Tiếng Việt | English

28/12/2016 - 09:47

CLB Thơ Thủ Thừa - Nơi gắn kết những tâm hồn đồng điệu

Ở độ tuổi “cây cao, bóng cả”, bên cạnh ở nhà chăm cháu giúp các con, làm việc nhà hay tham gia công tác xã hội, những người cao tuổi yêu thơ ở huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An còn có thêm một niềm vui nho nhỏ bên mái nhà chung - Câu lạc bộ (CLB) Thơ Thủ Thừa.

Được thành lập cách đây hơn 10 năm, CLB thơ hiện có 20 thành viên đều là những người cao tuổi, cán bộ hưu trí, cựu giáo chức trên địa bàn huyện. Thành viên ít tuổi nhất cũng trên 60. Ai cũng bận bịu công việc gia đình, tham gia công tác xã hội hay các hội, đoàn thể tại địa phương nên mỗi quí, CLB chỉ họp mặt 1 lần nhưng lần nào cũng “vui như tết”. Những buổi họp mặt còn là dịp để các thành viên kể nhau nghe những buồn vui, động viên, khuyến khích nhau vượt qua khó khăn trong cuộc sống.


Câu lạc bộ Thơ Thủ Thừa ra đời tạo một sân chơi lành mạnh, bổ ích, thỏa mãn ước mơ của người cao tuổi

Trong CLB, chỉ có một vài thành viên trước đây là giáo viên, các thành viên còn lại có người làm nông, người là lương y, cũng có người là nhạc công đờn ca tài tử. Các hội viên dù mỗi người xuất thân từ một nghề khác nhau nhưng đều có cùng một điểm chung là có một tình yêu sâu sắc cho thơ ca, nghệ thuật.

Định kỳ mỗi quí, các thành viên họp mặt 1 lần, tổ chức sinh hoạt, gặp gỡ để giao lưu, chia sẻ các tác phẩm mới. Tay bắt mặt mừng, nhấp ngụm trà nóng, các cụ trò chuyện, thăm hỏi chuyện gia đình rồi bắt đầu lần giở sổ tay, có khi chỉ là cuốn tập học sinh, đeo kính rồi bắt đầu đọc thơ. Có những bài thơ rất hay, gieo vần đúng niêm luật, câu, từ độc đáo như thi sĩ chuyên nghiệp, cũng có những bài thơ có nội dung, ý nghĩa nhưng câu cú đôi chỗ còn chưa “suông”, chưa “chặt”. Có người thì đọc 1, 2 bài, có người say sưa 3, 4 bài liên tục.

Theo Chủ nhiệm CLB - Võ Văn Thiệt, hầu hết các thành viên thường làm thơ theo chủ đề quê hương, đất nước, Mẹ Việt Nam Anh hùng, biển, đảo, tình hình thời sự của đất nước,... Những vần thơ cũng là kênh tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có những bài thơ lên án thói hư, tật xấu, góp thêm tiếng nói, giáo dục thế hệ trẻ hoàn thiện bản thân.

Nhờ những buổi gặp gỡ này mà các cụ có thể chia sẻ, học hỏi lẫn nhau để khả năng sáng tác ngày càng hoàn thiện, người này bổ sung, giúp đỡ người kia nâng cao trình độ. Từ đó, CLB có thêm nhiều đề tài sáng tác mới, hay và hấp dẫn hơn.


Các thi sĩ không chuyên gửi gắm tâm hồn mình vào những vần thơ

Bà Phạm Thị Thanh Vân là giáo viên nghỉ hưu, ngụ ấp Nhà Dài, thị trấn Thủ Thừa cho biết: “Tôi tham gia CLB hơn 8 năm, từ khi còn đứng lớp. Tôi thường làm thơ song thất lục bát, thất ngôn hoặc thơ tự do với chủ đề xoay quanh cuộc sống, gia đình hay ngợi ca quê hương, đất nước. Thời gian tới, tôi rất mong CLB mở rộng giao lưu cùng các CLB trong và ngoài tỉnh để học hỏi kinh nghiệm sáng tác, CLB có sức lan tỏa và thu hút ngày càng nhiều thành viên tham gia”.

Còn ông Lê Văn Thái, ngụ ấp Vàm Kinh, xã Bình An, huyện Thủ Thừa (bút danh Thủy Tây Hà) chia sẻ: “Trước đây, tôi là nhạc công đờn ca tài tử. Tôi yêu thơ và bắt đầu làm thơ từ thời còn đi học. Tôi thường làm thơ về quê hương, đất nước, đôi khi cũng có thơ tình. Tuổi chúng tôi đều cao, hy vọng sau này sẽ có nhiều thành viên duy trì sinh hoạt, phát triển CLB lớn mạnh hơn”.

CLB Thơ Thủ Thừa ra đời tạo một sân chơi lành mạnh, bổ ích, làm giàu thêm đời sống tinh thần cho người cao tuổi. Ở độ tuổi này, họ cũng có những nỗi niềm, trăn trở về cuộc sống nhưng khó có thể tâm sự cùng con cháu. Đôi khi, với những nghĩ suy không thể sẻ chia thì họ có thể gửi gắm vào những câu thơ. Và, với “mái nhà chung” này, mỗi khi được gặp nhau, được giãi bày, trò chuyện với những người đồng niên, các cụ ông, cụ bà lại thấy yêu đời hơn, cảm nhận cuộc sống này càng thêm ý nghĩa!./.

Cát Tường

Chia sẻ bài viết