Tiếng Việt | English

14/10/2021 - 09:32

Chung tay giúp đỡ trẻ em bị ảnh hưởng bởi đại dịch (Bài 1)

Ngoài những thiệt hại về kinh tế, đại dịch Covid-19 còn ảnh hưởng lớn đến mọi mặt đời sống của người dân, gây nhiều mất mát, đau thương, trong đó có trẻ em. Tại tỉnh Long An, thống kê từ khi có dịch bệnh đến nay có trên 3.500 trẻ là F0, 4.000 trẻ là F1 và 86 trẻ có cha hoặc mẹ hay cả cha mẹ mất vì Covid-19. Chung tay hỗ trợ các em, thời gian qua, các cấp, các ngành luôn quan tâm, dành tình cảm đặc biệt để những đứa trẻ này vượt qua nỗi đau, mất mát quá lớn.

Bài 1: Nỗi đau quá lớn

Mỗi đứa trẻ có một hoàn cảnh khác nhau, nhưng điểm chung của các em là đều rơi vào khó khăn vì đại dịch. Có em mất cha, mất mẹ, thậm chí mất cả cha lẫn mẹ, có em thiếu vắng bàn tay chăm sóc của mẹ ngay từ khi mới lọt lòng. Ở cái tuổi còn quá nhỏ, chưa thể tự lo cho bản thân, các em đã phải chịu mất mát quá lớn không gì có thể bù đắp được.

“Dấu lặng” đầu đời

Trong một ngày đầu tháng 10, chúng tôi men theo con đường đất tìm đến thăm gia đình em Lê Hà Thảo Nhi và Lê Hoàng Anh Tuấn (ấp Thạnh Trung, xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa). Từ xa, đã nghe được tiếng khóc của trẻ nhỏ. Người đàn ông lóng ngóng ẵm đứa bé còn đỏ hỏn, à ơi mấy điệu hát ru. Cạnh bên là đứa trẻ khác chừng 4 tuổi vừa khóc, vừa hỏi “mẹ đâu cha, mẹ đâu cha ơi?”. Nghe câu hỏi của con, mắt anh đỏ hoe, còn chúng tôi cảm thấy xót xa trước cảnh “gà trống nuôi con” và 2 đứa trẻ phải sớm chịu cảnh mồ côi mẹ.

Lê Hà Thảo Nhi và Lê Hoàng Anh Tuấn bỗng chốc phải mồ côi mẹ vì dịch Covid-19

Thấy đoàn ghé thăm, anh Lê Thanh Bình (cha của Thảo Nhi và Anh Tuấn) nghẹn ngào: “Vợ tôi qua đời khi chưa kịp nhìn được mặt con. Trước ngày mất, vợ còn gọi điện thoại dặn dò hai cha con cố gắng điều trị, không ngờ đó là cuộc gọi cuối cùng của vợ chồng tôi. Mọi chuyện xảy ra nhanh quá! Các con cần hơi ấm của mẹ nên khóc miết, giá như vợ tôi còn sống...”.

Anh, chị quen nhau và nên duyên vợ chồng khi cả hai đều làm công nhân tại huyện Đức Hòa. Chị quê tận miền Trung, còn anh ở xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa. Vợ anh Bình mang thai ở những tháng cuối thì bị nhiễm virút SARS-CoV-2, sau đó lây cho chồng và con. Bệnh của chị chuyển biến nặng nên được đưa vào Bệnh viện Đa khoa khu vực Hậu Nghĩa điều trị, còn anh và cháu Anh Tuấn có triệu chứng nhẹ nên được đưa vào một bệnh viện dã chiến tại huyện Đức Hòa. Ngày Thảo Nhi cất tiếng khóc chào đời cũng là lúc vợ anh Bình trút hơi thở cuối cùng. Thảo Nhi cũng bị nhiễm virút SARS-CoV-2 từ mẹ nên phải đưa đi điều trị.

Em Nguyễn Ngọc Yến Anh vừa chào đời đã phải mồ côi mẹ

Ngược về xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh, chúng tôi đến thăm gia đình em Phạm Nguyễn Phúc Bá Thịnh (SN 2020) và Nguyễn Ngọc Yến Anh (SN 2021). Nhìn Yến Anh đang ngon giấc trong tay người dì mà xót xa. Dì của Yến Anh bộc bạch: “Cháu được 2 tháng thì mẹ nó mất được 49 ngày, từ lúc sinh ra, chưa được bú một giọt sữa mẹ. Còn cha mẹ tôi cứ nhìn thấy cháu lại khóc, vừa thương con, vừa thương 2 đứa cháu sớm chịu cảnh mồ côi mẹ. Giờ tôi cũng không biết mình sẽ chăm 2 cháu được bao lâu vì còn gia đình, cuộc sống riêng, phải chạy ăn từng bữa. Cha của Yến Anh thì không có nghề nghiệp ổn định, sau này có đi thêm bước nữa không biết ai sẽ lo cho 2 cháu”.

Với thiên chức của một người mẹ, việc nhìn mặt và cho con bú những giọt sữa đầu đời là niềm hạnh phúc nhất, thiêng liêng nhất. Ấy vậy mà, dịch Covid-19 đã cướp đi những điều tưởng chừng bất cứ người mẹ nào cũng làm được đó và khiến những đứa trẻ phải đối mặt với “dấu lặng” ngay từ khi mới chào đời.

Biến cố đến với gia đình nhỏ

Sống với ông bà nội từ nhỏ nhưng đến kỳ nghỉ hè, 4 chị em: Lê Thị Mộng Kiều, Lê Thị Như Huỳnh, Lê Thị Ngọc Hân và Lê Thị Ngọc Diệp (ấp Hương Trang, xã Bình Hòa Trung, huyện Mộc Hóa) đến sống với cha mẹ đang làm công nhân ở huyện Đức Hòa. Ai ngờ lần đi này cũng là lần cuối 4 chị em Kiều được gặp mẹ.

Được biết, mẹ các em có triệu chứng sốt, ho nên đi xét nghiệm, kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Bệnh chuyển biến nặng, 3 ngày sau thì mẹ các em mất. Mộng Kiều bộc bạch: “Mẹ mất rồi, năm nay, em phải nghỉ học ở nhà phụ bà nội chăm sóc 3 đứa em. Tụi em nhớ mẹ lắm! Năm nào nghỉ hè, 4 chị em đều lên thăm cha mẹ hoặc vài tháng, cha mẹ lại về thăm, lần nào mẹ cũng mua quà, bánh cho tụi em. Nhiều lúc thấy mấy đứa em khóc nhớ mẹ, em không biết làm gì, chỉ biết khóc theo”.

4 chị em Lê Thị Mộng Kiều còn quá nhỏ để hình dung về những khó khăn mà các em sẽ phải đối mặt trong tương lai

Mộng Kiều còn quá nhỏ để hình dung về những khó khăn sắp tới mà 4 chị em sẽ phải đối mặt. Bước sang tuổi 70, ông bà nội cũng không thể lo cho chị em Mộng Kiều mãi được. Trong khi đó, ông bà nội chỉ có thể lo cái ăn, cái mặc, còn về chi phí học tập thì nằm ngoài khả năng của ông bà. Khó khăn đâu chỉ về vật chất mà chị em Mộng Kiều còn phải đối mặt với nỗi đau tinh thần, khi cả 4 chị em đều là nữ mà không có mẹ ở bên dạy bảo, chăm sóc,...

Phó Trưởng khoa Công tác xã hội - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM - Tiến sĩ Lê Minh Công cho biết: “Trẻ em thiếu sự kết nối xã hội sẽ gia tăng các hành vi tiêu cực; có suy nghĩ tự ti về bản thân, nhất là với trẻ lớn tuổi. Trẻ em trong những trường hợp này sử dụng Internet, mạng xã hội nhiều hơn để được trợ giúp, giải quyết những vấn đề khó khăn, bế tắc thay vì được tư vấn, cảm nhận về tiêu cực hay sự thoải mái, hạnh phúc,... Sự khó khăn tâm lý của trẻ em trong những trường hợp này là khá đa dạng và phần lớn đều phải trải qua các vấn đề của sức khỏe tâm thần. Những trải nghiệm khó khăn này của trẻ có thể tức thời ngay trong giai đoạn Covid-19, nhưng cũng có thể kéo dài đến vài năm nếu bị tổn thương hoặc sang chấn trầm trọng trong giai đoạn mất cha, mẹ hay người thân”.

Đại dịch Covid-19 bùng phát khiến biết bao gia đình rơi vào cảnh mất mát, đau thương. Bỗng chốc lại mất đi cha mẹ, những đứa trẻ thiếu sự yêu thương, che chở và phải đối diện với vô vàn khó khăn ở tháng ngày sắp tới. Hơn lúc nào hết, những đứa trẻ này đang rất cần sự quan tâm đặc biệt của gia đình và xã hội, giúp các em vơi bớt nỗi đau, có điều kiện phát triển toàn diện về thể chất lẫn tinh thần./.

(còn tiếp)

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết