Tiếng Việt | English

29/07/2015 - 11:12

Chủ tịch xã bị đuổi học vì nhờ người thi hộ vi phạm quy định gì?

Chủ tịch UBND xã Uy Nỗ Đặng Bá Sướng bị đuổi học do các bài thi có nhiều chữ ký khác nhau.

 Sự việc bắt đầu từ việc Chủ tịch UBND xã Đặng Bá Sướng đi nghỉ mát vẫn có điểm thi. Ông Chủ tịch xã lại trả lời rằng “bị người ta hại”. Sau đó, người ta kiểm tra các bài thi trước đó có nhiều chữ ký khác nhau. Từ những kiểm tra này, Viện trưởng Viện Đại học Mở đã ra quyết định buộc thôi học với ông Đặng Bá Sướng.

Đây là một kết cục đáng chú ý cho những lời nói, hành động của quan xã này. Tuy nhiên, cần nhìn thẳng vào sự thật, đây là câu chuyện đáng lưu ý về đạo đức và lời nói của người làm quan.


Chủ tịch UBND xã Uy Nỗ (Đông Anh, Hà Nội), người bị buộc thôi học

Suy rộng ra hơn nữa, cần phải có quy định và cơ chế chặt chẽ về các hệ đào tạo nhằm đảm bảo sự công bằng giữa các hệ đào tạo như tại chức, chuyên tu, liên thông và từ xa. Hệ đào tạo không tập trung được nhiều quan chức lựa chọn, càng phải có cơ chế giám sát nghiêm túc hơn.

Cùng suy ngẫm về câu chuyện này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) về vụ việc này.

PV: Thưa luật sư, qua theo dõi diễn biến sự việc Chủ tịch xã “bị buộc thôi học”, luật sư đánh giá thế nào về sự việc này?

Luật sư Đặng Văn Cường: Theo ông Đặng Bá Sướng, việc có người thi hộ cho ông này trong kỳ thi lại nêu trên là do ông “bị người ta hại”, ông Sướng không nhờ ai học hộ, thi hộ mà họ tự ý đến thi cho ông để “hại” ông… 

Tuy nhiên, lời biện minh của ông Sướng không có cơ sở để người khác tin đó là sự thật. Trước hết, chúng ta cần hiểu thế nào là bị hại? Bị hại là người bị thiệt hại về vật chất, tinh thần hoặc về tài sản do người khác gây ra một cách cố ý hoặc vô ý. 

Trong vụ việc này, ông Sướng cho rằng mình là người bị hại chứ không phải là người thuê, nhờ Nguyễn Duy Sang – đối tượng đã dự thi thay ông Sướng ngày 20/6 nhưng ông Sướng lại không có cơ sở gì để chứng minh được việc do thù oán, mâu thuẫn gì mà Sang lại “đội lốt” ông Sướng để đi thi cho qua kỳ thi của ông Sướng. 

Việc này không đơn giản là nói thế nào thì nói. Cơ quan chức năng sẽ làm rõ mối quan hệ giữa ông với Sang? Mục đích của Nguyễn Duy Sang là gì? Tại sao lại biết họ tên, số báo danh, ngày thi của ông Sướng chính xác như vậy để vào thi? Không chỉ một lần thi hộ, trong danh sách điểm danh, bài thi của ông Sướng và các môn thi khác còn rất nhiều “chữ ký lạ”, chẳng lẽ còn có người đi học thay ông Sướng vào những buổi ông Sướng vắng mặt để “hại” ông Sướng? 

Theo thông tin được biết, không chỉ có môn thi Luật đất đai vào ngày 20/6 vừa qua mà có hàng chục trường hợp khác đã thi hộ ông Sướng nhiều môn thi khác nhau trong suốt 3 năm qua. Căn cứ xác mình là chữ ký trên các bài thi khác nhau và khác hoàn toàn với chữ ký thật của ông Sướng trên hồ sơ nhập học. 

Như vậy, việc ông Sướng có người đi học hộ là đã rõ. Ông Sướng không thể lấy lý do mình không biết gì về lịch thi để cho rằng mình là người bị hại. Với tư cách là một học viên, người học không thể nào không biết được lịch học, lớp học, đặc biệt là lịch thi của mình. Không thể chứng minh được mục đích của người “vô công rồi nghề” nào đó cứ nhằm vào ngày ông Sướng nghỉ học, nghỉ thi để đến thi hộ “cho vui” nên lý do mà  ông Sướng nêu ra (là bị hại) chỉ là ngụy biện.

Sau khị xác minh sự việc thì ngày 22/7/2015, Viện Đại học Mở cũng đã có quyết định buộc thôi học đối với ông Đặng Bá Sướng. Hành vi thuê, nhờ người khác đi thi hộ của ông Sướng là vi phạm quy định của Luật Giáo dục và việc xử lý đối với hành vi này là có căn cứ theo quy định của pháp luật.

PV: Theo thông tin từ báo chí, Viện trưởng Viện đại học Mở đã ra quyết định buộc thôi học vị “quan” này. Theo luật sư, từ quyết định buộc thôi học cho thấy vị quan này đã vi phạm những quy định nào của Đảng và Nhà nước?

Luật sư Đặng Văn Cường: Nếu được xác định rõ, hành vi nhờ, thuê người đi thi hộ của ông Sướng có dấu hiệu vi phạm quy định của Luật Giáo dục. Điểm thi, kết quả thi là căn cứ để đánh giá kết quả học tập, căn cứ để cấp bằng, phân loại học viên. Kết quả học tập thể hiện trình độ nhận thức của học viên, là căn cứ để đánh giá năng lực, trình độ nhận thức của học viên về các môn học. Vì vậy, không thể mang nhận thức của người này (người đi thi hộ) để đánh giá tư duy, nhận thưc của người khác (người được thi hộ). Không có pháp luật quốc gia nào cho phép học viên được nhờ người khác học hộ, thi hộ.

Điều 88, Luật Giáo dục nước ta đã quy định một trong những điều cấm mà người học không được làm là “gian lận trong học tập, kiểm tra, thi cử, tuyển sinh”. Điều 13, Nghị định 138/2013/NĐ-CP về xử phạt trong lĩnh vực giáo dục cũng đã quy định làm bài hộ thí sinh hoặc trợ giúp thí sinh làm bài là hành vi vi phạm pháp luật và bị nghiêm cấm.

Điều 6, Quyết định số 42/2007/QĐ-BGDĐT ban hành Quy chế học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp hệ chính quy ngày 13/08/2007  cũng quy định các hành vi mà học sinh, sinh viên không được làm là: “gian lận trong học tập như: quay cóp, mang tài liệu vào phòng thi, xin điểm; học, thi, thực tập, trực hộ người khác hoặc nhờ người khác học, thi, thực tập, trực hộ; sao chép, nhờ hoặc làm hộ tiểu luận, đồ án, khoá luận tốt nghiệp; tổ chức hoặc tham gia tổ chức thi hộ hoặc các hành vi gian lận khác”.

Hành vi nhờ, thuê người đi học hộ, thi hộ sẽ bị xử lý như sau:

- Đối với người thuê, họ đang là sinh viên và chịu sự quản lý trực tiếp của nhà trường. Do đó, trước hết họ phải chịu các hình thức kỷ luật theo quy chế học sinh, sinh viên do Bộ Giáo dục - đào tạo ban hành và quy định của nhà trường. Các hình thức kỷ luật hiện có mà nhà trường có thể áp dụng nhẹ nhất là khiển trách và nặng nhất là buộc thôi học.

- Với người học thuê, thi thuê, theo quy định tại điểm b, điểm c, khoản 3, Điều 13 Nghị định 138/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục thì:

“3. Phạt tiền đối với các hành vi vi phạm quy chế thi theo các mức phạt sau đây:

b) Từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi làm bài hộ thí sinh hoặc trợ giúp thí sinh làm bài;

c) Từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi thi thay hoặc thi kèm người khác”.

Như vậy, hành vi thuê người thi hộ của ông Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Uy Nỗ là vi phạm quy định của Luật giáo dục và các văn bản có liên quan. Ông Sướng là học viên của Viện Đại học mở Hà Nội nên sẽ chịu hình thức kỷ luật theo quy chế học sinh, sinh viên do Bộ Giáo dục - đào tạo ban hành và quy định của nhà trường.

Mặt khác, với cương vị là một Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã – người đứng đầu một địa phương, là cán bộ công chức nhà nước, một đảng viên của Đảng cộng sản Việt Nam thì hành vi như vậy là khó được được người khác “cảm thông” và sẽ bị xử lý bởi pháp luật, luật cán bộ công chức và các quy định của điều lệ Đảng. 

Hành vi gian lận trong thi cử, bao biện, không tự giác nhận khuyết điểm trong vụ việc nêu của ông Chủ tịch không chỉ vi phạm quy định pháp luật nêu trên mà còn vi phạm phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một Đảng viên nên cán bộ này sẽ phải chịu hình thức kỷ luật với tư cách là một đảng viên theo quy định của điều lệ Đảng.

PV: Từ sự việc này, cần phải nhìn nhận thế nào về công tác quản lý và chất lượng đào tạo đối với một số quan chức?

Luật sư Đặng Văn Cường: Hiện nay, pháp luật Việt Nam cho phép và công nhận nhiều hình thức đào tạo như: Đào tạo chính quy, tại chức, đào tạo từ xa, hệ đào tạo ngoài ngân sách… Sự đa dạng hóa loại hình đào tạo như vậy để đáp ứng yêu cầu học tập ngày càng cao của xã hội, nân cao nhận thức, trình độ của người học, nâng cao trình độ lao động, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội, thực hiện quyền học tập của công dân theo quy định của Hiến pháp. 

Tuy nhiên, chất lượng của các hệ đào tạo không chính quy vẫn là câu chuyện nan giải trong đó một phần trách nhiệm thuộc về khâu quản lý của các cơ sở đào tạo. Nguyên nhân chất lượng đào tạo chưa cao một phần là do năng lực hạn chế của người học, ý thức chưa tốt của người học, sau đó là chương trình đào tạo và “bệnh thành tích” chưa được giải quyết dẫn đến phát sinh những cơ chế tiêu cực như học hộ, thi hộ, chạy điểm, chạy trường...

Không chỉ có trường hợp như của ông Sướng, nếu tăng cường kiểm tra, thanh tra, giải quyết các đơn thư tố cáo của công dân, tôi tin là sẽ còn phát hiện nhiều trường hợp khác tương tự như trường hợp của ông Sướng. 

Nếu không tăng cường công tác quản lý thì việc học hộ, thi hộ có thể thành một “nghề” kiếm tiền của sinh viên và những người ra trường mà không kiếm được việc làm. Những hệ lụy, tiêu cực phát sinh từ việc học hộ, thi hộ này sẽ ảnh hưởng lâu dài cho xã hội, làm tha hóa đạo đức của các “cán bộ đi học” và sẽ có nhiều người không đáp ứng được trình độ, nhận thức ở vị trí công tác mà mình đang đảm đương.

Vì vậy, cải cách giáo dục, tăng cường công tác quản lý trong giáo dục là một trong những biện pháp để nâng cao văn hóa xã hội, nâng cao chất lượng nguồn lao động và góp phần thúc đẩy xã hội phát triển, tiến bộ. Sẽ thật nguy hiểm nếu những người quản lý, những người giữ các cương vị lãnh đạo mà lại không có trình độ thật, ví như câu nói của Bác Hồ “Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó – Có tài mà không có đức là người vô dụng”. 

Nếu những cán bộ lãnh đạo mà sử dụng bằng cấp giả, trình độ giả thì sẽ “khó” mà đảm đương được vị trí công tác, gây tâm lý tư tưởng không tốt cho người dân, cấp dưới, thậm chí còn có thể gây hại cho xã hội.

PV: Cần kiến nghị như thế nào với ngành Nội vụ khi kiểm tra bằng cấp của các quan chức, tránh lọt lưới những người không đủ trình độ nhận thức, phẩm chất đạo đức vào hàng ngũ quan chức?

Luật sư Đặng Văn Cường: Kiểm tra bằng cấp của các quan chức không phải là một sáng kiến mới. Việc này đã triển khai rồi và đã “phanh phui” không ít trường hợp, vấn đề là cách xử lý thì không mạnh tay nên người khác “không sợ”, vẫn phát sinh những trường hợp “bằng giả”, “trình độ giả” (những người đi học thật nhưng có người thi hộ, học hộ hoặc chạy điểm, tiêu cực trong thi cử…).

Hiện nay, vấn đề học hộ, thi hộ xảy ra không ít và có xu hướng gia tăng trở thành trào lưu.

Theo tôi, để xây dựng được một đội ngũ cán bộ công chức trong sạch, vững mạnh, có đức có tài, cần phải thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp sau:

- Kịp thời thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các cán bộ công chức có hành vi gian lận, dùng bằng giả để được tuyển chọn, làm việc trong các cơ quan tổ chức Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập;

- Tiếp thu, lấy ý kiến của người dân về việc xây dựng đội ngũ cán bộ công chức trong sạch, vững mạnh;

- Tổ chức các lớp đào tạo nghiệp vụ để nâng cao kiến thức cho cán bộ công chức.

PV: Xin cảm ơn luật sư./.

Theo Hồng Chuyên/Infone/VOV.VN
Chia sẻ bài viết