Tiếng Việt | English

17/10/2021 - 18:31

Chung sức vượt qua nghịch cảnh: Tiếp sức cho người dân và doanh nghiệp

Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ với gói 26.000 tỷ đồng mang ý nghĩa hết sức nhân văn, hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động ảnh hưởng do đại dịch vượt qua khó khăn.

Hà Nội thực hiện chi trả hỗ trợ tiền mặt cho người lao động theo Nghị quyết 68/NQ-CP. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư ở Việt Nam được đánh giá là khốc liệt gấp nhiều lần so với ba đợt dịch trước. Biến chủng Delta đã khiến đời sống kinh tế-xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tính mạng, sức khỏe của nhân dân bị đe dọa, doanh nghiệp và người lao động lao đao vì khó khăn. Do mất việc làm, hàng vạn người phải về quê.

Trước nghịch cảnh gây ra, song song với các biện pháp chống dịch và đảm bảo an sinh xã hội của Chính phủ là sự đồng hành, vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị với những hành động cụ thể. Tất cả hướng tới mục đích: Chung sức vượt qua đại dịch.

Triển khai vào đầu tháng 7/2021- thời điểm làn sóng dịch lần thứ tư COVID-19 bùng phát mạnh, Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ với gói 26 nghìn tỷ đồng mang ý nghĩa hết sức nhân văn: Hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch. Chính sách giúp đỡ đó thể hiện đúng tinh thần đạo lý “Một miếng khi đói bằng một gói khi no.”

“Một miếng khi đói…”

Chưa bao giờ gia đình bà Vũ Thị Đào, một hộ nghèo ở phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, lại thấy khó khăn như lúc này. Bà Đào là lao động tự do còn chồng bà đã về hưu. Con gái hai ông bà mắc bệnh tâm thần lại có con nhỏ. Nguồn sống của gia đình là một hàng tạp hóa nhỏ nhưng mấy tháng qua phải đóng của để góp phần ngăn chặn sự lây lan của đại dịch. Bởi thế, khi là một trong những hộ đầu tiên nhận tiền hỗ trợ từ Chính phủ, bà Đào mừng lắm.

Chia sẻ niềm vui đón nhận số tiền hỗ trợ dẫu không lớn nhưng có thể giúp bà giải quyết một phần khó khăn đang bủa vây lúc này, bà Vũ Thị Đào cho biết cuộc sống của gia đình rất khó khăn trong nhiều tháng qua vì phải thực hiện giãn cách xã hội nhằm ngăn dịch bệnh lây lan.

Ngay sau khi Nghị quyết 68 và Quyết định số 23 chính thức có hiệu lực, cán bộ Ủy ban Nhân dân phường đến động viên, thăm hỏi và hướng dẫn bà làm hồ sơ đề nghị được hưởng chính sách hỗ trợ.

“Sau một tuần nộp hồ sơ đề nghị thì đến cuối tháng Tám, nhà tôi đã được nhận 1,5 triệu đồng tiền hỗ trợ của Chính phủ. Chúng tôi rất phấn khởi trước sự quan tâm kịp thời của Đảng, Nhà nước” - bà Vũ Thị Đào bộc bạch.

Cũng lao đao vì đợt dịch thứ tư là ông Trần Quốc Nam ở phố Hàng Chuối, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Cuộc sống của người thợ cắt tóc tự do này vốn đã khó khăn, nhiều tháng qua lại càng thêm bế tắc vì giãn cách xã hội. Nhưng áp lực đó đã vơi đi phần nào khi ông được tiền hỗ trợ của Chính phủ.

Kể lại niềm vui đầu tháng Chín vừa qua được nhận hỗ trợ với mức 1,5 triệu đồng cho lao động tự do không có giao kết hợp đồng theo Nghị định 68 thực hiện theo Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ, ông Trần Quốc Nam bày tỏ: “Chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch là hết sức ý nghĩa, giúp đỡ tôi vượt qua khó khăn trước mắt, ổn định cuộc sống. Tôi rất cảm ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với những người gặp khó khăn như chúng tôi.”

Cũng chịu nhiều tác động từ đại dịch là chị Nguyễn Mai Ánh, chủ nhóm trẻ mầm non tư thục Hoa Anh Đào, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Theo chia sẻ của người phụ nữ này, trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, mầm non tư thục Hoa Anh Đào gồm có 3 điểm trường. Nhưng đến làn sóng thứ tư của đại dịch thì chị buộc phải thu gọn quy mô xuống còn 1 điểm.

“Để duy trì một điểm trường này với cơ sở vật chất cùng 11 giáo viên là rất chật vật khi nguồn thu không có. Đúng thời điểm này, Chính phủ có quyết định hỗ trợ, tôi cũng được các cán bộ phường tư vấn, hướng dẫn cụ thể. Mới đây, cán bộ phường đã thông báo hiện đã có quyết định hỗ trợ cho chúng tôi theo Nghị quyết 68,” chị Nguyễn Mai Ánh kể.

Bà Vũ Thị Đào, ông Trần Quốc Nam, chị Nguyễn Mai Ánh chỉ là số ít trong hơn 1,7 triệu trường hợp bị ảnh hưởng sâu bởi COVID-19 ở Hà Nội được giúp đỡ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ. Ngay sau khi chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch được triển khai, các quận, huyện trên địa bàn đã khẩn trương rà soát, lập danh sách người lao động, người dân, hộ kinh doanh cá thể… để đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố phê duyệt.

Từ tháng 7 đến nay, hơn 800 tỷ đồng theo chính sách hỗ trợ an sinh xã hội này đang đến đúng và đến tận tay những đối tượng thụ hưởng tại các địa phương trên toàn thành phố.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Phạm Đình Hổ (Hai Bà Trưng, Hà Nội) Dư Thị Thư, đối việc hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Ủy ban Nhân dân phường đã thành lập Hội đồng xét duyệt và phối hợp với các tổ dân phố triển khai rà soát và phát tờ khai cho người lao động không có hợp đồng lao động và những hộ, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn.

Việc lập hồ sơ, danh sách các trường hợp bị ảnh hưởng được thực hiện gấp rút, giảm tối đa các thủ tục nhưng vẫn đảm bảo đúng đối tượng, đúng quy định.

“Tính đến thời điểm hiện tại, chúng tôi đã tiến hành xét duyệt và chi trả cho 1.414 hồ sơ người lao động và hộ kinh doanh bị ảnh hưởng do dịch COVID-19,” bà Dư Thị Thư cho hay.

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) Trần Trung Tuyển, ngay sau khi Hội đồng xét duyệt của phường Xuân Đỉnh được thành lập đã khẩn trương tiến hành rà soát, hướng dẫn, phát tờ khai cho người lao động và những hộ, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn.

“Kết quả đến nay là bước đầu chúng tôi đã xét duyệt và đề nghị quận ra quyết định hỗ trợ trực tiếp cho trên 500 lao động tự do, 32 nhóm lớp mầm non, trên 100 hộ kinh doanh trên địa bàn,” ông Trần Trung Tuyến cho biết.

Chung sức chung lòng

Trước những tác động tiêu cực từ làn sóng dịch thứ tư, Hà Nội chỉ là một trong các địa phương trên cả nước khẩn trương, nhanh chóng triển khai gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng của Chính phủ đến người dân, người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch.

 

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP, các tỉnh, thành phố trên cả nước đã thực hiện khẩn trương việc rà soát và chi trả, hỗ trợ nhưng vẫn đảm bảo theo đúng quy định. Tất cả với tinh thần cái gì cắt giảm được thì cắt giảm, đơn giản thủ tục được thì đơn giản để hỗ trợ nhanh nhất người lao động và doanh nghiệp.

Đặc biệt, cả hệ thống chính trị cũng đã vào cuộc với những hành động cụ thể giúp người dân và doanh nghiệp như giảm giá điện, nước sạch sinh hoạt, dịch vụ viễn thông, giảm 30% tiền thuê đất của năm 2021 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Chính phủ đã xuất cấp không thu tiền hàng trăm ngàn tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia giúp người dân không bị đói ăn đứt bữa. Ngoài các chính sách của Trung ương, các tỉnh, thành phố cũng khẩn trương, linh hoạt thực hiện nhiều giải pháp theo đặc thù ở mỗi nơi.

Chính những chính sách có tính nhân văn này đã góp phần làm người dân tin tưởng, yên tâm thực hiện quy định “Ai ở đâu, ở yên đó,” nhằm kiểm soát nguồn lây nhiễm cộng đồng. Việc cả nước dần trở lại trạng thái bình thường mới sau thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội chính là minh chứng rõ nét sự hiệu quả của việc đảm bảo an sinh xã hội trong bối cảnh phức tạp của đại dịch.

Đặc biệt, nhằm thích ứng với trạng thái bình thường mới, vừa qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp Phiên bất thường thông qua chính sách hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Việc này đã mở đường cho sự ra đời Nghị quyết 116/NQ-CP của Chính phủ với gói hỗ trợ 38 nghìn tỷ đồng nhằm giúp người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Đây là một chính sách chưa có tiền lệ.

Ông Nguyễn Thượng Thuyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần SABRE cho biết là đơn vị thành viên của Vietnam Airlines, 2 năm qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hoạt động của doanh nghiệp hầu như bị đóng băng.

Việc được giảm mức đóng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp xuống còn 0% trong vòng 1 năm giúp doanh nghiệp tiết kiệm được 240 triệu đồng, có thêm nguồn lực để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

“Với chính sách hỗ trợ bằng tiền cho người lao động đợt này, người lao động và gia đình của họ có thể giảm bớt khó khăn, ổn định cuộc sống và qua đó góp phần tránh tình trạng đứt gãy hoặc thiếu hụt lao động, đặc biệt là trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch tới đây, khi bước vào giai đoạn phát triển bình thường mới. Với doanh nghiệp các chính sách giúp giảm tải chi phí, bảo tồn dòng tiền, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm việc làm cho người lao động,” ông Nguyễn Thượng Thuyết cho hay.

Đánh giá về những tác động tích cực của các chính sách an sinh xã hội này, mới đây Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định các chính sách an sinh của Chính phủ đều thể hiện tinh thần nhân văn, thể hiện sự chung sức chung lòng để chăm lo cho người lao động, chia sẻ với người lao động để vượt qua đại dịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Chia sẻ bài viết