Cô Trinh tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X năm 2020
23 năm ở miền biên viễn
Ngày tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm, cô nhận công tác tại Trường Tiểu học Khánh Hưng, xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng. Lúc đó, cô giáo trẻ vẫn còn chưa biết Trường Tiểu học Khánh Hưng “tròn méo ra sao”, cách nhà bao nhiêu kilômét.
Để có cuộc gặp mặt đầu tiên với học sinh và đồng nghiệp, cô phải đi tàu suốt 10 tiếng đồng hồ để đến vùng đất này. Trường Tiểu học Khánh Hưng là một nhóm lớp vách lá, đường đá gập ghềnh. Đó là nơi cô Trinh gắn bó cho đến ngày nay. Cô Trinh kể: “Ngày đó, trường tôi nằm trên khu đất trống, nhà cửa người dân thưa thớt, đường đi thì gập ghềnh, trơn trợt. Giáo viên ở nhà tập thể phải dùng đèn dầu, bếp củi. Khó khăn thì nhiều nhưng tôi chưa khi nào nghĩ mình sẽ rời xa. Bởi, tôi muốn nối nghiệp cha mình và gia đình đã động viên tôi rất nhiều vào những ngày tháng đó”.
Nghề giáo có thể được xem là truyền thống gia đình cô Trinh khi cả cha, chú và em của cô đều là giáo viên. Mặc dù cha mất sớm nhưng cô Trinh vẫn lớn lên trong những lời nhắc nhở tốt đẹp của học trò và người thân về cha mình, một thầy giáo tận tâm! Điều đó khiến cô nung nấu ước mơ được nối nghiệp cha, được đứng trên bục giảng và truyền đạt hết kiến thức, tình yêu thương cho học sinh của mình. Mỗi khi gặp khó khăn, cô lại tìm về với gia đình để chia sẻ với người thân chuyện nghề và lắng nghe ý kiến người đi trước. Những lời động viên, hướng dẫn từ người thân trong gia đình giúp cô có thêm sức mạnh tiếp tục hành trình.
Dành trọn tâm huyết cho nghề
23 năm công tác tại Khánh Hưng là 23 năm cô dành trọn tâm huyết của mình cho trường lớp, học sinh. Việc cô đi sớm, về muộn và hay đến trường vào ngày cuối tuần để phụ đạo miễn phí cho học sinh kém là chuyện hết sức thường tình. Với cô, đó là tình thương và trách nhiệm. Cô thương học sinh chân đất tới trường, thương những bộ quần áo lấm lem khi lỡ té trên đường đi học. Cô thương cả ánh mắt ngây thơ chăm chú lắng nghe lời cô giảng nên cô đặt hết tâm sức vào từng bài giảng, từng trang giáo án, luôn tìm cách để học sinh có thể hiểu bài tốt nhất và phát huy được năng lực của bản thân. Cô cũng vui với tình yêu thuần khiết của học sinh dành cho mình, xúc động và nhớ mãi hình ảnh những bông hoa dại được tặng nhân ngày 20/11 của 20 năm về trước. Có lẽ đó chính là động lực để cô có đủ sức bám nghề ở mảnh đất biên cương nhiều gian khổ.
Cô Trinh chia sẻ: “Chính những tình cảm sâu sắc ấy của học sinh dành cho tôi khiến tôi quyết tâm phấn đấu và bám trụ nơi đây cho đến bây giờ. Tất cả những thành tích mà tôi đã đạt cũng nhờ lòng yêu nghề, mến trẻ và sự nhiệt huyết của bản thân”.
Ít ai biết rằng, trong suốt quá trình công tác tại vùng biên giới, cô Trinh đã được gia đình ra sức động viên hãy làm đơn xin về gần nhà sau một thời gian nhất định “phục vụ” ở biên cương. Về gần nhà, cô sẽ thoát cảnh “một thân một mình” nơi xa, được nương tựa gia đình để vơi phần vất vả. Vậy nhưng, cô cứ ậm ừ rồi lại mải miết với học sinh của mình hết năm học này đến năm học khác. Thấm thoát đã hơn 20 năm.
Năm 2014, cô giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khánh Hưng cho đến nay
Trong hơn 20 năm ấy, cô Huỳnh Uyển Trinh có 14 năm là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở cùng nhiều giấy khen, bằng khen các cấp. Năm 2014 , cô giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khánh Hưng cho đến nay. Ở vị trí mới, cô luôn nhiệt tình trong công tác, tận tụy với nghề nghiệp, có ý thức tự học, tự rèn, khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nếu trước kia, cô giáo trẻ Huỳnh Uyển Trinh hàng đêm chong đèn bên trang giáo án thì hiện tại, cô cũng luôn miệt mài với công việc chuyên môn của mình.
Là người phụ trách chuyên môn nên cô luôn tìm tòi, tự học và cầu thị học hỏi kinh nghiệm của đồng nghiệp đi trước nhằm nâng cao năng lực chuyên môn để có thể đồng hành cùng những đồng nghiệp trẻ trên hành trình giảng dạy và phấn đấu. Trong suốt những năm ở vị trí quản lý, cô Trinh đã cùng Ban Giám hiệu nhà trường duy trì chất lượng giáo dục 99%, tổ chức thành công các hội thi do ngành, trường tổ chức. Các buổi sinh hoạt chuyên môn theo chuyên đề và theo nghiên cứu bài học, thao giảng được tổ chức đều đặn tại trường nhằm giúp giáo viên có điều kiện học hỏi, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy lẫn nhau. Cô rất hòa nhã, sẵn sàng lắng nghe đồng nghiệp. Trước cửa phòng làm việc của cô có một khóm hồng nhung trổ bông rực rỡ. Đó là món quà giáo viên trường tặng cô Hiệu phó tận tâm cùng lời nhắn nhủ hết sức dễ thương: “Tận tụy với nghề nhưng phải biết nghĩ cho mình nữa nhé!”.
Trong Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X năm 2020, cô Trinh là đại diện duy nhất của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh tham dự Đại hội. Đối với cô, đó vừa là niềm vui, vừa là động lực để bản thân phấn đấu nhiều hơn nữa trong thời gian tới./.
Quế Lâm