Tiếng Việt | English

11/10/2021 - 10:14

Công nhân, lao động nên chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và tỉnh

Với vị trí địa lý thuận lợi, chính sách thông thoáng, tinh thần phục vụ tốt, Long An được nhiều doanh nghiệp (DN), công nhân, lao động (CNLĐ) chọn làm điểm đến lý tưởng để đầu tư và gắn bó cuộc sống. 6 tháng đầu năm 2021, Long An nổi lên là điểm sáng của cả nước trong thu hút đầu tư, nhất là với đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát, diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phía Nam, trong đó có Long An, đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu, sản xuất, giao thương hàng hóa, ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống KT-XH. Trước bối cảnh đó, cộng đồng DN vừa khắc phục khó khăn duy trì sản xuất, vừa thực hiện trách nhiệm xã hội, chia sẻ khó khăn với chính quyền địa phương, CNLĐ và người dân. Cùng với cả nước, tỉnh đã, đang triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh; đồng thời, tăng cường thực hiện công tác an sinh xã hội, giúp đỡ CNLĐ bị khó khăn trong cuộc sống.

Tính đến ngày 06/10/2021, Long An triển khai hỗ trợ theo tinh thần Nghị quyết số 68 của Chính phủ và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ cho 435.461 người thuộc các nhóm đối tượng, với tổng kinh phí trên 357 tỉ đồng. Ngoài ra, tỉnh còn huy động các nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo, CNLĐ với tổng kinh phí trên 235 tỉ đồng,... Đó là nghĩa tình của Long An với những người đã từng đóng góp công sức cho sự phát triển của tỉnh; đồng thời, muốn giữ chân CNLĐ cùng tham gia phục hồi sản xuất khi điều kiện thích hợp.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được nhiều lần nhấn mạnh, trong quá trình chống dịch, Long An luôn chủ động thực hiện kịch bản phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế linh hoạt và phù hợp với từng giai đoạn diễn biến của dịch bệnh. Tỉnh ưu tiên vắc-xin tiêm cho CNLĐ, tạo điều kiện sản xuất “3 tại chỗ”; đối thoại, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN. Do vậy, khi tỉnh kiểm soát tốt dịch bệnh, đã sớm mở cửa nền kinh tế, hỗ trợ các DN hoạt động trở lại.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út, với chính sách hợp lý của tỉnh, chỉ trong vòng hơn 20 ngày (từ ngày 15/9 đến nay) có khoảng 50% DN trên địa bàn tỉnh đã trở lại hoạt động. Tỉnh phấn đấu đến cuối tháng 11/2021 sẽ đưa tất cả DN trên địa bàn tỉnh hoạt động trở lại, nỗ lực thực hiện tốt “mục tiêu kép”.

Quan điểm xuyên suốt của lãnh đạo tỉnh Long An là thực hiện tốt phương châm: “Luôn đồng hành cùng DN, xem khó khăn của DN là khó khăn của tỉnh, thành công của DN là thành công của tỉnh”. Hiện nay, khó khăn của DN là nhiều CNLĐ tự phát về quê, làm thiếu hụt nguồn lao động. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Long An nỗ lực vận động CNLĐ ở lại các địa phương gắn bó với công ty; cùng DN chăm lo an sinh xã hội cho CNLĐ, kể cả ứng trước lương, vận động giảm tiền thuê trọ. Với những người tha thiết hồi hương, tỉnh phối hợp các tỉnh, thành tổ chức đưa, rước chu đáo để kiểm soát dịch bệnh.

Khi đối thoại với DN, Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính nhiều lần khẳng định quan điểm: “Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”. Với CNLĐ cũng thế, trước hết phải xem công ty, xí nghiệp là nhà vì đã mang lại thu nhập trang trải cuộc sống; kế đến, Long An là mảnh đất cùng góp sức giải quyết việc làm, chăm lo lợi ích trong lao động cũng như an sinh xã hội khi dịch bệnh, do vậy CNLĐ cần nên “chia sẻ rủi ro”, cùng góp sức phục hồi sản xuất khi công ty đi vào hoạt động trở lại. Điều đó xuất phát từ “lợi ích hài hòa” trong cuộc sống cũng như nghĩa tình trong lúc khó khăn dịch bệnh. Ở lại làm việc trong công ty, CNLĐ được tiêm vắc-xin mũi 2, theo dõi, chăm sóc sức khỏe, làm việc có thu nhập, ổn định cuộc sống. Khi đời sống khó khăn sẽ được chính quyền, công ty, Công đoàn chăm lo. Nếu về quê tự phát sẽ vô tình mang mầm bệnh lây lan cho người thân, làm khó cho chính quyền, gây áp lực cho ngành y tế ở “vùng xanh”,…

Ông bà ta nói: “Trong khó khăn, hoạn nạn mới hiểu lòng nhau”, có lẽ cũng là quan điểm “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”./.

Tân An

Chia sẻ bài viết