Tiếng Việt | English

23/09/2022 - 11:28

Công nhân, lao động trông chờ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp

Tại hội nghị trực tuyến về thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp với 19 tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Long An, Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính khẳng định: “Tất cả vì ấm no, hạnh phúc của nhân dân, trong đó có công nhân, lao động (CNLĐ)”. Lời nhấn mạnh của người đứng đầu Chính phủ một lần nữa khẳng định trách nhiệm của Đảng và Nhà nước đối với CNLĐ - lực lượng đóng góp công sức, trí tuệ rất lớn vào sự phát triển KT-XH của địa phương nói riêng và đất nước nói chung. Và một trong những việc làm quan trọng là tạo điều kiện cho CNLĐ có chỗ ở ổn định, ngang bằng với tầng lớp dân cư trong xã hội, giúp họ an cư, lạc nghiệp.

Nhu cầu rất lớn

Long An có tốc độ phát triển công nghiệp ấn tượng, thu hút nhiều CNLĐ từ các tỉnh đến làm việc và lưu trú. Toàn tỉnh có trên 300.000 CNLĐ (lao động nhập cư chiếm hơn 30%), trong đó có 160.000 CNLĐ làm việc tại 17 khu công nghiệp và 22 cụm công nghiệp đang hoạt động. Theo số liệu Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh thống kê, toàn tỉnh có gần 150.000 CNLĐ có thu nhập thấp đang lưu trú ở hơn 8.200 khu nhà trọ,…

Tuy nhiên, nhà ở cho CNLĐ hiện nay mới chỉ đáp ứng khoảng 19% so với nhu cầu. Nhiều CNLĐ còn sống ở các khu nhà trọ với điều kiện sinh hoạt khó khăn, không gian chật hẹp, ẩm thấp, thiếu an toàn, an ninh, thiếu các thiết chế văn hóa, giáo dục, thể thao, thương mại,… Theo đó, rất nhiều gia đình CNLĐ phải gắn chặt trong những căn phòng trọ chỉ rộng hơn 10m2 từ 10 đến 15 năm nay.

Hiện các khu nhà trọ của các cá nhân góp phần giảm tải nhu cầu nhà ở rất lớn trong công nhân, lao động

Tại khu nhà trọ Bảy Công (xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa) với 220 phòng nhưng không còn phòng trống. Bởi, so với nhiều nơi, giá phòng ở đây rẻ hơn, chỉ ở mức 900.000 đồng/tháng. Thế nhưng, nhiều gia đình CNLĐ vẫn ở từ 3 - 4 người/phòng trọ. Trong đó, căn phòng trọ có diện tích 13m2 nơi đây là chỗ trú ngụ của 4 người trong gia đình chị Phạm Thị Nhung hơn 10 năm nay. Chị không chuyển đi nơi ở khác một phần vì chồng và con trai lớn của chị đang làm CN ở công ty (Cty) đối diện với khu trọ.

Tuy nhiên, chị Nhung trải lòng: “Thật ra, vấn đề ở xa hay gần Cty không đáng ngại mà quan trọng là tổng thu nhập của gia đình không cao nhưng có quá nhiều chi phí phải lo, trong đó có việc  nuôi dưỡng cha mẹ già ở quê. Không dám mơ về một tương lai tốt đẹp hơn, bởi với mức thu nhập hiện tại, gia đình tôi không thể tích lũy mua đất, xây nhà để an cư, lạc nghiệp. Tôi đang trông chờ và đặt nhiều hy vọng có những chế độ, chính sách hỗ trợ mua nhà ở hoặc thuê nhà giá rẻ cho CNLĐ bớt khổ”.

Cùng nỗi trăn trở như chị Nhung, chị Sơn Thị Tuyền - CN tại TP.Tân An, chia sẻ: “Nhà tôi có 3 người đang ở trong nhà trọ khoảng 12m2. Tôi và chồng làm CN nhưng lương không cao, chỉ vừa đủ sống. Con trai 18 tuổi đang xin việc, tuy nhiên thể trạng cháu yếu, gầy nên nhiều Cty từ chối. Gần 20 năm rời Sóc Trăng để làm CN nhưng cuộc sống gia đình tôi còn khó khăn quá. Tôi mơ ước một căn nhà nhỏ của riêng gia đình mình để vợ, chồng và con có nơi ở ổn định, an tâm làm việc. Do vậy, tôi rất mong chờ thiết chế văn hóa CN, đặc biệt là nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp”.

Từng bước xây dựng

Thấy rõ tầm quan trọng, tính cấp bách trong phát triển các dự án nhà ở xã hội và nhà ở xã hội cho CNLĐ, đặc biệt là sau tác động của dịch Covid-19, nhu cầu về nhà ở xã hội của CNLĐ tại các khu, cụm công nghiệp rất lớn. Tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai, thực hiện các chính sách về nhà ở xã hội, triển khai lập đề án xây dựng nhà ở xã hội cho CN giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030, dự kiến đến năm 2025 đầu tư khoảng 500.000 căn và đến năm 2030 đầu tư khoảng 1.000.000 căn, diện tích 40m2/căn nhằm giải quyết cơ bản nhu cầu về nhà ở cho CNLĐ có thu nhập thấp. Nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đang chung sức, đồng lòng làm tốt công tác an sinh xã hội, tham gia cùng Đảng, Nhà nước và tổ chức Công đoàn chăm lo đời sống cho CNLĐ có thu nhập thấp.

Đến nay, tỉnh triển khai hoàn thành 4 dự án nhà ở xã hội CN, người thu nhập thấp gồm nhà ở CN Long Hậu, Tân Đức, Đông Quang, Lainco với quy mô 1.702 căn, 66.525m2 sàn và một số doanh nghiệp sản xuất, hộ gia đình cá nhân tham gia đầu tư nhà ở cho CN, nhà trọ cho thuê với quy mô 20.000 căn nhà trọ, 300.000m2 sàn.

Khu nhà ở Khu công nghiệp Long Hậu có không gian rộng rãi, thoáng mát và nhiều cây xanh, giúp công nhân, lao động an cư, lạc nghiệp

Khu công nghiệp (KCN) Long Hậu (huyện Cần Giuộc) được xem là KCN điển hình về thu hút đầu tư, mô hình đa dạng tiện ích, mang đến cho doanh nghiệp, người lao động làm việc tại KCN môi trường làm việc theo hướng hiện đại và chú trọng đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí của mọi người. Chủ đầu tư KCN Long Hậu Long An dành ra 5,3ha đất với số vốn 228 tỉ đồng để xây dựng khu nhà lưu trú cho 7.200 CN, cán bộ, công nhân viên và chuyên gia đang làm việc tại KCN. Khu nhà lưu trú với đầy đủ các tiện ích như chợ, siêu thị, trường mầm non, khu vui chơi, giải trí,… đáp ứng các nhu cầu cơ bản cho người lao động đang làm việc trong KCN.

Chị Trương Thị Thái Lan - CN Cty TNHH Giải pháp y sinh ABT (KCN Long Hậu), tâm sự: “Hiện tôi không tốn tiền phòng, chỉ đóng tiền điện, nước. Ngoài ra, tình hình an ninh ở đây rất tốt, có phòng cháy, chữa cháy, có hầm xe nên tôi rất an tâm. Đặc biệt, không khí ở đây thoáng mát, có nhiều cây xanh, hạn chế được khói, bụi và ô nhiễm môi trường”.

Giải quyết vấn đề về nhà ở sẽ giúp CNLĐ ổn định cuộc sống, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Do vậy, nhiều đơn vị, doanh nghiệp sẵn sàng chung tay vào cuộc với tổ chức Công đoàn xây dựng nhà ở cho CNLĐ. Theo đó, Cty TNHH SXTM & XNK Thiên Minh (xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa) là doanh nghiệp thực hiện tốt công tác chăm lo cho CNLĐ, đặc biệt là vấn đề nhà ở. Mục tiêu của Cty không dừng lại ở mức thu nhập trung bình mà còn đang tiến tới tạo điều kiện để CNLĐ tích lũy về tài chính. Hiện Cty bố trí nhà ở cho 50% CNLĐ. Họ là những CNLĐ đến từ các tỉnh: Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng,... Mỗi phòng trọ với diện tích 24m2, ngay trong khuôn viên của nhà máy sản xuất. Một trong những CN ở khu nhà trọ của Cty, chị Đinh Thị Đông - CN Xưởng tinh chế gỗ, chia sẻ: “10 năm trước, tôi một thân một mình từ Cà Mau lên đây lập nghiệp và giờ là cả gia đình nhỏ đầm ấm, hạnh phúc. Con gái và con rể tôi cũng làm việc cùng Cty. Cả nhà 3 người có tổng thu nhập hơn 25 triệu đồng/tháng nhưng không phải tốn tiền nhà trọ và đi làm xa. Chỉ mất vài phút từ nhà đến xưởng và ngược lại nên mỗi ngày gia đình tôi tranh thủ thời gian nghỉ trưa nấu ăn tươm tất duy trì được sức khỏe để làm việc năng suất hơn, có thu nhập nhiều hơn”.

Anh Nguyễn Công Thiện - công nhân tại phường Khánh Hậu, TP.Tân An, trông chờ nhà ở thu nhập thấp cho công nhân

Hiện tỉnh triển khai đầu tư 13 dự án nhà ở xã hội với quy mô xây dựng 63,9ha và khảo sát lập quy hoạch 2 dự án độc lập với quy mô xây dựng 19ha. Có thể thấy, việc đầu tư nhà ở xã hội đạt kết quả khả quan, bố trí cho khoảng 35.000 CNLĐ trên địa bàn tỉnh có chỗ ở, an tâm làm việc, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu nhà ở cho CNLĐ hiện nay (chỉ đáp ứng được khoảng 19% so với nhu cầu).

Bên cạnh đó, LĐLĐ tỉnh đang xúc tiến các thủ tục cần thiết để sớm đầu tư xây dựng thiết chế Công đoàn tại xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa với diện tích gần 4ha từ nguồn vốn ngân sách tỉnh và Tổng LĐLĐ Việt Nam; trong đó, có các hạng mục như xây dựng nhà ở, nhà trẻ, siêu thị và các công trình văn hóa, thể thao,... nhằm thiết thực chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho CNLĐ, đoàn viên Công đoàn.

Mặc dù còn những khó khăn, vướng mắc nhưng với sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của Chính phủ cùng với địa phương và sự phối hợp tích cực, hiệu quả của các doanh nghiệp, tổ chức Công đoàn, hy vọng rằng thời gian tới, cuộc sống của hàng ngàn hộ gia đình CNLĐ có thu nhập thấp trên địa bàn tỉnh được bước sang trang mới, đặc biệt là sở hữu những căn nhà mới, bảo đảm về tiêu chuẩn chất lượng./.

Tuy tôi tìm được chỗ ở trọ giá rẻ nhưng không an toàn. Từ khi chuyển vào khu nhà ở của khu công nghiệp, tuy giá thuê có nhỉn hơn nhưng yên tĩnh, an ninh và đặc biệt là không gian xanh, sạch, mát mẻ, giúp tôi tái tạo năng lượng sau ngày dài làm việc. Ngoài ra, những thiết chế văn hóa công nhân giúp đời sống công nhân, lao động được nâng lên”.

Chị Võ Thị Thảo Trang - công nhân tại Khu công nghiệp Long Hậu (huyện Cần Giuộc)

Tôi và vợ đang thuê nhà trọ để ở. Chúng tôi ấp ủ có thể dành dụm tiền mua căn nhà cho riêng mình. Mong rằng, nhà nước sẽ có những căn nhà ở xã hội giá rẻ, vừa tầm với công nhân mua, giúp cuộc sống chúng tôi ổn định hơn”.

Anh Nguyễn Công Thiện - công nhân tại phường Khánh Hậu, TP.Tân An

An Nhiên

Chia sẻ bài viết