Tiếng Việt | English

22/06/2017 - 14:22

Chung tay ngăn chặn hiểm họa ma túy ở nông thôn

Ngày nay, một bộ phận giới trẻ ở nông thôn đua đòi theo lối sống thực dụng, trong đó có không ít thanh, thiếu niên (TTN) tiêm nhiễm thói hư tật xấu, sa ngã vào việc sử dụng, mua bán trái phép chất ma túy.

Việc đưa TTN ở nông thôn đi cai nghiện khi phát hiện họ bị nghiện ma túy chỉ là giải pháp tình thế, là phần ngọn mà cộng đồng xã hội phải có trách nhiệm nhằm hạn chế sự lây lan, ngăn chặn những hiểm họa có thể xảy ra. Căn cơ, phần gốc của vấn đề là phải làm tốt việc phòng ngừa, ngăn chặn.

Muốn hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng TTN ở nông thôn sử dụng, mua bán trái phép chất ma túy, gia đình phải thường xuyên quan tâm, hướng con em mình vào những hoạt động lành mạnh. Với những thanh niên lỡ “vướng vào ma túy”, gia đình và địa phương cần quản lý chặt chẽ và có biện pháp hỗ trợ các em cai nghiện. Cả hệ thống chính trị, mà Đoàn Thanh niên là nòng cốt có trách nhiệm đoàn kết, tập hợp TTN vào các hoạt động vui chơi lành mạnh, bổ ích, thiết thực (văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao,...), tham gia công tác xã hội và các hoạt động có ích.

Đối với TTN nông thôn bị nghiện ma túy, ngoài việc quản lý, giúp đỡ, người thân và cả xã hội cần tránh kỳ thị, xa lánh, vô tình làm cho đối tượng nghiện ma túy càng tự ti, mặc cảm, khó hòa nhập với cộng đồng. Sau khi cai nghiện, chính quyền và các đoàn thể chính trị địa phương cần có những giải pháp đào tạo nghề, tạo việc làm, tránh để TTN tái nghiện.

Song song, cần đổi mới cơ chế, cách tiếp cận trong việc cai nghiện ma túy đối với đối tượng là TTN ở nông thôn; luôn tôn trọng, gần gũi, cảm thông, chia sẻ với những khó khăn của họ. Ngoài việc xác định các cơ sở điều trị nghiện ma túy là trung tâm đa chức năng - có cả chức năng chữa trị tâm lý, thì tại cộng đồng phải có những người có chuyên môn, làm việc thật chuyên tâm, giúp TTN cai nghiện được căn cơ, không tái nghiện, sớm hòa nhập cộng đồng./.

 Trầm Bưng

Chia sẻ bài viết