Tiếng Việt | English

22/09/2016 - 10:06

Công nghệ thông tin cầu nối chính quyền với người dân

Không còn hình ảnh người cán bộ văn phòng “vật lộn” với hàng đống văn bản, giấy tờ mỗi khi cần tra cứu hay tìm kiếm thông tin. Cũng không còn cảnh người dân cầm mẫu văn bản ra ngoài thuê người đánh máy rồi quay vào UBND nộp cho đủ thủ tục giấy tờ. Đó là những lợi ích dễ nhìn thấy nhất của việc ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách hành chính.

Ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách hành chính được triển khai tại 15 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Hiện tại, phần mềm quản lý văn bản và điều hành, chữ ký số, hệ thống một cửa điện tử, hệ thống thư điện tử của tỉnh, phần mềm quản lý cán bộ, công chức, viên chức; phần mềm quản lý hộ tịch; phần mềm quản lý khiếu nại, tố cáo và trang thông tin điện tử được các huyện ứng dụng với mức độ khác nhau. Trong đó, hệ thống một cửa điện tử có tương tác với người dân nhiều nhất.


Cán bộ “một cửa” xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành được trang bị máy tính để làm việc

Hiện tại, 100% UBND cấp huyện, UBND cấp xã triển khai phần mềm một cửa điện tử phục vụ tiếp nhận, luân chuyển, giải quyết và công bố tình trạng giải quyết hồ sơ.

Tính từ ngày 1-1-2016 đến ngày 15-8-2016, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn của các sở, huyện, thị xã, thành phố trên trang “Một cửa” của tỉnh đạt 83%, tăng 3% so với 6 tháng đầu năm. Một số huyện đạt tỷ lệ đúng hạn trên 90% là: Tân Thạnh, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Đức Huệ, Bến Lức và thị xã Kiến Tường.

100% UBND cấp huyện có trang thông tin điện tử và được tích hợp vào Cổng thông tin điện tử của tỉnh.

Tiện và lợi

Tại phòng “một cửa” xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành, các cán bộ, nhân viên có 2 máy tính để xử lý công việc. Từ khi xã ứng dụng phần mềm xử lý văn bản, phần mềm một cửa,... cán bộ, nhân viên “một cửa” được hỗ trợ nhiều.

Anh Huỳnh Minh Trực - nhân viên văn thư - lưu trữ xã Phú Ngãi Trị nhận xét: “Từ khi xã được trang bị máy tính và ứng dụng các phần mềm, việc tìm kiếm giấy tờ nhanh chóng hơn, có thể in các mẫu văn bản cho người dân, tiết kiệm thời gian và công sức cho dân”.

Chủ tịch UBND xã Phú Ngãi Trị - Nguyễn Minh Trung cho biết, đến nay, xã trang bị đầy đủ máy tính cho cán bộ xã, toàn xã (trừ công an và quân sự) đều nối mạng Internet, mạng nội bộ được sử dụng hiệu quả. Ông Trung nhận xét: “Từ khi ứng dụng công nghệ thông tin, việc đi lại để chuyển, phát văn bản từ huyện đến xã và ngược lại nhanh chóng hơn, tiết kiệm công sức đi lại của cán bộ và nhân dân.

Từ việc văn bản được lưu trữ, xử lý trên phần mềm, các phương tiện phục vụ việc in ấn, sao chép văn bản được trang bị đầy đủ giúp tiết kiệm thời gian cho người dân khi đến liên hệ tại bộ phận một cửa. Ông Nguyễn Công, ở ấp Bình Trị 2, xã Phú Ngãi Trị cho biết, ông rất hài lòng và tín nhiệm bộ phận “một cửa” của xã. Ông nói: “Ở đây bây giờ làm việc nhanh hơn trước, giấy tờ được làm lẹ làng, mà cán bộ cũng tận tình, mau lẹ nữa!”.Việc ứng dụng công nghệ thông tin thật sự phát huy hiệu quả, phục vụ người dân ngay từ cơ sở.

Chủ tịch UBND huyện Cần Đước - Nguyễn Chí Tâm nhận định: “Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông phát huy hiệu quả tích cực: Tiết kiệm thời gian, giảm số lần đi lại của tổ chức và công dân, chống tiêu cực, phiền hà, nhũng nhiễu, mối quan hệ giữa cơ quan Nhà nước với tổ chức, công dân có sự chuyển biến căn bản”. Điều đó được khẳng định bằng ý kiến của ông Đặng Thanh Thành, ở xã Tân Trạch: “Tôi thấy, đến làm giấy tờ ở bộ phận “một cửa” huyện nhanh chóng và tiện lợi, cán bộ cũng vui vẻ, hòa nhã”.


Cán bộ “một cửa” huyện Thạnh Hóa đang làm việc

Khó khăn và những biện pháp khắc phục

Ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các xã, phường, thị trấn đem lại nhiều hiệu quả tích cực. Theo Sở Thông tin và Truyền thông, hiện tất cả đơn vị cấp huyện trên địa bàn tỉnh đều ứng dụng phần mềm “một cửa” điện tử. Một số cơ quan khai thác, sử dụng hiệu quả, cung cấp kịp thời, chính xác thông tin tra cứu tình trạng hồ sơ hành chính cho tổ chức, cá nhân qua hệ thống tổng đài tự động và trang http://motcua.longan.gov.vn. Việc khai thác, sử dụng hiệu quả phần mềm “một cửa” giúp lãnh đạo có thể kiểm tra, theo dõi quá trình giải quyết hồ sơ của từng đơn vị.

Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành - Nguyễn Dương Phong Linh cho biết: “Trước những khó khăn đó, huyện chủ động khắc phục bằng cách hàng năm đều tổ chức lớp tập huấn về công nghệ thông tin cho cán bộ các ban, ngành, các xã, mời báo cáo viên từ Sở Thông tin và Truyền thông trực tiếp hướng dẫn. Qua tập huấn nhằm củng cố, hướng dẫn lại những thao tác ứng dụng các phần mềm cho cán bộ. Ngoài ra, mỗi khi có thay đổi về thủ tục hành chính như thay đổi thời gian chờ của hồ sơ thì huyện chỉ đạo cán bộ "một cửa" thao tác chỉnh sửa cho phù hợp trước khi in giấy hẹn cho người dân, đồng thời, liên hệ Sở Thông tin và Truyền thông để cập nhật phần mềm”.

- Theo Sở Thông tin và truyền thông, hiện các huyện đã ban hành quy chế quản lý, sử dụng phần mềm một cửa điện tử gồm: Đức Hòa, Tân Hưng, Thủ Thừa, Mộc Hóa, TP. Tân An, Cần Đước.

Các huyện đã ban hành quy chế sử dụng thư điện tử: Tân Hưng, Tân Thạnh, Châu Thành, Thủ Thừa, Bến Lức, Cần Đước, TP. Tân An, Thạnh Hóa.

- Người dân có thể tra cứu tiến độ thực hiện hồ sơ của mình bằng cách nhập mã hồ sơ tại trang web: http://motcua.longan.gov.vn., hoặc điện thoại đến (072)3888888, nhắn tin SMS mã hồ sơ đến (072) 3618888.

Bên cạnh đó là việc hạn chế, thiếu thốn về cơ sở vật chất. Tại Thạnh Hóa, số lượng máy tính trên cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu công việc đặt ra; có nơi, 1 máy sử dụng chung đến 2-3 người (cấp xã). Máy tính trang bị đã lâu, cấu hình thấp nên hoạt động không ổn định, không đáp ứng nhu cầu vận hành phần mềm cũng như chưa được đầu tư trang thiết bị bảo đảm an toàn, an ninh mạng,... Nguyên nhân chính là do nguồn kinh phí còn hạn chế, dẫn tới việc đầu tư chưa đáp ứng nhu cầu.

Trước những khó khăn hiện tại, Sở Thông tin và Truyền thông đề xuất các huyện chỉ đạo, quán triệt tất cả cán bộ, công chức, viên chức trực thuộc nghiêm túc khai thác, sử dụng có hiệu quả các phần mềm được triển khai. Lãnh đạo cơ quan là người gương mẫu, đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin. Đồng thời, huyện cũng nên ban hành các quy chế, quy định cụ thể việc quản lý, khai thác, sử dụng các phần mềm triển khai tại cơ quan để có cơ sở kiểm tra, đánh giá, nhắc nhở, giúp việc sử dụng đi vào nề nếp, đúng quy định. Việc bố trí cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin cũng nên được quan tâm nhằm giúp cán bộ thực hiện tốt công tác tham mưu, đề xuất, phối hợp, hỗ trợ kịp thời người sử dụng trong quá trình khai thác, sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin được triển khai tại các cơ quan, đơn vị./.

Phương Phương

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích