuộc đã cho đóng tất cả cống ngăn mặn để trữ nước. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Giuộc - Ngô Bảo Quốc cho biết: “Huyện có 3 cống ngăn mặn lớn gồm Trị Yên, Mồng Gà và Ông Hiếu đều đã đóng. Trước khi đóng cống, huyện thông báo cho người dân bơm nước vào các ao, hồ dự trữ để phục vụ sản xuất; đồng thời, bố trí lịch gieo sạ sớm nên diện tích trồng lúa hầu hết đều thu hoạch trước Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Bên cạnh đó, huyện còn thường xuyên kiểm tra các cống ngăn mặn để kịp thời khắc phục tình trạng rò rỉ nước và vận động người dân sử dụng nước tiết kiệm. Nhìn chung, công tác ứng phó với hạn, xâm nhập mặn đã sẵn sàng và chủ động, góp phần giúp người dân có được vụ mùa bội thu”.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền, để chủ động trong việc phòng, chống hạn, mặn, bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong những tháng mùa khô năm 2020-2021, Sở đã xây dựng, triển khai kế hoạch phòng, chống hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn và các kịch bản khả năng ảnh hưởng của hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, bao gồm cả các kịch bản ứng phó với xâm nhập mặn cực đoan như đã xảy ra vào các năm 2015-2016, 2019-2020; xác định từng vùng, từng khu vực có khả năng bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn để chỉ đạo, triển khai giải pháp cụ thể, bảo đảm giảm thiểu ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân. Trường hợp xảy ra hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn nghiêm trọng, cần ưu tiên nguồn nước để cấp nước sinh hoạt cho người dân, chăn nuôi gia súc và tưới cho cây trồng có giá trị kinh tế cao; quán triệt phương châm không để hộ dân nào thiếu nước sinh hoạt.

Người dân tích trữ nước sử dụng cho mùa khô năm 2020-2021

Bên cạnh đó, huy động cả hệ thống chính trị các địa phương vào cuộc, tập trung làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, vận động để từng hộ gia đình, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn hiểu, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống hạn, xâm nhập mặn. Hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp tích trữ nước, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn nước, không để thất thoát, lãng phí nước.

“Trong năm qua, Sở tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình để trữ ngọt, ngăn mặn nhằm chủ động ứng phó với nguy cơ hạn, mặn mùa khô năm 2020-2021. Cụ thể, Sở chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tập trung nạo vét hệ thống thủy lợi Nhựt Tảo (huyện Tân Trụ), hoàn thành 2 trạm bơm Bà Phổ và Rạch Đào (huyện Thủ Thừa); tiến hành xây dựng 5 cống ngăn mặn, trữ ngọt trên Quốc lộ 62 tại cầu Bà Hai Màng, cầu Ông Nhựa, cầu Bà Định, cầu Thủ Cồn và cầu La Khoa, trong đó đã hoàn thành, đưa vào sử dụng 2 cống và đang tiếp tục thi công 3 cống còn lại. Bên cạnh đó, Sở tiếp tục đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép xây dựng thêm 4 cống tại cầu Bún Bà Của, cầu Bến Kè, cầu Trần Lệ Xuân và cầu Cái Tôm. Mặt khác, Sở cũng tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc, hỗ trợ các địa phương xây dựng, thực hiện các kế hoạch, giải pháp phòng, chống hạn, xâm nhập mặn, chỉ đạo các địa phương triển khai các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả” - ông Truyền cho biết thêm.

Việc tập trung đầu tư vào các công trình ngăn mặn, trữ ngọt và thay đổi tập quán sản xuất theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu đang là hướng phát triển phù hợp trong giai đoạn hiện nay, không những giúp người dân giảm thiểu thiệt hại, nâng cao thu nhập mà còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm sản xuất lâu dài./.

Kim Ngọc - Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết