Tiếng Việt | English

10/04/2021 - 09:35

Cơ duyên “ngọt ngào”

Gắn bó với công việc làm bánh từ năm 2012 đến nay, từng làm qua nhiều loại bánh nhưng anh Trần Gia Triển (SN 1991), ngụ phường 5, TP.Tân An, tỉnh Long An lại dành tình cảm đặc biệt cho bánh kem.

9 năm gắn bó với nghề, anh Triển dành tình cảm đặc biệt cho bánh kem

9 năm gắn bó với nghề, anh Triển dành tình cảm đặc biệt cho bánh kem

Ngã rẽ tình cờ

Anh Triển chia sẻ, lúc nhỏ, anh thích ăn bánh kem. Từ những lần theo người thân đi mua bánh, được xem các thợ làm bánh chuyên nghiệp trổ tài, anh rất thích. Song, với một đứa trẻ thì mọi thứ chỉ dừng lại ở việc yêu thích, lúc bấy giờ, anh chưa nghĩ sẽ trở thành thợ làm bánh chuyên nghiệp.

Kể về cơ duyên đưa chàng sinh viên ngành Quản lý, kinh doanh nhà hàng và dịch vụ ăn uống Trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist đến với nghề làm bánh, anh Triển nói, ngoài giờ học trên lớp, anh dành thời gian đi làm thêm tại cửa hàng bánh ngọt, vừa học hỏi, vừa kiếm thêm thu nhập trang trải sinh hoạt. Được biết, khi ấy, công việc chính của anh là bán bánh.

Hàng ngày, tiếp xúc với nhiều loại bánh và môi trường làm bánh chuyên nghiệp khiến niềm đam mê thời bé của anh trỗi dậy mạnh mẽ. Thay vì làm việc theo đúng chuyên ngành đã học, anh Triển xin vào làm thợ phụ tại một cửa hàng bánh ngọt ở TP.HCM. Chưa từng trải qua bất kỳ khóa học nào về làm bánh, hành trang duy nhất anh Triển mang theo khi đến với nghề chính là niềm đam mê.

Anh Triển cho biết: “Năm 2012, tôi xin vào làm thợ phụ tại tiệm bánh ngọt. Từ công việc này, tôi đúc kết cho bản thân được kha khá kinh nghiệm. Bên cạnh được mọi người hướng dẫn cách làm, tôi tự tìm tòi, học hỏi thêm từ Internet. Từng làm qua nhiều loại bánh ngọt nhưng tôi vẫn thích bánh kem nhất, có lẽ vì từ nhỏ bản thân đã yêu thích loại bánh này”.

Từ một người “ngoại đạo” chưa biết gì về làm bánh, năm 2017, anh Triển chính thức trở thành thợ chính. Sau hơn 10 năm rong ruổi làm việc ở nhiều tiệm bánh tại TP.HCM, tháng 9/2020, anh quyết định trở về Long An lập nghiệp.

Dù lớn hay nhỏ, dù cầu kỳ hay đơn giản thì mỗi chiếc bánh chính là đứa con tinh thần của những người thợ làm bánh

Làm bánh là làm nghệ thuật

Theo anh Triển, học làm bánh kem không khó, nếu thật sự yêu thích, ai cũng có thể làm được. Để tạo ra sản phẩm, phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau: Chuẩn bị nguyên liệu để làm phần bánh và phần kem; cân, trộn nguyên liệu; làm bánh; nướng bánh; làm kem; trang trí;… Thông thường thì học khoảng 2 tháng là có thể làm được những mẫu bánh kem đơn giản. Hiện trên Internet có rất nhiều công thức hướng dẫn làm bánh kem. Tuy nhiên, để tạo ra một chiếc bánh ngon, đẹp mắt và có phong cách riêng thì cần rất nhiều thời gian để nghiên cứu, học hỏi.

Được biết, trong tất cả công đoạn, trộn nguyên liệu được xem là bước khó nhất. Anh Triển tiết lộ, để làm bánh bông lan mềm mịn và có độ phồng, người thợ sẽ tách lòng trắng trứng và lòng đỏ ra, lòng trắng được đánh riêng trước khi trộn vào hỗn hợp nguyên liệu.

Nhiều người ví von “làm bánh là làm nghệ thuật”, bởi công việc này đòi hỏi người làm sự sáng tạo, khéo tay. Ngoài mùi vị, yếu tố thẩm mỹ góp phần quan trọng tạo nên sức hút của chiếc bánh, chi tiết, màu sắc trên bánh phải được trang trí hài hòa. Bên cạnh việc làm theo mẫu, tùy vào sở thích của khách hàng mà người thợ sẽ có hướng tư vấn phù hợp.

Anh Triển chia sẻ: “Theo nghề này như “làm dâu trăm họ”, công việc cũng khá áp lực, quan trọng nhất phải làm hài lòng khách hàng. Thông thường, bánh kem xuất hiện trong những dịp đặc biệt đánh dấu bước ngoặt quan trọng của đời người như đầy tháng, thôi nôi, sinh nhật, đám hỏi, đám cưới, khai trương, các ngày lễ, kỷ niệm,… Chính vì vậy mà người làm phải thật cẩn thận, cố gắng không để xảy ra sai sót, nhiều khi phải tăng ca đến 12 giờ đêm để hoàn thành đơn hàng cho khách. Với tôi, bánh kem không chỉ đơn giản là món ăn mà còn mang trên mình nhiều “nhiệm vụ” quan trọng”.

Dù lớn hay nhỏ, dù cầu kỳ hay đơn giản thì mỗi chiếc bánh chính là "đứa con tinh thần" của người thợ. Họ chăm chút, tỉ mỉ từ khi chuẩn bị nguyên liệu đến trang trí bánh. Ngoài việc tạo ra thu nhập cho bản thân thì mong muốn lớn nhất của những người thợ làm bánh chính là nhìn thấy niềm vui, niềm hạnh phúc của khách hàng mỗi khi cầm chiếc bánh trên tay. Được trò chuyện cùng anh Triển mới thấy, chỉ cần có quyết tâm, kiên trì thì sẽ theo đuổi được đam mê và sống tốt với nghề./.

Nguyễn Dung

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích