Tiếng Việt | English

28/10/2017 - 13:30

Chung 'kịch bản' lừa ở phòng khám Trung Quốc ?

"Kịch bản" chung là bệnh nhân đến phòng khám thì nhân viên tiếp tân giải thích phải đi xét nghiệm, siêu âm... vài trăm ngàn.


Bệnh nhân N.T.M.D. bị phòng khám Đại Đông (Q.Tân Bình, TP.HCM) vẽ bệnh, "chặt chém" phải cầu cứu báo Tuổi Trẻ giải cứu ra khỏi phòng khám này - Ảnh cắt từ clip của L.T.H. - Đ.PH. 

"Tôi và Giám đốc Sở Y tế từng ngồi nghe bệnh nhân phản ảnh. Cách đây vài ngày có bốn bệnh nhân đến thanh tra sở phản ảnh và họ nói chúng tôi rất nặng lời. Họ đặt vấn đề thanh tra có tiếp tay, có buông lỏng quản lý phòng khám Trung Quốc? Họ hỏi sao không đóng cửa các phòng khám này"

Ông Bùi Minh Trạng (chánh thanh tra Sở Y tế TP.HCM)

Làm xong, nhân viên hành chính bảo bệnh nhân phải đi soi, đi đốt, đi thông... vì bệnh này, bệnh kia. Bệnh nhân nằm trên bàn thủ thuật rồi, bác sĩ Trung Quốc vừa làm, thông dịch viên vừa nói bệnh nặng lắm, nếu không điều trị thì bị ung thư...

Ông Bùi Minh Trạng, chánh thanh tra Sở Y tế TP.HCM, đã đúc kết như vậy về các phòng khám Trung Quốc tại buổi làm việc với các phòng khám này sáng 27/10.

Sở Y tế mời chủ đầu tư và bác sĩ phụ trách chuyên môn của 17 phòng khám Trung Quốc, nhưng chỉ có 15/17 phòng khám có người đến họp, 5/17 bác sĩ phụ trách chuyên môn và lác đác vài chủ đầu tư có mặt.

Có bệnh nhân phải trả 70-80 triệu đồng

Mở đầu cuộc họp, ông Bùi Minh Trạng cho biết thời gian qua thanh tra Sở Y tế nhận được rất nhiều phản ảnh của người bệnh về phòng khám Trung Quốc.

Qua các phản ảnh này cho thấy việc khám chữa bệnh của phòng khám Trung Quốc đều có chung một "kịch bản" như trên.

Theo đó, sau khi hù bệnh nhân có thể ung thư, họ đưa ra ba gói trị liệu với giá 20 triệu, 10 triệu và 7 triệu đồng.

Bệnh nhân sợ quá, chọn gói trị liệu giá cao nhất nhưng vẫn chưa thoát. Bác sĩ Trung Quốc lại nói nào là bao quy đầu dài quá, có cắt không, nếu để có thể bị ung thư... rồi lại đưa ra ba gói trị liệu.

Bệnh nhân chọn trị liệu tiếp nhưng vẫn chưa hết, bác sĩ lại tiếp tục nói hậu môn có cái này cái khác, cổ tử cung bị loét... Thế là bệnh nhân mất vài chục triệu, thậm chí có người phải trả 70-80 triệu đồng.

Ông Trạng còn nêu nhiều phòng khám Trung Quốc tìm cách đối phó với cơ quan quản lý y tế.

Cụ thể như hồ sơ khám bệnh không ghi rõ địa chỉ bệnh nhân khiến thanh tra Sở Y tế không thể tiếp cận và tìm ra bệnh nhân phản ảnh.

Thế nhưng khi thanh tra đến làm việc với phòng khám để làm rõ phản ảnh của bệnh nhân, phòng khám lại liên lạc được với người bệnh để thương lượng trả lại tiền và người bệnh rút lại khiếu nại đối với phòng khám.

Về giá khám chữa bệnh, ông Trạng nói tuy các phòng khám được quyền tự định giá nhưng phải công khai với người bệnh.

Ông Trạng đặt vấn đề: "Sao không chẩn đoán toàn diện mọi vấn đề liên quan đến người bệnh, đưa ra phương pháp điều trị và chi phí điều trị xem người bệnh có đồng ý không.

Vì sao có nhiều bệnh nhân phải "thiếu nợ" phòng khám Trung Quốc, phải thế chấp chứng minh nhân dân, giấy tờ xe, thậm chí cả xe máy?

Có sinh viên trong túi chỉ có 1 triệu đồng đến khám bệnh mà phòng khám cho thiếu tới 7-8 triệu đồng. Trong khi tất cả bệnh nhân này đều không phải bệnh cấp cứu, cần điều trị ngay. Như vậy có phải lừa dối người bệnh không?".

Ông Trạng cũng bức xúc cho rằng cách đây một năm, thanh tra Sở Y tế đã tổ chức cuộc họp với đại diện các phòng khám Trung Quốc và đã nói nhiều về các vấn đề nêu trên, nhưng vi phạm tại các phòng khám vẫn không thuyên giảm.

"Toàn TP có 254 phòng khám, nhưng chỉ có nhóm 17 phòng khám Trung Quốc là người bệnh phản ảnh nhiều nhất, bức xúc nhất" - ông Trạng nói.

Phụ trách chuyên môn hay cho thuê bằng?

Tại cuộc họp này, thanh tra Sở Y tế thông báo các biện pháp chấn chỉnh mới nhất đến các phòng khám Trung Quốc và đề nghị đại diện các phòng khám về thông báo lại cho chủ đầu tư, bác sĩ phụ trách chuyên môn phòng khám để thực hiện. Nếu không thực hiện, phòng khám có thể sẽ bị tạm ngưng hoạt động.

Cụ thể, các phòng khám Trung Quốc phải gửi bảng giá chi tiết về Sở Y tế để sở đăng công khai bảng giá lên trang web, để phòng khám khỏi nói "thu lộn" rồi trả lại cho bệnh nhân.

Ngoài ra, Sở Y tế cũng sẽ xem xét lại danh mục dịch vụ kỹ thuật, nhất là những dịch vụ liên quan đến các bệnh nhạy cảm và hay vi phạm ở phòng khám. Nếu cần thiết sẽ không duyệt cho phòng khám Trung Quốc thực hiện dịch vụ kỹ thuật đó nữa.

Về chẩn đoán bệnh, ông Trạng đề nghị các phòng khám phải thực hiện nghiêm túc, mọi chuyện khám chữa bệnh cho bệnh nhân phải công khai minh bạch trong hồ sơ bệnh án.

Sở đã nhiều lần chấn chỉnh nhưng phòng khám vẫn bất chấp hoặc làm đối phó vì lỗi này chỉ phạt vài trăm ngàn. Sắp tới bác sĩ nào chẩn đoán bệnh nhân hai ba lần, sở sẽ mời phòng khám và bác sĩ đó lên làm việc.

Thanh tra Sở Y tế cũng sẽ công khai số điện thoại bác sĩ phụ trách chuyên môn cho phòng khám Trung Quốc lên trang web để người bệnh có bức xúc gì sẽ gọi điện thoại trực tiếp và các bác sĩ này phải có trách nhiệm giải quyết, không thể né tránh mãi.

"Chúng tôi mời nhà đầu tư, bác sĩ phụ trách chuyên môn phòng khám lên họp nhưng quý vị không quan tâm, không đến dự. Những bác sĩ phụ trách chuyên môn nào không đến dự hôm nay chúng tôi sẽ mời từng người lên làm việc.

Phụ trách chuyên môn mà không thực sự làm việc thì chỉ có thể là cho thuê mướn bằng. Không thể phụ trách chuyên môn mà nói không biết chuyện gì xảy ra ở phòng khám... Sắp tới chúng tôi sẽ làm rõ ai là người cho thuê bằng" - ông Trạng khẳng định.

Phụ trách chuyên môn đều là bác sĩ VN

Dù chánh thanh tra Sở Y tế TP.HCM mời đại diện các phòng khám có ý kiến rất nhiều lần, nhưng tất cả đều im lặng.

Chỉ đến khi được gọi đích danh thì một số bác sĩ phụ trách chuyên môn mới nói vài câu. Điều đáng nói là 17 bác sĩ phụ trách chuyên môn tại 17 phòng khám Trung Quốc đều là bác sĩ VN!

Phát biểu tại cuộc họp này, bác sĩ Nguyễn Vĩnh Thanh (phụ trách chuyên môn phòng khám Ba Tháng Hai) đề nghị tách bạch trách nhiệm giữa chủ đầu tư và bác sĩ phụ trách chuyên môn.

"Đa số vi phạm là về tiền bạc mà cái đó thì chả có ông phụ trách chuyên môn nào kiểm tra được vì nó toàn xảy ra trong phòng mổ. Họ vào trong phòng mổ rồi họ đẻ ra đủ thứ lung tung.

Chỉ còn cách không cho phòng khám Trung Quốc hoạt động thôi. Theo tôi, phải siết ông chủ đầu tư thì mới thành công, còn không thì nó vẫn tái diễn thôi".

Ông Thanh chỉ nói về chủ đầu tư phòng khám, không đá động gì đến trách nhiệm của bác sĩ phụ trách chuyên môn dù thực tế tại phòng khám Ba Tháng Hai người bệnh mới đây phản ảnh không bệnh cũng bị vẽ bệnh, bệnh ít hù dọa bệnh nhiều, bệnh nan y.../.

Theo tuoitre.vn

Chia sẻ bài viết