Tiếng Việt | English

12/08/2015 - 05:33

Công luận Pháp ủng hộ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam- Phần cuối

 Nhân rộng những dự án của tình hữu nghị và đoàn kết

Trong một buổi tọa đàm nhân ngày hội giao lưu kết nối các hiệp hội Việt Nam và Pháp tổ chức vào tháng 6 vừa qua tại thành phố Montreuil, ngoại ô Paris, trên 30 tổ chức, hội đoàn của Pháp đã tham gia buổi tọa đàm có chủ đề: “Đoàn kết - Sức khỏe” nhằm thảo luận sâu về sự phối hợp hành động để giúp đỡ người dân Việt Nam nói chung, chăm sóc, hỗ trợ các nạn nhân chất độc da cam nói riêng một cách hiệu quả hơn.


Tại buổi tọa đàm có chủ đề "Sức khỏe - Đoàn kết", các đại biểu thảo luận về các biện pháp hỗ trợ các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.

Những người bạn Pháp không chỉ đề xuất các dự án mà còn bắt tay vào những công việc hết sức tỉ mỉ và cụ thể như phát tờ rơi kêu gọi quyên góp, làm một số hàng thủ công đem bán lấy tiền gây quỹ để triển khai các dự án nhân đạo tại Việt Nam. Với họ, chung tay làm dịu bớt nỗi đau thể chất và tinh thần của các nạn nhân chất độc da cam không chỉ là một bổn phận, mà sự chia sẻ một cách tự nguyện đó còn làm cho cuộc sống của họ trở nên có ý nghĩa hơn.

Ông Alain Bonnet, Tổng Thư ký Ủy ban quốc gia “Làng Hữu nghị Vân Canh” của Pháp, cho biết: “Chúng tôi đóng góp một phần tài chính vào việc xây dựng Làng Hữu nghị Vân Canh ở ngoại thành Hà Nội, để đón tiếp 120 trẻ em và 80 cựu chiến binh là nạn nhân chất độc da cam. Chúng tôi cũng đề xuất mua một số thiết bị để hỗ trợ trẻ em mắc các dị tật về vận động. Từ hai năm nay, sau khi đề xuất với Ủy ban quốc tế “Làng Hữu nghị Vân Canh” về việc xây một bể bơi có chức năng chữa bệnh, chúng tôi đã quyên góp để cùng với các ủy ban quốc gia khác, tiến hành xây dựng công trình này. Bể bơi trị liệu sẽ góp phần vào việc phục hồi chức năng cho các trẻ em là nạn nhân chất độc da cam, đặc biệt là những em có vấn đề về vận động. Chúng tôi cũng gửi nhiều tình nguyện viên trẻ người Pháp đến làm việc tại đây để họ cũng nhận thức được những tác hại của chất độc da cam”.


Ông Alain Bonnet, Tổng Thư ký Ủy ban quốc gia "Làng Hữu nghị Vân Canh" của Pháp.

Trong cuộc tập hợp lực lượng vì các nạn nhân chất độc da cam, có nhiều tổ chức có quy mô rất nhỏ. Quỹ cảnh báo về chất độc da cam/điôxin (FaAOD) do ông Pierric Le Neveu làm chủ tịch là một tổ chức như vậy. Dự án do FaAOD triển khai tại Thanh Hóa mỗi năm chỉ giúp đỡ được vài chục hộ gia đình bằng cách cho vay không lãi suất, giúp con em các gia đình nạn nhân chất độc da cam học nghề. Mặc dù vậy, ông Pierric Le Neveu tự hào về ý nghĩa của việc làm này vì nó giúp các bạn trẻ tàn tật có thể lao động kiếm sống và có một chỗ đứng trong xã hội.

Cội nguồn thiêng liêng

Trong công cuộc tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của công luận và triển khai các dự án hỗ trợ, chúng tôi cũng đã gặp rất nhiều kiều bào định cư tại Pháp. Nhiều người trong số họ không sinh ra và lớn lên tại Việt Nam, nhưng cội nguồn thiêng liêng vẫn khiến họ quay về, gắn bó với quê hương và làm hết sức mình để giúp quê hương hàn gắn vết thương chiến tranh.

Ông Chu Khắc Thành, Chủ tịch Hội Thân hữu Việt kiều Ailao tại Pháp, cho biết ông sinh trưởng tại Luang Prabang (Lào), sau này sang Pháp định cư. Ông chưa bao giờ sinh sống ở Việt Nam, nhưng ông luôn tự nhủ mình là người Việt Nam. Trao đổi với chúng tôi, ông xúc động kể về những lần gặp gỡ với những đứa trẻ đáng thương bị nhiễm chất độc da cam tại làng Hòa Bình, Thanh Xuân, Hà Nội. Từ 30 năm qua, ông thường xuyên tổ chức các “Đêm tình thương” - một hoạt động vừa có tính chất giới thiệu văn hóa Việt Nam, vừa mang tính giải trí nhưng cốt lõi là nhằm nâng cao nhận thức trong cộng đồng người Việt Nam tại Pháp và người Pháp về các căn bệnh đang ngày đêm hành hạ các em nhỏ và quyên góp tiền để chữa bệnh, xây trường và cấp học bổng giúp đỡ những đứa trẻ kém may mắn đó.

Ông Đặng Đình Cung, thuộc Hội Việt Nam - Trẻ em - Nạn nhân chất độc da cam (VNED), cho biết mục tiêu của Hội VNED là giúp đỡ trẻ em là nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam, bản thân tên gọi của hội đã nói lên điều đó. Mỗi năm, Hội VNED giúp đỡ khoảng 500 gia đình từ tiền quyên góp của một số tổ chức từ thiện và các nhà hảo tâm. Số tiền đó được dùng để chăm sóc y tế, cấp học bổng học nghề, triển khai các dự án vi tín dụng, nhằm giúp gia đình các nạn nhân nâng cao thu nhập.

Những tiếng nói ủng hộ, những hoạt động nhân đạo đang ngày một lan rộng cho thấy một phong trào hậu thuẫn đang hình thành và ngày càng trở nên mạnh mẽ, sâu rộng nhằm giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam/điôxin Việt Nam. Đối với vụ kiện của nạn nhân Trần Tố Nga tại Pháp, mặc dù trước mắt còn rất nhiều khó khăn do các công ty Mỹ đang tìm cách trì hoãn làm chậm tiến độ vụ kiện, song tinh thần đoàn kết của nhân dân trong nước cùng với sự ủng hộ nhiệt tình của bạn bè trên toàn thế giới sẽ là nguồn động viên quan trọng, tiếp sức cho cuộc đấu tranh đòi công lý trong thời gian tới./.

Bích Hà (P/v TTXVN tại Pháp)

Chia sẻ bài viết