Tiếng Việt | English

27/10/2020 - 08:25

Công điện khẩn gửi các tỉnh khu vực Tây nguyên ứng phó bão số 9

Nội dung Công điện nêu rõ, bão số 9 có cường độ rất mạnh, phạm vi ảnh hưởng rộng, di chuyển nhanh, khả năng gây mưa lớn, lũ, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất...

Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai – Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn vừa có Công điện khẩn gửi Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nguyên về chủ động ứng phó bão số 9.

Nội dung Công điện nêu rõ, bão số 9 là cơn bão có cường độ rất mạnh, phạm vi ảnh hưởng rộng, di chuyển nhanh. Sau khi đổ bộ vào đất liền từ Đà Nẵng đến Phú Yên, bão tiếp tục đi vào khu vực Tây Nguyên với sức gió còn mạnh, khả năng gây mưa lớn, lũ, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.

Đến 16h chiều ngày 28/10, tâm bão ở trên khu vực Tây Nguyên với sức gió cấp 8, giật cấp 10 và gây mưa lớn với lượng mưa từ 100mm đến 200mm (mức độ tàn phá của cơn bão này có thể tương đương hoặc mạnh hơn bão số 12/2017 đã gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên).


Hướng đi của cơn bão.

Để chủ động ứng phó với bão, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai – Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn yêu cầu Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh khu vực Tây Nguyên tập trung chỉ đạo một số nội dung sau:

1. Rà soát, triển khai công tác đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, sẵn sàng sơ tán người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, vùng có có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, lũ ống, vùng ngập sâu, chia cắt đến nơi an toàn.

2. Hướng dẫn, chỉ đạo triển khai chằng chống, gia cố nhà cửa, trụ sở, trường học, bệnh viện, kho tàng, các công trình công cộng; tổ chức cắt tỉa cành cây tại các khu đô thị; bảo vệ sản xuất nông nghiệp, nhất là cây trồng lâu năm, cây công nghiệp.

3. Kiểm tra, rà soát các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, nhất là đối với các hồ chứa xung yếu, công trình đang thi công, chủ động vận hành đón lũ, đảm bảo an toàn công trình và hạ du. Tổ chức thông tin cảnh báo cho chính quyền và nhân dân vùng hạ du bị ảnh hưởng, kể cả đối với nước bạn Campuchia về việc vận hành xả lũ, nhất là trong tình huống xả lũ khẩn cấp để chủ động phòng, tránh.

4. Chuẩn bị lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu theo phương châm “4 tại chỗ” để chủ động đối phó với mưa, lũ lớn, ngập lụt, chia cắt kéo dài nhiều ngày.

5. Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

6. Chỉ đạo Đài phát thanh, truyền hình và các cơ quan thông tấn báo chí ờ địa phương tăng cường công tác thông tin, truyền thông để người dân biết, chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do bão, lũ./.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết