Tiếng Việt | English

13/06/2020 - 03:06

Chuẩn bị cho cơ hội hợp tác kinh tế Việt Nam - Ấn Độ sau Covid-19

Thị trường Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng với doanh nghiệp Ấn Độ vốn có thế mạnh trong các lĩnh vực dược phẩm, thép và nông nghiệp.

Quan hệ kinh tế, thương mại, du lịch giữa Việt Nam và Ấn Độ sẽ có thể bùng nổ sau khi đại dịch Covid-19 được khống chế. Đây là thời điểm hai bên cần chuẩn bị các điều kiện cho mục tiêu này. Đây là nội dung cuộc hội thảo ngày 12/6, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ và Liên hiệp các Phòng thương mại và Công nghiệp Ấn Độ (ASSOCHAM) tổ chức.


Hội thảo trực tuyến với chủ đề “Việt Nam - Ấn Độ: Mô hình hợp tác mới trong hoàn cảnh Covid 19”.

Hội thảo trực tuyến với chủ đề “Việt Nam - Ấn Độ: Mô hình hợp tác mới trong hoàn cảnh Covid 19” nằm trong chuỗi 5 sự kiện giao thương trực tuyến Việt Nam - Ấn Độ nhằm tìm ra mô hình hợp tác kinh tế phù hợp trong trong bối cảnh đại dịch Covid-19 làm gián đoạn sự hợp tác toàn cầu. Cuộc hội thảo tập trung vào các chủ đề: tác động của đại dịch Covid-19 đến kinh tế toàn cầu cũng như kinh tế Ấn Độ và Việt Nam; cách thức để vượt qua khủng hoảng; vấn đề chấp nhận tình trạng bình thường mới, cơ hội hợp tác kinh doanh giữa hai nước sau khi kiểm soát được dịch bệnh, giải quyết các rào cản để khuyến khích thương mại đầu tư…  

Phát biểu tại hội thảo, đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam, ông Pranay Verma cho rằng đại dịch Covid-19 là dịp để hai bên tìm kiếm những cơ hội mới nhằm thúc đẩy hợp tác song phương, nhất là trong bối cảnh các chuỗi cung ứng toàn cầu đang thay đổi. Theo ông Verma, thị trường Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng với doanh nghiệp Ấn Độ vốn có thế mạnh trong các lĩnh vực dược phẩm, thép và nông nghiệp.

Ngoài ra, Ấn Độ cũng hy vọng các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tìm hiểu và cân nhắc đầu tư tại thị trưởng Ấn Độ nhiều hơn thời gian tới. Trong khi đó, đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ ông Phạm Sanh Châu cho rằng việc hai nước thiết lập được đường bay thẳng nối các trung tâm kinh tế của nhau là một lợi thế cho phát triển giao thương, sau khi đại dịch Covid-19 được khống chế. Bước tiếp theo cần hướng tới là mở các tuyến hàng hải trực tiếp, giúp rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa giữa hai nước.

Đại sứ Phạm Sanh Châu cho biết, Việt Nam đang xem xét việc cấp phép cho các ngân hàng Ấn Độ được mở chi nhánh tại Việt Nam, cấp visa dài hạn hơn cho doanh nghiệp Ấn Độ sang tìm hiểu cơ hội kinh doanh và du lịch tại Việt Nam.  

Trong những năm qua, Ấn Độ luôn coi trọng thúc đẩy quan hệ kinh tế gần gũi hơn với Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), coi khu vực này là trung tâm sản xuất lớn của thế giới. Kim ngạch thương mại, đầu tư song phương tăng trưởng liên tục thời gian qua. Trong số các nước ASEAN, Việt Nam với dân số 96 triệu người được coi là một nhà xuất khẩu lớn. Hiện Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Ấn Độ trong số các quốc gia ASEAN. Việt Nam là thị trường lớn thứ 8 của hàng hóa Ấn Độ xuất khẩu xét trên phương diện toàn cầu, và là thị trường lớn thứ 2 nếu xét trong số các nước ASEAN./.

Phan Tùng/VOV

Chia sẻ bài viết