Tiếng Việt | English

28/05/2019 - 15:35

Chuyện của những người “không may”

Từ một người trụ cột, bỗng tai họa ập đến, họ trở thành gánh nặng cho gia đình. Tai nạn lao động (TNLĐ) không chỉ cướp mất tương lai, nụ cười mà còn để lại những hệ lụy đau lòng cho chính người bị nạn, người thân trong gia đình và cả xã hội.

Anh Phạm Văn Thu tin tưởng, chịu khó tập vật lý trị liệu sẽ giảm bớt gánh nặng cho gia đình

Anh Phạm Văn Thu tin tưởng, chịu khó tập vật lý trị liệu sẽ giảm bớt gánh nặng cho gia đình

“Tôi mất rồi, không biết ai lo cho nó…”

Chia sẻ của bà Phạm Thị Tư (82 tuổi, ngụ khu phố 9, thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) làm chúng tôi nhói lòng, xót xa cho câu chuyện của bà.

Ít ai ngờ rằng, ở cái tuổi “gần đất, xa trời”, bà còn phải khổ tâm, lo lắng nhiều thứ. Cả đời vất vả, những tưởng khi về già, bà sẽ được nghỉ ngơi, vui vẻ cùng con, cháu. Nhưng không ngờ, mỗi ngày trôi qua là chuỗi ngày dài bà phải lo lắng, chăm sóc đứa con trai của mình “từng li, từng tí” từ vệ sinh, ăn uống đến nói chuyện, đem con ra đón ánh nắng mặt trời,... Bởi, TNLĐ đã làm con bà - anh Phạm Văn Thu, nằm một chỗ 17 năm qua. Do đó, bà phải đỡ đần công việc nhà, chăm sóc con trai để con dâu an tâm làm công nhân kiếm tiền lo cho 2 đứa con đang tuổi ăn học cùng các khoản chi phí sinh hoạt khác của gia đình.

Buổi chiều ngày 23/10/2002 có thể đẹp đẽ với nhiều gia đình khác nhưng đối với gia đình bà Tư, đó chính là buổi chiều định mệnh và cả đời bà không bao giờ quên được vì nó làm đảo lộn hoàn toàn cuộc sống của gia đình bà. Anh Thu trên đường đến công ty làm việc thì gặp tai nạn.

Anh may mắn thoát chết nhưng phải nằm điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) 7 tháng, gia đình mới có thể đưa về nhà chăm sóc. Tai nạn để lại thương tật 91%, làm anh nằm một chỗ từ đó đến nay. Tất cả sinh hoạt của anh phải nhờ đến sự trợ giúp của mẹ, vợ và hai đứa con.

Anh Thu buồn bã: “Một ngày của tôi dài đằng đẵng. Có nhiều lúc nghĩ quẩn, muốn tìm đến cái chết nhưng nghĩ đến mẹ, vợ, con thì tôi không cho phép mình ích kỷ. Người thân đã một lần đau lòng vì mình rồi. Giờ, mình phải sống tốt hơn, lạc quan hơn. Hai năm trở lại đây, sức khỏe tôi khá hơn trước, có thể ngồi nói chuyện mà không cần phải dựa vào bất cứ chỗ nào. Tôi tiếp tục cố gắng, kiên trì tập vật lý trị liệu để có thể hồi phục dần dần. Hy vọng, tôi sẽ tự chăm sóc được cho mình, để mọi người trong gia đình không khổ nữa”.

Trò chuyện với bà Tư, chúng tôi nhận thấy rõ trong sâu thẳm đôi mắt của bà là nỗi buồn và ngổn ngang những tâm sự, lo âu. “Tai nạn không cướp mất con là tôi mừng lắm rồi. Lúc đó, nghe tin mà chân tôi đứng không vững. Nhìn nó nằm viện điều trị mà lòng tôi đau như cắt. May mắn sau mấy tháng, nó tỉnh dậy, nói chuyện, ăn uống được, chỉ khổ là không thể đi lại, nhưng như vậy cũng đã là kỳ tích. Mỗi ngày, tôi ở nhà phụ con dâu chăm sóc cho con trai mình. Mấy năm nay, thấy tình hình của con khá hơn, tôi mừng lắm! Tôi tuổi đã cao, không biết còn sống được bao nhiêu năm nữa. Tôi chỉ sợ, tôi mất rồi, không biết ai lo cho nó nữa và con dâu phải thêm gánh nặng” - bà Tư tâm sự.

Không đầu hàng số phận

Hơn 10 năm qua, hình ảnh chàng thanh niên ngồi trên chiếc xe tự chế của mình di chuyển khắp xóm, cười, nói vui vẻ, giao hàng cho khách quá quen thuộc đối với người dân ấp Gò Sao, xã Tân Phú, huyện Đức Hòa. Ít ai biết đằng sau ấy là cả câu chuyện dài, một quá trình, nghị lực vượt lên chính mình của anh Trần Minh Trung.

Từ một chàng trai khỏe mạnh, hoạt bát, lanh lẹ, TNLĐ đã làm anh trở thành người tàn tật với tỷ lệ 98%. Anh mất mấy tháng trời nằm viện để điều trị, người thân tưởng chừng không qua khỏi. Nhưng có lẽ, ông trời còn thương, không nỡ cướp đi sinh mạng của chàng trai khi tuổi đời còn quá trẻ. Lúc đó, anh Trung vừa tròn 25 tuổi. Dù thoát khỏi cái chết nhưng TNLĐ đã cướp đi tương lai, mơ ước và cả gia đình nhỏ vừa mới xây đắp của anh. Vì vợ anh nhận thấy anh không có tương lai (như cách anh chia sẻ) nên hai vợ chồng "đường ai nấy đi" sau hơn 1 năm anh bị nạn.

Anh Trần Minh Trung dù bị tai nạn lao động (tỷ lệ 98%) nhưng chưa bao giờ đầu hàng số phận

Anh Trần Minh Trung dù bị tai nạn lao động (tỷ lệ 98%) nhưng chưa bao giờ đầu hàng số phận

Nỗi buồn nhân đôi, những tưởng người thanh niên ấy sẽ đầu hàng số phận. Nhưng không, có lẽ từ cõi chết trở về nên người ta sẽ trân quý cuộc sống, mạnh mẽ hơn bao giờ hết và chàng thanh niên ấy cũng thế. Ý chí của anh Trung đã giúp anh vượt qua và không chịu đầu hàng số phận.

Anh bắt đầu tập vật lý trị liệu, tự ngồi dậy, tự chăm sóc (những điều có thể làm được), giảm bớt phụ thuộc vào người thân để họ đỡ vất vả. Anh sắm cho mình chiếc xe phù hợp với bản thân, mượn xe làm đôi chân mới cho mình di chuyển. Sức khỏe của anh cũng khá hơn, ít lệ thuộc vào thuốc. Anh tham gia vào các nhóm bạn có hoàn cảnh như mình trên mạng xã hội để có thể chuyện trò, chia sẻ buồn, vui với những người đồng cảnh ngộ.

Điều đặc biệt, anh tự mày mò, học hỏi trên mạng để tự tay cho ra đời những móc khóa với hình thù là những con thú cưng ngộ nghĩnh. Từ đó, anh kiếm được một số chỗ để bỏ hàng mình làm ra. Nhờ vậy, mỗi ngày, anh có thu nhập từ 70.000-100.000 đồng, góp phần giảm bớt gánh nặng cho gia đình.

“Lúc mới bị tai nạn rồi hạnh phúc gia đình đổ vỡ, tôi cảm thấy như bầu trời sụp đổ ngay dưới chân mình. Nhờ tình thương của vợ chồng người em gái và người thân trong gia đình nên tôi vượt qua số phận. Tôi không còn cảm thấy buồn khi nhắc lại chuyện cũ và cũng không trách gì vợ mình nữa. Bây giờ, với tôi, mỗi ngày cố gắng sống tốt, vui vẻ. Đặc biệt, thông qua nhóm bạn cùng cảnh ngộ, qua những câu chuyện chia sẻ, tôi tin cuộc sống này còn nhiều điều đáng trân quý, đáng sống nên chúng ta phải lạc quan, đừng bao giờ đầu hàng số phận” - anh Trung gửi gắm./.

Thanh Mỹ

Chia sẻ bài viết