Tiếng Việt | English

05/10/2020 - 10:55

Chung tay bảo vệ những mầm non

Theo số liệu thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Long An, tỷ lệ trẻ em bị tai nạn, thương tích (TNTT) trong 5 năm qua có giảm. Tuy nhiên, tỷ lệ trẻ tử vong do tai nạn giao thông thì lại không hề giảm. Điều đó nhắc nhở rằng, công tác phòng, chống TNTT cho trẻ em luôn cần sự quan tâm của toàn xã hội.

Giáo viên Trường Tiểu học Thị trấn Thủ Thừa đưa học sinh ra cổng theo lối đi kẻ sẵn

Giáo viên Trường Tiểu học Thị trấn Thủ Thừa đưa học sinh ra cổng theo lối đi kẻ sẵn

Từ những ngôi nhà an toàn

Từ khi nhà có 2 đứa cháu, gia đình ông Phan Văn Hùng (ấp 2, xã Thạnh An, huyện Thạnh Hóa) luôn để ý việc sắp xếp các vật dụng nguy hiểm trong nhà ra khỏi tầm tay các bé. Cháu lớn năm nay 4 tuổi, đang ở độ tuổi hiếu động, hay khám phá, nhà lại ngay mặt đường nên gia đình ông Hùng xây dựng hàng rào kiên cố quanh nhà. Các ao, hào quanh nhà cũng được rào kín nhằm ngăn chặn nguy cơ có thể gây tai nạn cho cháu.

Ông Hùng cho biết: “Trước khi con dâu tui sinh đứa lớn, nhà tui đã xây hàng rào rồi. Mấy ổ cắm điện trong nhà tui đưa lên cao hết mà còn mua thêm nắp đậy kín lại nữa. Dao hay bếp gas đều để chỗ cao”. Với cách làm đó, gia đình ông Hùng đạt các tiêu chí về Ngôi nhà an toàn.

Cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xã Thạnh An - Đổng Hồng Diễm cho biết, thực hiện theo kế hoạch xây dựng Ngôi nhà an toàn do Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện triển khai, năm 2019, xã tiến hành khảo sát, tuyên truyền, nhắc nhở 300 hộ gia đình có trẻ em tại 4 ấp về các tiêu chí Ngôi nhà an toàn. Nhiều gia đình đã thực hiện tốt các tiêu chí như gia đình ông Hùng, một số gia đình khác vẫn còn thiếu sót và được đoàn công tác tuyên truyền, nhắc nhở nhằm bảo đảm an toàn cho trẻ.

Bà Phạm Thị Một, ngụ ấp 2, xã Thạnh An, cho biết, mặc dù trong nhà có cháu nhỏ nhưng do điều kiện kinh tế gia đình chưa ổn định nên bà không làm hàng rào. Sau khi đoàn công tác đến khảo sát, nhắc nhở, bà Một đã làm tạm hàng rào cây quanh nhà để bảo đảm an toàn cho bé.

Bà Một nói: “Tui tính để qua năm đủ tiền thì xây hàng rào luôn mà mấy cô tới nhắc nên tui nói ông xã đóng tạm hàng rào cây. Cháu nhỏ ở nhà tui không khi nào tui để rời tầm mắt nhưng có cái hàng rào cũng yên tâm hơn”.

Mô hình Ngôi nhà an toàn chủ yếu giúp các hộ dân có trẻ em dưới 8 tuổi nâng cao ý thức trong việc phòng ngừa TNTT cho trẻ. Bởi một bộ phận không nhỏ trẻ em gặp TNTT ngay tại nhà mình. Trong những tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh có 251 trẻ em bị TNTT, trong đó có đến 103 trường hợp gặp TNTT tại nhà.

Đến sự chung tay của toàn xã hội

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Nguyễn Thị Bạch Huệ, có nhiều nguyên nhân dẫn đến TNTT trẻ em: Nhận thức của cộng đồng về phòng, chống TNTT trẻ em còn hạn chế; cán bộ một số địa phương còn thiếu kiến thức, kỹ năng về phòng, chống TNTT trẻ em; các bậc cha mẹ chủ quan, thiếu sự quan tâm đến trẻ.

Phòng, chống TNTT trẻ em là việc làm đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành nhằm tạo được môi trường an toàn cả ở gia đình, trường học và cộng đồng cho trẻ. Điều đó sẽ giúp hạn chế TNTT ở trẻ em, nhất là tai nạn giao thông và tai nạn đuối nước. Ðây là hai dạng TNTT xảy ra thường xuyên và tỷ lệ gây tử vong khá cao ở trẻ.

Mỗi năm, các Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, thị xã, thành phố thành lập đoàn kiểm tra thực tế đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học trong việc kiểm tra công nhận trường học an toàn, phòng, chống TNTT. Các trường đều phải bảo đảm xây dựng môi trường an toàn cho trẻ, có cán bộ, nhân viên y tế, giáo viên được tập huấn về phòng, chống TNTT và sơ cứu khi xảy ra tai nạn. Ngoài ra, trường còn phối hợp thực hiện mô hình Đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn giao thông trước cổng trường học nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc học sinh bị tai nạn giao thông.

Có mặt tại Trường Tiểu học Thị trấn Thủ Thừa (huyện Thủ Thừa) vào giờ tan học, chúng tôi thấy giáo viên đưa học sinh các lớp ra tận cổng trường theo lối đi kẻ sẵn trên nền sân trường. Trước cổng trường có khu vực dành riêng cho phụ huynh từng khối lớp đợi đón học sinh. Mọi việc diễn ra khá nề nếp.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thị trấn Thủ Thừa - Trương Thành Thông cho biết, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã phối hợp Công an để xây dựng mô hình Đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn giao thông trước cổng trường học. Theo đó, ngoài việc tuyên truyền kiến thức về an toàn giao thông cho học sinh, lực lượng công an còn hỗ trợ hưỡng dẫn phụ huynh đậu xe đúng nơi quy định; đồng thời, tăng cường giám sát, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về an toàn giao thông nhằm tăng tính răn đe.

Những nỗ lực đó nhằm giáo dục trẻ ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ, góp phần bảo đảm an toàn tính mạng cho học sinh, hạnh phúc các gia đình cũng như sự phát triển bền vững về thể chất và tinh thần của các em.

Bên cạnh tai nạn giao thông, đuối nước cũng là một trong những TNTT thường gặp và dễ dẫn tới tử vong. Chính vì thế, công tác phổ cập bơi cho học sinh là hết sức cần thiết. Hiện tỉnh có 42 hồ bơi, bể bơi, tập trung tại TP.Tân An và huyện Cần Đước. Khu vực Đồng Tháp Mười trung bình 1 huyện có 1 hồ bơi.

Hàng năm, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đều tổ chức 5 lớp dạy kỹ năng bơi lội và phòng, chống đuối nước cho trẻ từ 9-10 tuổi, mỗi lớp 40 học viên, cho 5 xã của các huyện có tỷ lệ trẻ em đuối nước cao và luân phiên thay đổi địa điểm theo từng năm. Ngoài ra, Sở còn tổ chức thêm 3 lớp kỹ năng bơi lội, sơ cứu dành cho giáo viên.

Không chỉ chú trọng vào công tác dạy bơi, việc phòng, chống đuối nước còn bao gồm việc thường xuyên kiểm tra các tuyến đò ngang có bảo đảm an toàn khi vận chuyển khách hay không cũng như tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí nhằm giảm thiểu TNTT do đuối nước gây ra.

Phòng, chống TNTT cho trẻ em là việc làm thường xuyên, liên tục và cần sự chung tay, góp sức của nhiều ngành, đơn vị. Bảo đảm an toàn cho trẻ không chỉ là trách nhiệm của riêng gia đình, nhà trường hay xã hội mà đó là trách nhiệm chung và cần được quan tâm đúng mức. Bởi, trẻ em là mầm non tương lai của đất nước, cần được bồi dưỡng, nâng niu./.

Hoàng Thúy

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích