Tiếng Việt | English

06/12/2017 - 04:18

Vụ phóng viên báo, đài ở Long An bị hành hung gần nhà máy xử lý rác:

Công an nói “Phóng viên không mặc trang phục gắn logo của báo, đài là không đảm bảo yếu tố thi hành công vụ”

Đại tá Nguyễn Văn Nhớ, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An ký thông báo gửi Đài Phát thanh và Truyền hình Long An về vụ việc nhóm phóng viên ở Long An bị hành hung gần Nhà máy xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa (huyện Thạnh Hóa)

Theo đó, cơ quan điều tra quyết định, không khởi tố vụ án hình sự. Tuy nhiên, cơ quan điều tra lại liệt kê hàng loạt yếu tố rất lạ lùng và cho rằng các phóng viên không bảo đảm yếu tố “đang thi hành công vụ”.

Đã làm rõ các đối tượng hành hung phóng viên

Theo thông báo kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố mà Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Thạnh Hóa thì các đối tượng trực tiếp hành hung nhóm phóng viên Báo, Đài Long An là Đỗ Văn Tiến (SN 1985), quê ở xã Châu Pha, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (công nhân của một đơn vị đang thi công hàng rào Nhà máy Tâm Sinh Nghĩa) và Phạm Văn Dũng (SN 1956), thường trú tại xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An (người làm thuê cho Nhà máy Tâm Sinh Nghĩa, không có hợp đồng lao động). Tiến cũng chính là người lấy thẻ nhớ máy quay phim từ phóng viên.

Hai người này có mặt và hành hung phóng viên sau khi nhận được cuộc gọi điện thoại của Nguyễn Văn Minh (SN 1994), thường trú xã Châu Pha, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (công nhân của một đơn vị đang thi công hàng rào Nhà máy Tâm Sinh Nghĩa) báo có nhóm người đến quay phim ngoài hàng rào nhà máy.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Thạnh Hóa cũng cho biết “không khởi tố vụ án hình sự với lý do hành vi không cấu thành tội phạm”.

 

Một đối tượng liên quan đến vụ hành hung được công an lấy lời khai

Trong thông báo này không đề cập đến vấn đề xử lý những đối tượng này?. Hay một vấn đề mà dư luận thắc mắc là vì sao nhóm người này đang làm việc trong khu vực Nhà máy Tâm Sinh Nghĩa lại chạy ra hành hung, đe dọa, cản trở phóng viên tác nghiệp ở gần đó?. Hành động này có phải do những đối tượng này “rảnh rỗi” hay thấy phóng viên tác nghiệp nên bực bội rồi xông ra đánh người vô cớ, hay còn có ai “chỉ đạo” cũng chưa thấy nêu ra?. Phải chăng đang tiếp tục làm rõ?.

Theo thông tin từ đại diện Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Long An “Thời gian qua, với chức năng, nhiệm vụ của Hội, chúng tôi cũng đã kiến nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo điều tra làm rõ vụ việc, xử lý nghiêm những đối tượng hành hung phóng viên; đồng thời làm rõ nguyên nhân hành hung phóng viên”.

Sao phóng viên không mặc trang phục gắn lo gô của cơ quan?

Trong thông báo của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Thạnh Hóa cũng chỉ ra nhiều yếu tố để khẳng định, các phóng viên không bảo đảm yếu tố “đang thi hành công vụ”.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện cho rằng, phóng viên Phạm Đức Cảnh, Cao Thị Kim Ngân (Đài Phát thanh và Truyền hình Long An) chưa có thẻ nhà báo, đi tác nghiệp không có kế hoạch cụ thể bằng văn bản,… Các phóng viên khi tiếp xúc với người làm việc tại Nhà máy Tâm Sinh Nghĩa lại không giới thiệu là phóng viên Báo Long An, Đài Phát thanh và Truyền hình Long An.

Cơ quan Cảnh sát điều tra còn cho rằng, khi tác nghiệp, các phóng viên này mặc trang phục không có logo của Báo Long An, Đài Phát thanh và Truyền hình Long An là không bảo đảm yếu tố “đang thi hành công vụ”.

Một đối tượng bám theo xe của phóng viên và hăm dọa

Những liệt kê mà Cơ quan Cảnh sát điều tra cho rằng, ở trường hợp này, các phóng viên không bảo đảm yếu tố “đang thi hành công vụ” thì ngược lại đã khẳng định, hoạt động tác nghiệp của phóng viên là “đang thi hành công vụ?”.

Như vậy những liệt kê của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện cho rằng, các phóng viên không bảo đảm yếu tố đang thi hành công vụ là rất lạ lùng. Bởi trong thực tế, có nhiều phóng viên ở các cơ quan báo chí vẫn hoạt động tác nghiệp bình thường nhưng chưa được cấp thẻ nhà báo (Luật Báo chí 2016 ở Điều 26 nêu rõ đối tượng được cấp thẻ nhà báo; Điều 27 cũng nêu rõ những điều kiện, tiêu chuẩn được xét cấp thẻ nhà báo - pv).

Hơn nữa, trong vụ việc này, địa điểm các phóng viên đang tác nghiệp là một bãi đất ruộng của người dân, nằm hoàn toàn cách biệt với Nhà máy Tâm Sinh Nghĩa, khu vực này cũng không cấm quay phim hay chụp ảnh. Vậy, lý do gì công an lại đề nghị phóng viên, nhà báo phải giới thiệu cho những người đang làm việc trong khu vực Nhà máy Tâm Sinh Nghĩa biết?.

Ở khoản 12, Điều 9, Luật Báo chí 2016 cũng quy định rõ “nghiêm cấm đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật”. Như vậy, việc nhóm người hành hung phóng viên ở trường hợp này là vi phạm pháp luật và cần phải được xử lý nghiêm.

"Xin hỏi Công an huyện Thạnh Hóa, quy định nào buộc phóng viên đi tác nghiệp  phải mặc trang phục gắn logo của cơ quan để ai gặp cũng biết họ là nhà báo, đang công tác ở đơn vị A, cơ quan Z,... Nếu có hãy chỉ ra cụ thể?", một phóng viên nêu vấn đề.

Như Báo Long An đã thông tin, khoảng 8 giờ, ngày 27/9/2017, 3 phóng viên Nguyễn Thị Mận (Báo Long An), Cao Thị Kim Ngân và Phạm Đức Cảnh (Đài Phát thanh và Truyền hình Long An) đến tìm hiểu, ghi nhận ý kiến bức xúc của người dân về việc nhà máy này xả trực tiếp nước rỉ từ rác ra kênh 3, ngụ ấp 3, xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa, gây ô nhiễm môi trường.

Trong lúc nhóm phóng viên đang ghi nhận thực tế tại kênh 3 (nằm hoàn toàn ngoài khu vực Nhà máy Tâm Sinh Nghĩa) thì có một nhóm người đến hăm dọa và ngăn cản không cho quay phim. Sau đó, 2 thanh niên xông vào quật ngã, đè phóng viên quay phim - Phạm Đức Cảnh xuống đất và liên tục dùng tay, chân đấm, đá vào mặt và người. Các đối tượng này còn giật máy quay phim trên tay phóng viên Cảnh và lấy thẻ nhớ. Đồng thời, các đối tượng liên tục dùng lời lẽ hăm dọa 2 phóng viên nữ.

Trước vụ việc này, 3 phóng viên phải gọi cho tài xế lái xe ô tô của Đài Phát thanh và Truyền hình Long An đang đậu ở ngoài QL62 thuộc xã Tân Đông chạy vào hộ tống rời khỏi khu vực. Trên đường đi ra, một đối tượng còn chạy xe theo hăm dọa các phóng viên. Cũng cần phải nói rõ, xe ô tô này hôm đó, được lãnh đạo Đài bố trí chở các phóng viên đi Thạnh Hóa công tác.

Sau vụ hành hung, phóng viên Cảnh bị xây xát, chấn thương phần mềm ở mặt và tay. Riêng, máy quay phim của phóng viên bị các đối tượng giật đứt dây đeo, rớt xuống đất.

Ngay sau đó, nhóm phóng viên đã đến UBND xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa trình báo sự việc. Công an huyện Thạnh Hóa đã tiếp nhận thông tin và tiến hành điều tra vụ việc.

Ngay trong chiều ngày 27/9, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Long An, Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Long An – Phạm Văn Dũng ký công văn báo cáo UBND tỉnh vụ 3 phóng viên đi công tác theo sự phân công nhưng bị hành hung khi đang tác nghiệp ngoài hàng rào Nhà máy xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa (xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An).

Theo đó, căn cứ Luật Báo chí, Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam, chức năng, nhiệm vụ được giao; nhằm ngăn ngừa xảy ra các vụ việc tương tự, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình tác nghiệp của những người làm báo, Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Long An kính đề nghị UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo các cơ quan chức năng kịp thời điều tra, làm rõ vụ việc, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi ngăn cản, hành hung phóng viên khi đang tác nghiệp./.

                                                                                                                          Lê Đức

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích