Tiếng Việt | English

17/08/2022 - 13:55

Công tác cải cách tư pháp đạt kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực

6 tháng đầu năm 2022, công tác cải cách tư pháp (CCTP) đạt kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực, tạo động lực để hoàn thành nhiệm vụ năm 2022.

Ban Nội chính Tỉnh ủy kiểm tra công tác cải cách tư pháp tại TP.Tân An

Nhiều kết quả nổi bật

Thông tin từ Ban Chỉ đạo (BCĐ) CCTP tỉnh Long An, 6 tháng đầu năm 2022, công tác CCTP đạt kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực. Trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm, khởi tố, điều tra, lực lượng Công an tỉnh chủ động tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành chỉ thị, kế hoạch về tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự, triển khai các đợt cao điểm tấn công tội phạm các ngày lễ, tết, các sự kiện chính trị quan trọng diễn ra trên địa bàn tỉnh. 6 tháng đầu năm 2022,

Công an tỉnh thực hiện tốt việc phối hợp Viện Kiểm sát nhân dân 2 cấp trong tiếp nhận, giải quyết tin báo tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố và công tác điều tra, thụ lý án. Trong đó, lực lượng công an tiếp nhận 1.650 tin báo tố giác tội phạm, giải quyết 1.454 tin, đạt trên 88%, các tin báo đang xử lý còn trong hạn giải quyết; công tác điều tra, phá án đạt trên 94%. Từ đó, phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của toàn xã hội trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Trong công tác kiểm sát, Viện Kiểm sát nhân dân 2 cấp chủ động thực hiện nhiều biện pháp nâng chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát án hình sự, phối hợp tòa án tổ chức các phiên tòa trực tuyến rút kinh nghiệm theo tinh thần CCTP. Kiểm sát viên được phân công thực hiện kiểm sát điều tra ngay từ đầu các vụ án mới khởi tố, nghiên cứu kỹ hồ sơ, tránh bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội, đẩy nhanh tiến độ giải quyết án và kiểm sát chặt chẽ công tác kiểm sát giam giữ, tạm giam, thi hành án hình sự. 6 tháng đầu năm 2022, Viện Kiểm sát 2 cấp thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra vụ án hình sự đối với 846 vụ/1.233 bị can, thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn truy tố 411 vụ/760 bị can.

Đối với công tác xét xử, từ việc thực hiện các nhiệm vụ CCTP, hoạt động tranh tụng tại tòa được chú trọng, dân chủ, công khai, chất lượng tranh tụng trong các phiên tòa được nâng lên. Đặc biệt, Tòa án nhân dân tỉnh đã tổ chức được các phiên tòa xét xử trực tuyến và đưa Trung tâm Hòa giải đối thoại tại tòa án đi vào hoạt động nhằm thực thi Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án.

Bên cạnh đó, công tác thi hành án dân sự, bổ trợ tư pháp, công tác giám sát của HĐND, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với cơ quan tư pháp, việc bảo đảm cơ sở vật chất cho hoạt động tư pháp cũng đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần đưa công tác CCTP trên địa bàn tỉnh đạt những kết quả nổi bật trong 6 tháng đầu năm.

Tập trung giải pháp hoàn thành nhiệm vụ năm 2022

Bên cạnh kết quả đã đạt, BCĐ CCTP tỉnh cũng cho rằng, trong thực hiện nhiệm vụ vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Trong đó, đối với ngành Công an, hiện còn khó khăn trong thực hiện các quy định pháp luật về bố trí phương tiện ghi hình, ghi âm tại các phòng hỏi cung, lấy lời khai của cơ quan điều tra tại địa phương; một số cơ sở giam giữ xuống cấp, cơ sở vật chất còn khó khăn, nhất là ở cấp xã.

Đối với ngành Kiểm sát, hiện nay, trong công tác kiểm sát điều tra, xét xử các vụ án hình sự còn một số quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 chưa được các cơ quan Trung ương hướng dẫn thống nhất giữa các ngành. Do đó, trong một số vụ việc cụ thể còn có quan điểm khác nhau giữa các cơ quan dẫn đến vụ việc kéo dài. Riêng công tác kiểm sát các vụ việc dân sự, hôn nhân, gia đình, hành chính, kinh doanh thương mại, lao động hiện còn khó khăn trong việc xác minh thu nhập, chứng cứ, áp dụng luật trong giải quyết các vụ việc tranh chấp có liên quan đến đất đai.

Đối với ngành Tòa án, bên cạnh việc thiếu hụt biên chế trong khi lượng án thụ lý hàng năm tăng cao thì một trong những khó khăn lớn nhất liên quan đến việc thu thập chứng cứ về kết quả đo đạc, định giá của các cơ quan liên quan còn chậm, tỷ lệ giải quyết án còn thấp. Đồng thời, hiện nay, người khởi kiện vẫn chưa thực sự "mặn mà" với lựa chọn hòa giải, đối thoại theo Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án.

Chất lượng công tác xét xử ngày càng được nâng lên theo đúng tinh thần cải cách tư pháp

Ngoài ra, BCĐ CCTP tỉnh cũng cho rằng, hiện nay, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân, nhất là ở cấp cơ sở có nơi còn hình thức, chưa đạt yêu cầu. Trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số vụ việc thi hành án dân sự phức tạp, kéo dài, giá trị thi hành lớn chưa được giải quyết dứt điểm như vụ việc liên quan đến Công ty (Cty) Cổ phần Địa ốc Hồng Phát, Cty Cổ phần Dệt Long An, Cty Xây dựng và Đầu tư phát triển hạ tầng An Phú, Cty Cổ phần Mía đường Hiệp Hòa, Cty TNHH Hoàng Gia Long An.

Trước thực tế đó, để hoàn thành nhiệm vụ công tác CCTP, BCĐ CCTP tỉnh tiếp tục tổ chức triển khai, quán triệt thực hiện tốt các kế hoạch, chương trình công tác CCTP năm 2022. “Trong đó, các cơ quan liên quan cần chủ động phối hợp tham mưu, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án về tham nhũng, chức vụ, kinh tế, nhất là các vụ án phức tạp, nổi cộm, bức xúc, không để tồn đọng, kéo dài, không để xảy ra án oan, sai, hạn chế đến mức thấp nhất án bị trả hồ sơ điều tra bổ sung; án bị hủy, cải sửa. Đồng thời, trong xét xử cần tiếp tục nâng chất lượng phiên tòa theo đúng tinh thần CCTP.

Ngành Tòa án cần tập trung công tác chuẩn bị để tổ chức sơ kết 1 năm thực hiện Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án. Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan cần xây dựng, tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cũng như thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp; tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân cho đội ngũ cán bộ tư pháp,..." - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng BCĐ CCTP tỉnh - Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh./.

Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh học tập kinh nghiệm tại tỉnh Bình Dương

Thực hiện Nghị quyết 33 của Quốc hội, từ tháng 4-2022, Tòa án nhân dân tỉnh thí điểm lựa chọn và tổ chức xét xử 9 phiên tòa hình sự, 1 phiên tòa hành chính theo hình thức xét xử trực tuyến để đánh giá bước đầu về hiệu quả công tác tổ chức các phiên tòa xét xử trực tuyến làm cơ sở nhân rộng hình thức xét xử này.

Việc tổ chức xét xử các phiên tòa theo hình thức trực tuyến sẽ mang lại những kết quả như công tác xét xử đã tiếp cận được việc ứng dụng công nghệ thông tin theo hướng hiện đại hóa, đáp ứng chủ trương, yêu cầu công tác cải cách tư pháp (CCTP).

Thông tin từ Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh, cuối quí II-2022, Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh tổ chức chuyến thực tế học tập kinh nghiệm về công tác tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến tại tỉnh Bình Dương theo tinh thần CCTP để áp dụng, nhân rộng tại các tòa án trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, trong chuyến học tập kinh nghiệm, Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh cũng tham quan thực tế mô hình lắp đặt hệ thống camera trực tuyến từ phòng xét xử đến phòng lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các cơ quan tư pháp.

Dự kiến, từ nay đến hết tháng 9/2022, mỗi Tòa án trong toàn tỉnh sẽ tổ chức ít nhất 3 phiên tòa xét xử theo hình thức trực tuyến.

UBND các cấp cần thực hiện nghiêm việc cử người tham gia tố tụng

Mặc dù UBND các cấp có nhiều nỗ lực khi phân công và ủy quyền cán bộ tham gia tố tụng và cung cấp chứng cứ cần thiết cho việc giải quyết án nhưng trong nhiều vụ việc, thời gian cung cấp tài liệu, chứng cứ có lúc còn chậm, tòa án phải nhắc nhở, đôn đốc nhiều lần, có vụ việc phải tạm đình chỉ khiến đương sự bức xúc, khiếu nại. Đây cũng là một trong những khó khăn trong công tác xét xử các vụ việc dân sự và vụ án hành chính có liên quan đến lĩnh vực đất đai.

Liên quan đến việc cung cấp chứng cứ và cử người tham gia tố tụng, riêng trong năm 2021, vẫn còn 40 trường hợp chưa cung cấp chứng cứ theo yêu cầu của tòa án, 44 trường hợp chưa có văn bản cử người tham gia tố tụng và 976 vụ án phải tạm đình chỉ do chờ kết quả đo đạc, định giá, chờ cung cấp trích đo địa chính và kết quả giải quyết của các cơ quan khác. Một số vụ việc, người đại diện UBND thường không thể hiện rõ quan điểm của UBND mà chỉ đề nghị tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật làm ảnh hưởng đến công tác đánh giá chứng cứ khi giải quyết án.

Để khắc phục hạn chế này, Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh kiến nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh tiếp tục quan tâm và có ý kiến chỉ đạo, giám sát đối với các cơ quan Nhà nước về việc cử người có thẩm quyền tham gia tố tụng, kịp thời cung cấp tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc giải quyết án nhằm bảo đảm thời gian và giải quyết đúng thời hạn quy định.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết