Tiếng Việt | English

21/06/2022 - 10:27

Chuyện về những phóng viên không thẻ

Tác nghiệp quay phim, dựng hình, chụp ảnh, viết nội dung,... như một phóng viên (PV) nhưng những người làm công tác tuyên truyền tại các Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Truyền thanh huyện, thị xã, thành phố không được cấp thẻ nhà báo. Tuy nhiên, bằng tình yêu nghề, niềm say mê công việc, mọi người vẫn tận tụy, cần mẫn gắn bó với nghề báo.

“Nuôi” ước mơ từ năm 17 tuổi

Chất giọng trầm ấm, giàu cảm xúc là ấn tượng của nhiều người về PV Phương Đài (Nguyễn Thị Phương Đài), công tác tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Truyền thanh TP.Tân An, tỉnh Long An. Chị Đài hiện đảm nhận vai trò biên tập kiêm phát thanh viên của trung tâm.

Kể về cơ duyên đưa mình đến với nghề báo, chị Đài bộc bạch, năm học 2003-2004, khi đang là học sinh lớp 11 của Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức), chị tham gia cuộc thi thuyết trình về ma túy và đoạt giải nhất. Thông qua cuộc thi, chị có dịp tiếp xúc với công việc của các PV, chị ngưỡng mộ và “nuôi” ước mơ trở thành PV.

Phóng viên Phương Đài đã có hơn 10 năm gắn bó với nghề báo

Năm 2007, chị chọn thi và đậu vào ngành Báo chí của Trường Cao đẳng Phát thanh Truyền hình II. Tháng 4/2010, chị Đài về thực tập 2 tháng tại Đài Truyền thanh TP.Tân An (nay là Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Truyền thanh TP.Tân An). Tháng 9-2010, chị về công tác tại nơi từng thực tập sau 2 tháng tốt nghiệp.

Cuộc thi năm đó đã đặt những viên gạch đầu tiên để chị đến với “ngôi nhà” báo chí. Với mong muốn nâng cao kiến thức, tay nghề, năm 2016, chị học liên thông đại học, hệ vừa học, vừa làm. Chị Đài chia sẻ: “Tôi học buổi tối, mỗi ngày, tôi chạy xe máy lên TP.HCM học và sau đó về Long An đi làm. Khóa học dài 2 năm, không học tập trung mà chia từng giai đoạn. Mỗi giai đoạn học 2 tháng, thời điểm học liên thông, tôi mang thai nên khá vất vả. Tuy nhiên, tôi may mắn khi được cơ quan tạo điều kiện để đi học, đồng nghiệp hỗ trợ công việc chuyên môn”.

Gắn bó với công việc hơn 10 năm, chị Đài đã trải qua biết bao chuyện vui, buồn. Chị vui vì có thể truyền tải được những thông tin hữu ích đến mọi người, vui vì thông qua các câu chuyện truyền thanh, người dân nhận ra chị qua giọng đọc. Mặt khác, nghề báo giúp chị gặp gỡ, trò chuyện với nhiều người, được học hỏi thêm những điều hay, lẽ phải, giúp hoàn thiện bản thân. Song, bên cạnh niềm vui thì cũng có những nỗi buồn, trăn trở vì nơi công tác không được công nhận là cơ quan báo chí, bản thân chưa được cấp thẻ nhà báo. Trong quá trình tác nghiệp, một số người dân ngại tiếp xúc, thậm chí là gay gắt và có cái nhìn không thiện cảm về nghề khiến chị chạnh lòng. Tuy nhiên, với chị Đài, những điều đó chỉ là một chút màu xám trong bức tranh đa sắc màu của nghề báo, bản thân chị luôn cảm thấy vui và tự hào vì được sống và làm nghề.

Chàng phóng viên “tay ngang”

Có dịp tiếp xúc, chứng kiến quá trình tác nghiệp của PV Tuấn Hùng (Lê Tuấn Hùng), công tác tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Truyền thanh thị xã Kiến Tường, không ai nghĩ anh là dân “tay ngang” trong nghề.

Tốt nghiệp đại học ngành Hướng dẫn viên du lịch, anh Hùng có nhiều năm làm việc trong ngành, tuy nhiên, vì hoàn cảnh gia đình, năm 2013, anh xin vào làm việc tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao thị xã Kiến Tường. Tháng 5/2015, anh chuyển công tác đến Đài Truyền thanh thị xã Kiến Tường (nay là Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Truyền thanh thị xã Kiến Tường).

Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của công việc đòi hỏi phóng viên cơ sở phải biết nhiều kỹ năng, nghiệp vụ (Trong ảnh: Phóng viên Tuấn Hùng tác nghiệp quay phim)

Quay phim, chụp ảnh, dựng hình ảnh, viết nội dung,... là công việc hàng ngày của anh Hùng tại cơ quan. Để làm được những công việc này, với một người học trái ngành vốn chẳng dễ dàng. Anh Hùng cho biết: “Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của công việc đòi hỏi PV cơ sở phải biết nhiều kỹ năng, nghiệp vụ. Không học chuyên ngành Báo chí nên mọi thứ tôi đều phải tự học. Tôi lên Internet để học về kỹ năng quay, dựng phim, sử dụng flycam. Ban đầu, tôi học quay đúng, dần dần, học cách quay đẹp. Ngoài ra, trong quá trình làm nghề, tôi học từ đồng nghiệp; thường xuyên đọc báo, xem truyền hình cũng là cách học rất hiệu quả”.

Có thể thấy, để thích nghi với nghề báo, anh Hùng đã nỗ lực, cố gắng rất nhiều. Theo anh Hùng, đặc thù của nghề báo có phần khắc nghiệt hơn những nghề khác bởi PV phải chịu áp lực rất lớn. “Làm công việc này không yêu nghề thì không thể gắn bó lâu dài được. Trong quá trình làm việc, ngoài tuyên truyền những đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, PV phải không ngại khó, ngại khổ đi đến những địa bàn xa, kịp thời phản ánh những tâm tư, nguyện vọng của người dân” - anh Hùng tâm sự.

Cũng như bao nghề khác, nghề báo cũng có nhiều chuyện buồn, vui mà khó có thể nói hết được. Cũng như PV Phương Đài, nỗi trăn trở lớn nhất của anh Hùng là những người làm công tác tuyên truyền tại các trung tâm Văn hóa - Thông tin và Truyền thanh huyện, thị xã, thành phố hoạt động như một PV chuyên nghiệp không được cấp thẻ nhà báo. Theo anh Hùng, việc không có thẻ là “rào cản” rất lớn gây khó khăn cho những PV cơ sở. Mặt khác, chế độ thù lao, nhuận bút tại cơ sở còn thấp, trang thiết bị tác nghiệp còn hạn chế cũng là nỗi trăn trở của nhiều người.

Gác lại những nỗi buồn, anh Hùng vẫn “bám trụ” với nghề bởi với anh, làm báo cũng lắm chuyện vui khi được đi nhiều nơi, gặp gỡ, quen biết nhiều người. Với anh, mỗi tác phẩm báo chí là một “đứa con tinh thần” cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho khán, thính giả; phản ánh những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân. Anh hạnh phúc vì công sức bỏ ra được mọi người đón nhận, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Không quá một chút nào khi nói PV ở cơ sở là những người đa năng. Ngày ngày, mọi người vẫn âm thầm cống hiến cho nghề báo, góp phần tạo nên bức tranh đa sắc màu cho báo chí tỉnh nhà./.

Nguyễn Dung

Chia sẻ bài viết