- Tôi tên Sơn. Tôi mới dọn về ở căn hộ số 18 cạnh nhà cô. Từ giờ mình là láng giềng, mong rằng tối lửa tắt đèn có nhau!
Tôi đứng sững dòm thằng cha ốm nhom, cao lêu nghêu đang đứng cười cười sau khi gõ cửa bước vào căn hộ của tôi làm một hơi dài. Cái gì mà “tối lửa tắt đèn” có nhau? Bây giờ người ta xài đèn điện, lò vi sóng chứ đâu phải đèn dầu, củi rơm như hồi xưa mà nói kiểu đó! Anh chàng xoa xoa hai bàn tay có vẻ ngượng trước ánh mắt như gặp phải người ngoài hành tinh của tôi. Quả thật, tôi không quen cách tự giới thiệu, làm quen kiểu sách vở thế này. Nhớ lại mình là chủ nhà, tôi ráng nhoẻn miệng cười đãi bôi:
- À, thì ra anh là chủ nhân của căn hộ số 18. Tôi là Lan, mời anh ngồi! Anh dọn về từ khi nào mà tôi không biết?
Tôi hỏi cho có chuyện thôi, chứ thực ra tôi nghe thấy tiếng động và biết có người chuyển đến ở từ hôm qua. Chung cư mấy trăm căn hộ giống nhau như anh em sinh cùng trứng, chỉ khác nhau con số và chìa khóa để mở cửa. Khít tường liền vách, bên kia ho lớn bên này còn nghe huống hồ chi kê dọn tủ, giường.
- Dạ, tôi dọn về hồi trưa hôm qua. Cũng gọn thôi vì tôi chỉ có chút đỉnh quần áo với xoong nồi. Cô sống ở đây với… - Hắn ngập ngừng nhìn tôi không nói hết câu. Tự nhiên tôi cảm thấy muốn nổi sùng nên lạnh lùng trả lời:
- Tôi sống với con trai tôi. Cháu đi học bán trú, chiều mới về.
- Còn ba cháu chắc đi làm xa cuối tuần mới về?
- Anh ấy... Anh ấy sống ở một nơi khác, không dính dáng gì đến mẹ con tôi!
Tôi cố gắng giữ cho giọng nói thản nhiên nhưng hình như không được thành công mấy vì cảm giác nghẹn ngào muốn khóc đang dâng ngập trong lòng. Ừ, mà khi không lại dài dòng với hắn chi cho mệt, cứ gật đầu ừa đại cho rồi. Tôi tức mình đâm ra thấy ghét hắn, gã hàng xóm mới toanh nhiều chuyện. Hắn bối rối, ấp úng:
- Xin lỗi! Tôi... tôi thực tình không cố ý... Tôi chỉ định làm quen với anh nhà! - Ánh mắt hối lỗi thật lòng của hắn khiến tôi thấy mình hơi vô lý.
- Không sao. Chuyện xảy ra lâu rồi, tôi không còn buồn nữa. Ở đây ít bữa rồi anh sẽ làm quen với con trai tôi. Cháu nó học lớp một, lém lỉnh lắm!
Tôi mỉm cười, tránh cái nhìn thăm thẳm dò hỏi:
- Xin phép anh, giờ tôi phải đi đón cháu. Anh có cần gì tôi sẽ cố giúp trong khả năng. Nhưng chắc là anh sẽ bị quấy rầy nhiều vì những việc nhờ vả của mẹ con tôi.
- Tôi cũng mong giúp ích được cho cô với bé. Tôi về đây sống một mình nên cần bạn bè. Mong cô bỏ qua vì tôi đã đường đột…
- Không có chi! - Tôi khách sáo đáp lời.
Hắn cười thật hiền chào tôi ra về. Tôi cũng làm ra vẻ hấp tấp đi đón con nhưng thật ra chưa tới giờ tan trường. Suốt đường đi, tôi cứ miên man suy nghĩ về người láng giềng lúc nãy. Hắn làm nghề gì? Hắn ăn nói nhỏ nhẹ, lịch sự nhưng bản chất có thật như vậy hay chỉ là lớp vỏ giả bộ bên ngoài? Hắn có vẻ hiền lành, dễ mến. Hắn bảo hắn sống một mình... lẽ nào chưa vợ, chưa con? Ôi hơi đâu mà tin! Thời buổi bây giờ, kẻ gian nhiều hơn người ngay. Tôi lắc đầu xua đi những ý nghĩ bận lòng. Hắn là ai, tốt xấu gì kệ hắn, miễn mình thận trọng đề cao cảnh giác là được. Tôi khẽ thở dài. Thật đáng buồn khi sống mà không dám tin ai. Người yêu thương đầu ấp tay gối còn lường gạt mình huống chi kẻ lạ người dưng. Nhưng tôi quên đi một điều rằng, người ta chỉ có thể đề phòng không để mất của cải, tài sản chứ mấy ai mà khư khư giữ nguyên vẹn được trái tim mình...
*
- Con đọc gì đó? Con đã làm toán, tập viết xong chưa?
Bé Hưng lấm lét nhìn tôi cau mày: - Con đọc Đô-rê-mon. Con học bài xong hết rồi!
- Đô-rê-mon ở đâu mà con có? - Tôi giằng lấy quyển sách trên tay con.
- Chú Sơn cho con.
- Con qua bên ấy vòi vĩnh phải không?
Bé Hưng phụng phịu: - Con hổng có đòi, tự chú Sơn cho. Con khoe chú Sơn điểm mười nên chú thưởng cho con. Chú nói…
- Hổng có nói rằng gì hết á! Mẹ cấm con không được qua bên đó chơi!
- Nhưng mà... nhưng mà... Bé Hưng xụ mặt làm thinh, tránh cái lừ mắt nghiêm khắc của tôi. Thằng bé buồn xo nằm úp mặt vô gối, không thèm nhìn mẹ. Tôi ngồi thừ suy nghĩ vẩn vơ. Hắn tốt bụng thiệt chứ không phải giả bộ màu mè. Hình như hắn biết đủ thứ nghề. Tuần này, hắn gắn giùm bóng đèn căn hộ 13; tuần sau, hắn sửa ống nước giúp căn hộ 20 rồi đóng la-phông cho căn hộ 16;... Nghề chính của hắn là sửa xe ôtô trong một ga-ra lớn của thành phố. Hắn sống hồn nhiên, hòa nhập, giúp đỡ hết bà con láng giềng chứ không riêng gì mẹ con tôi đâu!
Tôi dặn lòng mình như thế để dập tắt ngọn lửa cứ chực nhen nhóm trong tim. Tôi cứ bị ám ảnh bởi cái nhìn thiết tha ấm áp, cứ bận lòng bởi sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt giống như một người cha của hắn dành cho bé Hưng. Tôi dằn vặt rồi cười chế nhạo mình rằng tôi đang tự ru ngủ bản thân, rằng tôi đánh giá mình quá cao. Tôi không còn là thiếu nữ xinh tươi mà mơ mộng. Tôi đã va vấp trong tình cảm, đã đổ vỡ trong hôn nhân. Tôi không thể phiêu lưu hay thất bại. Tôi đã có bé Hưng, nó là tất cả những gì quý giá mà tôi còn giữ được. Tôi nhốt mình trong vỏ kén lạnh lùng, kiêu hãnh nhưng bước chân tôi cứ như bị ríu lại bởi một lực hút vô hình mỗi khi bước qua căn hộ số 18. Dù không liếc nhìn vào nhưng tôi vẫn cảm nhận được ánh mắt thiết tha, nồng ấm đang dõi theo. Những khoảnh khắc đó, tôi lại có cảm giác giống như là hạnh phúc. Lòng tôi xôn xao, tâm hồn tôi reo vui như lần đầu biết yêu của thời xa lắc ấy. Rồi đêm về tôi lại buồn bã, âu lo, cười giễu sự lố bịch của mình. Ngộ nhận thôi, Lan ạ! Hắn trẻ trung, phong độ thế kia mà thèm quan tâm đến một phụ nữ thất bại như mày sao? Và tôi lại u sầu chui vào lớp bọc lạnh lùng vì tự ti, mặc cảm.
Chỉ có bé Hưng là vô tư quyến luyến hắn bất chấp những lời dặn dò, những biện pháp ngăn chặn khéo léo của tôi. Cũng dễ hiểu thôi. Bé cần một người cha để được nâng niu, vui đùa, tâm sự mà hắn thì quá đủ đầy tiêu chuẩn. Bé cứ lén tôi trốn sang bên ấy rồi lấm lét chạy về nhà vì sợ bị mẹ đánh đòn. Tôi không khỏi xúc động, bồi hồi khi nhìn cảnh hắn âu yếm trìu mến bé Hưng và những cử chỉ, lời nói dễ thương của thằng bé đáp lại. Những lúc như thế, khi phát hiện thấy tôi, thằng bé vội lách ra khỏi vòng tay hắn, chạy vội về phía mẹ, ánh mắt nửa sợ hãi, nửa lo lắng chăm chăm nhìn về phía hắn như năn nỉ: “Chú đừng giận! Cháu thương chú nhưng mà mẹ cháu không cho phép!”.
Còn hắn đứng đó lặng yên nhìn mẹ con tôi bằng ánh mắt thương mến lẫn thất vọng. Tôi biết cảm nhận của mình không sai nhưng sao vẫn không dám tin mình đoán đúng. Hắn có nỗi đau tình cảm nặng trĩu trong lòng cũng giống như tôi. Tôi ngày càng dè dặt hơn trong tiếp xúc, cư xử, trong lời ăn tiếng nói và hắn cũng thận trọng, ý tứ với tôi hơn, cho đến một ngày...
*
- Cô Lan nghe tin gì chưa? - Bà Sáu ở căn hộ số 21 sải bước về phía tôi lên tiếng. Tôi tra chìa khóa vào ổ, cầm nắm cửa ngạc nhiên nhìn bà:
- Dạ, tin gì vậy bác Sáu?
- Cậu Sơn ở căn hộ số 18 kế nhà cô chắc khó lòng qua nổi, nghe đâu đang hấp hối trong nhà thương á!
- Hả? Mà... sao... như vậy? - Tôi sững người, tròn mắt nhìn bà.
- Cậu ấy rượt theo tên cướp rồi bị nó đâm vô tim. Chung cư mình rủ nhau vô trỏng rồi. Mà sao bữa nay cô về trễ quá vậy?
Tôi cũng không nhớ tôi đã mở cửa, đối đáp thế nào với bà hàng xóm. Tay chân tôi bủn rủn. Trái tim tôi quặn thắt nhoi nhói đau. Hắn đang hấp hối hoặc chết rồi cũng nên. Tôi ứa nước mắt, thảng thốt tê tái như sắp mất một người thân.
Phòng cấp cứu bệnh viện A. Tôi phải đi đến đó ngay. Với tư cách gì?... Láng giềng?... Đến nước này, tôi không ngần ngại, e dè nữa. Dối lòng làm gì khi giờ đây hình bóng, nụ cười hắn ngập đầy trong tim tôi. Tôi gọi điện gửi bé Hưng cho cô giáo rồi hối hả chạy đến bệnh viện với điều khấn nguyện thiết tha: “Xin trời phật phù hộ cho ảnh đừng chết!”.
Tôi rưng rưng nhìn anh nằm bất động, mê man giữa drap giường trắng toát. Hàng xóm đã ra về, chỉ còn lại mình tôi.
- Chú Sơn tứ cố vô thân, vì nghĩa gặp nạn, chung cư mình luân phiên mà lo cho chú ấy!
- Bác Tư nói phải. Chú ấy ở căn hộ số 18, cô Lan căn hộ số 19 trực đêm nay rồi cứ vậy xoay vòng.
- Thiệt ở hiền gặp lành! Chú ấy tốt bụng, hay giúp đỡ người khác nên trời thương! Bác sĩ nói mũi dao lệch một chút là hết phương cứu chữa...
Mỗi người một câu, ai cũng quý mến anh! Cảm ơn vô cùng lời đề nghị của chủ căn hộ số 15. Giờ thì tôi được danh chính ngôn thuận ở bên cạnh, lo lắng, chăm sóc cho anh mà không phải ngại ngùng, e sợ. Tôi ngồi cạnh ngắm anh xanh xao giữa màu trắng tang tóc, bất chợt lòng tôi dấy lên nỗi lo sợ mơ hồ. Tôi cầm tay anh vuốt nhẹ thầm thì: “Xin anh đừng chết! Xin anh đừng chết!”.
Giờ thì tôi biết tôi đã yêu thương anh mất rồi! Tôi lặng lẽ khóc... Khóc vì thương, vì lo, vì thất bại trong việc chế ngự tình cảm của bản thân mình. Tôi thiếp đi lúc hơn nửa đêm về sáng với những vệt nước mắt còn chưa khô.
*
Mở mắt ra, tôi gặp ngay ánh mắt nồng nàn biết nói của anh.
- Anh đã tỉnh! - Tôi vui mừng thốt lên rồi đỏ bừng hai má. Bàn tay anh khẽ động đậy trên má tôi rồi dừng lại ở khóe đuôi còn ươn ướt. Tôi đặt nhẹ tay anh xuống giường, đứng yên cắn môi. Đi nuôi bệnh mà ngủ mê mệt đến người bệnh tỉnh dậy cũng không hay, thật mất mặt quá đỗi! Môi anh mấp máy, tôi vội cúi xuống gần để nghe. Và trời ạ, những lời thầm thì từ môi anh mới tuyệt làm sao! Từng chữ, từng lời thấm sâu vào mạch máu làm trái tim tôi mở ra, chất chứa hết những ngọt ngào trên thế gian.
- Anh đã nghe lời cầu nguyện của em! Đừng chạy trốn anh, đừng dối lòng mình nữa được không em? Em biết là anh yêu thương mẹ con em vô cùng! Anh đã có vợ con nhưng cô ấy bảo nó không phải là con anh và bồng nó theo người ta cách đây sáu năm. Anh đã đau khổ, đã tuyệt vọng và đã hồi sinh khi gặp mẹ con em! Anh hiểu nỗi đau mà em gánh chịu bằng nỗi đau của chính bản thân mình. Nếu anh không chết, nhất quyết anh sẽ yêu thương, bảo bọc mẹ con em suốt đời! - Anh nói thật khẽ dù đã cố hết sức.
Tôi quỳ thụp xuống, hoảng hốt cầm chặt bàn tay xương xương của anh.
- Anh đừng nói gở không nên. Bác sĩ nói anh đã qua cơn nguy kịch, anh không thể nào chết được! Anh phải sống vì... em!
Tôi nghẹn ngào, nước mắt lăn dài trên má soi bóng trong mắt anh ngân ngấn nước. Mặt thoáng nét cười, ngón tay anh khẽ nâng niu giọt nước mắt ngập ngừng trên môi tôi.
Tuyết Mai