Tiếng Việt | English

05/01/2022 - 09:19

Chuyện về những thầy, cô giáo trong đại dịch

Vẫn lặng lẽ, miệt mài cống hiến nhưng trong năm qua, dưới sự tác động của “làn sóng” dịch Covid-19, các thầy, cô giáo càng thể hiện rõ tinh thần đoàn kết, quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh và nỗ lực vượt qua khó khăn trong giảng dạy. Họ xứng đáng là tấm gương sáng cho học sinh (HS) noi theo.

Vì một quê hương “bình thường mới”

Y, bác sĩ quá tải, các lực lượng khác cùng xông pha vào “tuyến đầu” chống dịch Covid-19. Giáo viên (GV) là một trong những lực lượng hùng hậu, năng động ấy. Và, cùng nhiều đồng nghiệp, thầy Đỗ Trần Ngọc Vinh (SN 1992) - GV Trường THCS thị trấn Cần Đước (huyện Cần Đước, tỉnh Long An), không ngại nguy hiểm, sẵn sàng dấn thân vào “tâm dịch” để chung tay đẩy lùi con virút quái ác, vì cộng đồng, vì một quê hương trong trạng thái “bình thường mới”.

Hơn 8 năm gắn bó với nghề giáo, có lẽ mùa hè năm học vừa qua là năm đặc biệt nhất đối với thầy Vinh. Thay vì sử dụng thời gian nghỉ hè để thư giãn sau một năm học đầy vất vả hay dành thời gian nghiên cứu chuyên môn,... thầy Vinh chọn tham gia công tác tình nguyện chống dịch tại huyện nhà ngay khi có lời kêu gọi vào đầu tháng 8/2021.

Thầy Vinh thổ lộ: “Mang trong mình trọng trách người thanh niên cũng như một đảng viên trẻ nhiều hăng say và thực hiện lời Bác Hồ đã dạy: “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”, tôi muốn cống hiến sức trẻ vì sứ mệnh đất nước trong tình hình mới”.

Thầy Đỗ Trần Ngọc Vinh tham gia đội tình nguyện chống dịch tại huyện Cần Đước

Tham gia ngay khi có lời kêu gọi trong đợt 1 nên quyết định của thầy Vinh làm nhiều người bất ngờ và lo lắng. Có người cho rằng “người ta trốn dịch bệnh mà sao lại tình nguyện đi vào vùng có dịch bệnh, muốn bị bệnh hay sao?”. Bỏ qua những ý kiến ấy, thầy Vinh quyết tâm nghe theo “mệnh lệnh của trái tim”.

Tôi xem học sinh là những người bạn, người con trong gia đình. Tôi luôn lắng nghe những tâm tư, tình cảm của các em, tạo sự gần gũi để các em không cảm thấy xa cách với tôi”.

“Thời điểm tham gia chống dịch, tôi vừa lập gia đình không lâu, sắp làm cha và cũng lo lắng khi đi công tác về tiếp xúc với gia đình nhưng tôi vẫn quyết tâm tham gia chống dịch. Bởi, đó là trách nhiệm của những người trẻ như chúng tôi. Ai cũng có những cái khó của riêng mình, quan trọng là cách sắp xếp và tinh thần tiến về phía trước. Trong quá trình tham gia chống dịch, tôi cố gắng hạn chế tiếp xúc khi không cần thiết, thực hiện tốt các biện pháp chống dịch, cách ly tại nhà để bảo đảm an toàn cho bản thân và gia đình” - thầy Vinh bộc bạch.

Tham gia chống dịch, hàng ngày, thầy Vinh và đội tình nguyện của mình tập trung tại điểm tiêm phòng tầm 7 giờ để tham gia hỗ trợ nhập liệu lên trang tiêm chủng Covid-19 của Bộ Y tế. Đôi lúc công việc cũng gặp khó khăn nhưng khi so với những “thiên thần áo trắng” trực tiếp lấy mẫu test nhanh Covid-19 thì đội của thầy Vinh lại tự nhủ phải cố gắng vượt qua. Ngồi hàng giờ trên máy tính, với những xấp hồ sơ “chữ bác sĩ” khác nhau do người dân khai báo, thầy Vinh luôn kiên nhẫn và tập trung cao độ để không xảy ra sai sót khi nhập liệu.

Dù có vất vả, mệt mỏi nhưng thầy Vinh chưa bao giờ nản lòng hay hối hận với quyết định của mình. Thầy Vinh tâm sự: “Tôi tình nguyện chống dịch bằng quyết tâm “chống dịch như chống giặc” với mong muốn chiến thắng đại dịch. Có đôi lúc kiệt sức vì công việc quá nhiều, có ngày phải cố gắng đến 19-20 giờ tối nhưng nghĩ lại, người ta làm được thì mình làm được. Mặc dù trong mùa dịch đi đến chỗ đông người là điều không ai muốn nhưng nếu tất cả mọi người đều suy nghĩ như vậy thì ai sẽ tham gia chống dịch. Tôi luôn suy nghĩ đoàn kết là sức mạnh và tham gia chống dịch không chỉ vì trách nhiệm hay lời kêu gọi mà hơn hết là xuất phát từ lòng yêu nước”.

Tạo sự hứng thú cho học sinh

Lần đầu trong lịch sử ngành Giáo dục của tỉnh, năm học mới, HS, thầy, cô không được gặp mặt trực tiếp. Việc dạy và học thông qua hình thức trực tuyến và kéo dài trong vài tháng liền. Khó khăn là vậy nhưng các thầy, cô giáo luôn nỗ lực vượt qua và tất cả vì HS thân yêu. Cô Hứa Ngọc Tỏa - GV môn Địa, Trường THCS thị trấn Đông Thành (huyện Đức Huệ), cũng vậy. Cô luôn cố gắng hết mình, đầu tư cho tiết dạy và bù đắp cho sự thiệt thòi của HS nơi vùng sâu ấy.

Cô Hứa Ngọc Tỏa nỗ lực xây dựng tiết học trực tuyến sôi nổi, sinh động

Tôi luôn suy nghĩ đoàn kết là sức mạnh và tham gia chống dịch không chỉ vì trách nhiệm hay lời kêu gọi mà hơn hết là xuất phát từ lòng yêu nước.

Gần 20 năm gắn bó với nghề, cô Tỏa luôn tâm huyết, hết lòng với HS bởi nghề giáo không chỉ là ước mơ, lựa chọn từ nhỏ mà còn là “tình yêu lớn” của cô. Do đó, dù trong hoàn cảnh, điều kiện dạy học như thế nào, cô Tỏa cũng cố gắng làm tốt nhất có thể để mang tri thức đến cho HS thân yêu của mình. Năm 2021, cô Tỏa vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.

Trong giảng dạy, cô Tỏa không tạo áp lực cho HS. Trong một tiết dạy, cô thường kể chuyện theo chủ đề dạy học của tiết học đó hay các sự kiện đã xảy ra trước đây nhằm tạo nên sự ly kỳ cho HS, giúp các em không cảm thấy buồn ngủ hay nhàm chán trong giờ học. Và khi thực hiện dạy trực tuyến, dù có phần nào khó khăn như về mạng, máy tính, giáo án,... nhưng cô Tỏa luôn cố gắng khắc phục. Cô Tỏa thổ lộ: “Tôi luôn dành thời gian để soạn bài giảng Powerpoint trình chiếu với nhiều hình ảnh sinh động, chèn phim hay video minh họa cho nội dung dạy học, giúp HS tập trung hơn trong giờ học. Trước khi vào tiết học, tôi dành khoảng 5 phút để trò chuyện, tương tác với các em”.

Trong quá trình dạy, cô Tỏa luôn mời các em trả lời các câu hỏi nhằm tạo không gian học tập có sự tương tác giữa thầy với trò, giữa trò với trò, không để GV “một mình, một ngựa” vì như thế dễ làm mất sự tập trung học tập của HS, dễ sao nhãng việc học,… Cô Tỏa tâm sự: “Tôi xem HS là những người bạn, người con trong gia đình. Tôi luôn lắng nghe những tâm tư, tình cảm của các em, tạo sự gần gũi để các em không cảm thấy xa cách với tôi. Do vậy, tôi hiểu tâm lý và biết các em cần gì để kịp thời giúp đỡ dù dạy và học trực tuyến”.

Dù ở cương vị nào, hoàn cảnh ra sao, các thầy, cô giáo vẫn hết lòng, hết sức cống hiến. Đặc biệt trong tình hình dịch bệnh vừa qua, các thầy, cô đã thể hiện được tinh thần dân tộc, xung kích đi đầu, góp phần cùng địa phương đẩy lùi dịch bệnh, trở về trạng thái “bình thường mới"./.

Đặng Tuấn

Chia sẻ bài viết